Wednesday, December 25, 2024
Trang chủThâm cung bí sửChút sự thật về ông Chu Ân Lai (Kỳ cuối)

Chút sự thật về ông Chu Ân Lai (Kỳ cuối)

Sau khi cuốn “Gia sự Chu Ân Lai” được xuất bản, một số nhà nghiên cứu gia thế của cố Thủ tướng Chu Ân Lai đã cho công bố một phát hiện mới của họ tại thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc: “tên gọi của tổ phụ Chu Ân Lai là Chu Khởi Khôi chứ không phải Chu Điện Khôi như mọi người vẫn quan niệm.

Kỳ VII: Nỗi niềm khó nói

Theo các nhà sử học, phát hiện này của một số nhà nghiên cứu kể trên có một ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với những tư liệu lịch sử hiện có tại Trung Quốc. Thủ tướng Chu Ân Lai đã từng trả lời câu hỏi của phóng viên Mỹ khi người này hỏi về gia thế của Thủ tướng (tháng 9/1946) rằng, tổ phụ của tôi là Chu Điện Khôi, sinh tại Thiệu Hưng, Chiết Giang, Trung Quốc… Điều này đã được Thủ tướng Chu Ân Lai khẳng định lại vào tháng 8/1964 trong một buổi họp gia tộc rằng, “tổ phụ tên gọi Phan Long, hiệu là Vân Môn, tự là Điện Khôi”. Chi tiết này được ghi lại trong nhiều cuốn sách nổi tiếng như: “Truyện về Chu Ân Lai”, “Cuộc đời và sự nghiệp của Chu Ân Lai”… và nhiều văn kiện lịch sử khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo những phát hiện mới nhất thì tổ phụ của Chu Ân Lai sinh năm Thanh Quang Tự thứ 24, tức năm 1844 với tên gọi Tuấn Long, tự là Vân Môn. Ông là con thứ tư của Chu Tiều Thuỷ (Quang Huân), người đã từng là tri huyện các huyện An Đông, Phụ Ninh, Đào Nguyên… sau đó ông còn được cử làm tri châu. Chu Điện Khôi có tên gọi Tuấn Thông, tự là Tử Minh, là con trai lớn của Chu Thuỷ Tâm (Quang Đào), em trai của Chu Tiều Thuỷ. Nhờ vào những tư liệu này nên mọi người cho rằng, Chu Điện Khôi có thể coi là tổ phụ của Chu Ân Lai vì ông là em ruột của tổ phụ Chu Ân Lai.

Đã từ lâu quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ” đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người dân Trung Quốc, nhưng đối với Chu Bỉnh Kiến, cháu gái của Thủ tướng Chu Ân Lai thì ngược lại. Chu Bỉnh Kiến vốn là một cô bé ngoan ngoãn, trầm tư, nhưng khi cô mới 16 tuổi, bố cô, ông Chu Đồng Vũ đã bị Giang Thanh bức hại cho dù ông là em ruột của Thủ tướng Chu Ân Lai. Sau khi cha mình bị bức hại Chu Bỉnh Kiến đã phải phiêu dạt tới khu tự trị Nội Mông, một vùng quê hẻo lánh làm nghề chăn cừu, cắt lông cừu, vắt sữa, học cưỡi ngựa, học nói tiếng Mông cổ… Sở dĩ Chu Bỉnh Kiến phải làm như vậy vì nếu không mai danh ẩn tích cô sẽ bị người của Giang Thanh hãm hại.

Sau một thời gian làm quen với cuộc sống giang hồ, Chu Bỉnh Kiến tòng quân và được trở về Bắc Kinh nhờ thành tích chiến đấu. Nhưng vừa về Bắc Kinh được một ngày thì Thủ tướng Chu Ân Lai đã cử thư ký của mình tới gặp lãnh đạo đơn vị Chu Bỉnh Kiến yêu cầu trả cô về nơi đã cử đi. Bà Đặng Dĩnh Siêu còn gặp riêng Chu Bỉnh Kiến khuyên cháu nhanh chóng trở lại Nội Mông để tiếp tục chăn cừu vì những lý do khó diễn tả bằng lời!

chut su that ve ong chu an lai ky vii
Chu Ân Lai đọc báo cáo chính trị

Sau khi trở lại Nội Mông, Chu Bỉnh Kiến đã thề rằng sẽ không làm việc tại công trường, không làm việc tại cơ quan nhà nước mà suốt đời sống với đồng cỏ, chăn cừu! Cuộc đời Chu Bỉnh Kiến có lẽ sẽ trôi mãi như vậy nếu “bè lũ 4 tên” không bị đập tan vào ngày 6/10/1976. Sau 9 năm sống tại Nội Mông (từ 1968-1977), Chu Bỉnh Kiến thi đỗ vào trường đại học Nội Mông và trên chuyến tàu tham quan tại Triều Tiên cô đã tình cờ gặp La Tô Vinh, một ca sỹ nổi tiếng người Mông (La Tô Vinh sau này trở thành chồng cô). Cuộc đời của La Tô Vinh cũng rất khổ, anh làm nghề du mục đã hơn 20 năm, bố anh cũng bị bức hại đến chết trong cách mạng văn hoá, vợ anh đã ly dị và để lại cho anh một đứa con trai… Trong thời gian tham quan ở Triều Tiên, hai người có điều kiện sống, tìm hiểu về nhau nhiều hơn và từ đó tình cảm đã cháy lên trong cô. Sau khi về nước Chu Bỉnh Kiến thường tới thăm gia đình La Tô Vinh. Một lần Chu Bỉnh Kiến đã hỏi thẳng La Tô Vinh:

“Tại sao anh không đi bước nữa?”.

“Tôi còn sự nghiệp của mình, hơn nữa đã có con nên không muốn…”.

“Việc gì phải như vậy, tình yêu và sự nghiệp là hai vấn đề khác nhau, hơn nữa con anh cũng cần có người chăm sóc…”.

Tin về La Tô Vinh và Chu Bỉnh Kiến yêu nhau và sắp tổ chức thành hôn đã được lan truyền đi khắp nơi và đâu đâu cũng nghe thấy những lời bàn tán về họ, ủng hộ có, phản đối có, khuyên giải có:

“Nhà La Tô Vinh nghèo rớt mùng tơi, đến cái quần đùi cũng không có mà mặc, đúng là đũa mốc đòi với mâm son”.

“Chu Bỉnh Kiến không nghĩ cho cô ấy thì thôi, nhưng cô ta cũng phải nghĩ cho Chu Thủ tướng chứ, gái tân việc gì phải lấy thằng đã có vợ, có con”.

“Những thằng văn nghệ sỹ không tật nọ thì khuyết kia, nếu không tại sao phải ly dị vợ”.

chut su that ve ong chu an lai ky vii

Mao Trạch Đông (giữa), Chu Ân Lai(trái) và vợ ông Chu là bà Đặng Dĩnh Siêu tại bãi biển Bắc Đới Hạ, Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc năm 1954

Mặc cho những đồn đại kể trên, Chu Bỉnh Kiến vẫn giữ thái độ bình thường, kiên định, thậm chí cô còn nói thẳng với bạn mình:”La Tô Vinh là một con người lương thiện, có nhiệt huyết làm việc, trái tim tôi đã thuộc về anh ta thì kể gì đến nghèo hèn”. Vượt lên tất cả những khó khăn, cản trở, hôn lễ của hai người đã được tổ chức đúng ngày quốc khánh năm 1979. Từ 1979-1994, họ sống tại Nội Mông và từ năm 1994, họ chuyển cả gia đình về Bắc Kinh sinh sống do yêu cầu công tác.

Mặc dù đã an cư tại Bắc Kinh, nhưng Chu Bỉnh Kiến vẫn thường nói với bạn bè, đồng sự của mình: năm nào chúng tôi cũng về sống một thời gian ở Nội Mông để tìm lại những kỷ niệm xưa, hiện tôi sống hạnh phúc bên người chồng yêu dấu của mình, đó cũng là phần thưởng cho những năm tháng lao động vất vả, cực nhọc của tôi.

RELATED ARTICLES

Tin mới