Saturday, November 16, 2024
Trang chủThâm cung bí sửCuộc chiến tranh 17-2-1979:TQ thảm bại ngay từ trong nội bộ...

Cuộc chiến tranh 17-2-1979:TQ thảm bại ngay từ trong nội bộ…

Thất bại nặng nề của quân đội Trung Quốc trong chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 đã được giới học giả phân tích, mổ xẻ và đánh giá.

Sau cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979, không chỉ Quân đội Trung Quốc mà các học giả, chuyên gia quân sự nước ngoài đã có những đánh giá về nguyên nhân thất bại của Trung Quốc trước quân và dân Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến các vấn đề về quân sự.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ những loạt bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu nguyên nhân thất bại của Quân đội Trung Quốc một cách toàn diện hơn.

Thất bại do tiến hành một cuộc “Chiến tranh phi nghĩa”

Tác giả Edward C. O’Dowd đã nhận xét trong cuốn sách “Chiến lược quân sự Trung Quốc trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ 3” rằng, chính sách dân vận của quân đội Trung Quốc đã thất bại. 

Ông lí giải rằng “người Việt Nam rất yêu nước, thấm nhuần tư tưởng chính trị, giỏi chịu đựng, không dễ bị lung lạc,…”. Chiến tranh tâm lý của Bắc Kinh với lực lượng phòng thủ của Việt Nam cũng thất bại. Trong suốt cuộc chiến, không có đơn vị nào của Việt Nam rã đám mà ngược lại, càng ngày càng đánh trả quân Trung Quốc quyết liệt hơn.

Ngoài ra, những hành động tàn phá, giết chóc dân thường, cũng như ngược đãi tù binh của quân Trung Quốc đã gây hại cho nỗ lực dân vận của họ.

Những hoạt động này một phần nằm trong kế hoạch phá hoại có tổ chức của giới lãnh đạo Trung Quốc nhằm phá hoại triệt để kinh tế Việt Nam, một phần là do binh lính Trung Quốc đã bị sốc vì sự khốc liệt của cuộc chiến và hoảng sợ trước sức kháng cự của quân dân nước ta.

Hoạt động lôi kéo người bản địa tại biên giới của Trung Quốc cũng không đạt được kết quả mong đợi. Khi quân Trung Quốc rút về nước, tất cả những gián điệp mà họ gây dựng được đều tự động ra hàng hoặc bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt giữ.

Tựu chung lại, những đánh giá của các học giả nước ngoài tuy có những khía cạnh đúng nhưng không liên hệ được với chiều sâu lịch sử văn hóa Việt Nam-Trung Quốc, không bao quát và không chỉ ra được cốt lõi của vấn đề là Bắc Kinh đã thất bại vì họ lại một lần nữa tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa với nước ta.

Xuyên suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử, Trung Quốc đã nhiều lần huy động đại quân sang xâm lược nước ta. Nhân dân Việt Nam đã quá hiểu được bản chất thâm độc, tàn ác và hành động cậy lớn ức hiếp nhỏ của quân xâm lược phương Bắc”, nên dù Trung Quốc có tuyên truyền kiểu gì thì cũng không hề lay chuyển được quân dân đất Việt.

Về bình diện quốc tế, nhiều học giả đã chỉ thẳng ra rằng, trong lịch sử của cả 2 nước đều thể hiện rõ ràng một chân lý là Việt Nam chưa bao giờ là bên chủ động gây chiến mà ngược lại, Trung Quốc đã hàng chục lần tấn công xâm lược đất nước nhỏ bé ở phương Nam nhưng đều thảm bại.

Ngoài ra những phóng sự chiến trường của các nhà báo Liên Xô, Pháp… đã thể hiện rõ ràng những khẩu pháo, những chiếc xe tăng Trung Quốc bắn phá, giết hại nhân dân Việt Nam, vạch trần luận điệu của Bắc Kinh vu cáo Việt Nam xâm lược và lột tả bộ mặt tàn ác của quân Trung Quốc.

Chính vì lẽ đó, cuộc chiến tranh phi nghĩa của Trung Quốc núp dưới chiêu bài “Chiến tranh phản kích tự vệ” chống “Tiểu bá Việt Nam” đã nhanh chóng bị lật tẩy là một cuộc chiến tranh xâm lược, bị cộng đồng quốc tế lên án, ngay cả một số nhà lãnh đạo và đông đảo nhân dân nước này phản đối.

Do đó, đến giai đoạn sau, khi bế tắc trên chiến trường Trung Quốc cũng không thể tung những lực lượng này vào tham chiến hòng thay đổi cục diện chiến trường. Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu ở các kỳ sau, liên hệ với các cuộc chiến tranh biên giới Xô-Trung năm 1969 và Trung-Ấn năm 1962.

Mâu thuẫn trong tầng lớp lãnh đạo chính trị và quân sự

 
Người lính Việt Nam tự tin chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc

Giáo sư Đại học Harvard Ezra Feivel Vogel trong cuốn “Thời đại Đặng Tiểu Bình” do Nhà xuất bản Đại học Trung Văn Hồng Kông đã cho biết, Đặng bị nhiều Ủy viên quân ủy trung ương phản đối, bao gồm cả Nguyên soái Diệp Kiếm Anh và Đại tướng Túc Dụ, nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội.

Nguyên soái Diệp Kiếm Anh (lúc đó là Chủ tịch nước-Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, tức nhân vật số 2 của Trung Quốc) vốn đã bất bình nói rằng: “Diễu võ dương oai đánh Việt Nam thì được gì? Không khác gì Gia Cát Lượng Bắc phạt Tư Mã Ý, đánh vào nơi nào và làm sao đánh thắng được?”.

Ông Diệp còn cho rằng, Trung Quốc không thể đánh thắng một đội quân cơ động ngay trong nhà của họ và chỉ trích “Mỹ muốn báo thù Việt Nam bằng máu Trung Quốc. Không được dùng máu của người Trung Quốc để phục hận cho người Mỹ…”

Một số quan chức cấp cao trong quân đội cũng như ngoài dân sự cho rằng việc đánh Việt Nam là không khôn ngoan, một số khác công khai phản đối việc tấn công một nước láng giềng xã hội chủ nghĩa. Một số thì lo ngại xung đột sẽ dẫn tới hậu quả là Việt Nam thù địch lâu dài với Trung Quốc.

Ngay cả nhà lãnh đạo số 1 Trung Quốc lúc bấy giờ là Hoa Quốc Phong vốn không đồng tình, nhưng không cưỡng nổi uy thế của Đặng Tiểu Bình, nên sau này cho dù khi thấy được tính chất nghiêm trọng của cuộc chiến nhưng ông ta cũng không thể nói được.

10 năm sau, Thượng tướng Trần Tích Liên, nguyên là Tư lệnh Binh chủng pháo binh, Tư lệnh Đại Quân Khu Thẩm Dương, Tư lệnh Đại Quân khu Bắc Kinh, nguyên Phó Thủ tướng Trung Quốc đã thẳng thắn tuyên bố rằng: “…đây là cuộc chiến dốt nát, là cuộc chiến ngu xuẩn, là cuộc chiến điên rồ, lính chết đầy ra đấy nhưng không ai dám kêu oan”.

Học giả Trung Quốc Zhang Xiaoming trong cuốn “Deng Xiaoping’s Long War: The Military Conflict between China and Vietnam, 1979-1991” (tạm dịch “Cuộc chiến tranh dài của Đặng Tiểu Bình: Xung đột quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc, 1979-1991”) do Nhà xuất bản Đại học Bắc North Carolina ấn hành năm 2015 đã chỉ ra những vấn đề rất quan trọng.

Đó là Quân ủy trung ương Trung Quốc đã sai lầm trong xây dựng cơ cấu tổ chức, huy động lực lượng, khi bố trí cho tất cả quân khu của nước này đều có lực lượng tham gia Chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979, trong khi đó tư tưởng bè phái đang thịnh hành trong quân đội nước này.

Những di sản và đặc điểm có tính thể chế này, ăn sâu trong cơ cấu tổ chức quân đội Trung Quốc cho tới năm 1979, đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, mà Trung Quốc huy động tới lực lượng của 5 Đại quân khu khác nhau.

Ở cấp chỉ huy lực lượng tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, cách bố trí nhân sự của Đặng Tiểu Bình trong cuộc chiến phi nghĩa này đã bộc lộ vấn đề lớn, khiến hàng ngũ sĩ quan cao cấp bất phục, binh lính không hài lòng.

Ví dụ như vấn đề tướng Hứa Thế Hữu được điều từ Đại quân khu (ĐQK) Nam Kinh đến nắm Đại quân khu Quảng Châu ngay từ năm 1973, do khi đó Mao Trạch Đông không tin tưởng các tướng lĩnh thuộc ĐQK này. Hứa cũng mang đến một số tay chân đắc lực, ví dụ như Lưu Xương Nghĩa để xây dựng vây cánh.

Sau đó, Hứa Thế Hữu phụ trách mũi tấn công Quảng Tây, đồng thời kiêm luôn Tổng chỉ huy trong cuộc chiến với Việt Nam. Mặc dù đã ở Quảng Châu tới 6 năm nhưng ông ta không thu được nhân tâm của các sĩ quan ở đây, cũng như không thông thạo địa hình, khí hậu biên giới Việt-Trung.

Hơn nữa, ngay từ đầu, họ Hứa cũng đã đưa ra phương án tác chiến sai lầm là áp dụng chiến thuật “biển người” để tiến đánh khu vực đồi núi phức tạp, không thuận lợi triển khai quân lớn, làm binh lính tổn thất vô số, dẫn đến tình trạng bất mãn trong quân đội.

Ngoài ra, việc Đặng Tiểu Bình loại bỏ Tư lệnh mặt trận Vân Nam là tướng Vương Tất Thành, ngay trước thềm cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 1 năm 1979, để đưa Dương Đắc Chí lên, do ông này có quan hệ tốt với chỉ huy cánh Quảng Tây, cũng khiến cuộc tấn công gặp khó khăn do một người lập kế hoạch tác chiến nhưng người khác tổ chức thực hiện.

Sự hoài nghi về mục đích của cuộc chiến trong binh lính Trung Quốc

Dưới tiêu đề “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam – một cuộc chiến tranh gây tranh cãi”, trang mạng “Tianya.cn” của Trung Quốc ngày 6-4-2012 đã cho đăng bài của “Tây Hồ kiếm khách” – một tác giả tự xưng là một cựu binh đã tham gia cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979.

 
Một người lính Trung Quốc bị bắt làm tù binh trong chiến tranh xâm lược năm 1979

Tác giả này viết: “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam là một cuộc chiến có vấn đề nghiêm trọng về cả hoạch định lẫn chỉ huy, cần phải nhìn nhận lại…Cuộc chiến đó thương vong quá nhiều”. Đồng thời, “Tây Hồ kiếm khách” nêu lên “11 vấn đề bên trong cuộc chiến tranh cần được làm sáng tỏ”.

Vấn đề đầu tiên mà tác giả nói đến chính là yếu tố được đánh giá là quan trọng nhất trong mỗi cuộc chiến tranh, đó là “Vì sao phải tiến hành cuộc chiến tranh với Việt Nam?”. Tác giả cho rằng, về nguyên nhân gây chiến, đến nay vẫn chưa được giải thích công khai, rõ ràng, khiến người ta tin.

Thậm chí ông Trương Thắng, Cục trưởng Cục Tác chiến (con trai nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Trương Ái Bình) cũng thừa nhận trong hai cuốn sách “Đi ra từ chiến tranh” và “Đặc công cuối cùng náu mình ở Đại lục” rằng, ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng khi đó cũng không rõ vì sao ta phải tiến hành cuộc chiến tranh ấy”.

Mặc dù đã được đả thông tư tưởng bằng những cuộc diễn thuyết vu cáo Việt Nam đàn áp người Hoa, xâm lấn biên giới Trung Quốc… nhưng phần lớn binh lính và sĩ quan cấp thấp đều không hiểu rõ mục đích của cuộc chiến tranh, nhưng thời đó họ đâu dám nói. Từ đó, nảy sinh tình trạng sợ chết, dễ bỏ chạy, lùi về tuyến sau…

“Hiện tượng tự thương trên chiến trường liên tiếp xảy ra. Để lẩn tránh chiến tranh, một số binh lính sau khi vượt biên đi xâm lược nước người khác (chỉ hành động sang xâm lược Việt Nam) đã tự bắn vào chân mình” để được về hậu phương – điều này được tác giả đưa vào mục chất vấn thứ 5.

Sự hoài nghi về mục đích của cuộc chiến không chỉ tồn tại ở thời điểm đó mà nó đã đeo đẳng các cựu binh Trung Quốc gần 25 năm sau về “Một cuộc chiến tranh vô nghĩa, kỳ quặc” – tiêu đề bài viết của một cựu binh Trung Quốc khác đăng trên báo điện tử Thiết Huyết (Tiexue.net) ngày 18-7-2013.

Tác giả viết: “Chiến tranh Triều Tiên chúng ta đạt được lợi ích là kìm chế quân Mỹ ở phía Nam vĩ tuyến 38; Chiến tranh Giải phóng, chúng ta giải phóng được Trung Quốc đại lục. Tôi thực sự không hiểu trong cuộc chiến tranh kỳ quặc năm 1979, rốt cục Trung Quốc đạt được cái gì? Chả được gì cả!”.

Còn tác giả Thường Thanh viết trên báo mạng “Botanwang.com” ngày 30-5-2013 rằng, chiến tranh Việt-Trung năm 1979 có lẽ là cuộc chiến khiến mọi người Trung Quốc hiểu biết sự thật khó mở miệng nhất trong mọi cuộc chiến tranh với nước ngoài kể từ năm 1949…

Trong bài có tiêu đề “Nhìn lại Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”, tác giả viết rằng, ngay khi thấy hàng ngũ trùng điệp những chàng trai Trung Quốc tuổi 18-20 kéo ra tiền tuyến, đã có rất nhiều người nghĩ khác với chính quyền về giá trị của cuộc chiến tranh này.

Hơn nữa, một điều bất thường là khi chiến tranh kết thúc chả ai biết, cũng không có cảnh cả nước ăn mừng thắng lợi, chỉ biết nó đã kết thúc rồi… và sau đó là hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ được xây dựng san sát trong các nghĩa trang ở biên giới Tây Nam. Đa phần những người ngã xuống đã không biết mình đổ máu vì cái gì.

Theo tác giả, sở dĩ chiến tranh kết thúc mà không ai ăn mừng bởi chính quyền không thể nói rõ ràng cho quốc dân về tính chất của cuộc chiến tranh đó.

Trong dân chúng khi đó nhiều người cũng hoài nghi về cuộc chiến tranh này. Nhiều báo tường chữ lớn ở Bắc Kinh ví dụ như trên tường ở khu Tây Đơn (trung tâm thủ đô Bắc Kinh) đã thẳng thắn phê phán Đặng Tiểu Bình và cho rằng Quân đội Trung Quốc đã thất bại thảm hại.

Những vấn đề trên là những yếu tố có tác động gián tiếp đến sự thất bại của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, còn nguyên nhân trực tiếp là những sai lầm trong tư tưởng tác chiến chủ đạo và những yếu kém về quân sự của quân đội Trung Quốc. Do khuôn khổ bài báo, điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau.

RELATED ARTICLES

Tin mới