Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ “nắn gân” TQ ở Biển Đông

Mỹ “nắn gân” TQ ở Biển Đông

Mỹ đang bắn đi vài “phát đạn” để thể hiện sự quan tâm của Washington với Biển Đông, trấn an các đồng minh khu vực và “nắn gân” Trung Quốc, song tình trạng ở Biển Đông vẫn đang rất nhạy cảm và rất dễ đi theo hướng mất kiểm soát, bởi Bắc Kinh vốn chẳng vừa – rất liều lĩnh và bất chấp thủ đoạn.

Kể từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu nạo vét lòng Biển Đông để xây dựng 7 đảo nhân tạo với tổng diện tích hiện nay lên tới hơn 3.000 mẫu Anh (hơn 1.200 ha) xung quanh 600 bãi đá nổi, bát cát ngầm và các đảo nhỏ đang có tranh chấp và nhiều quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Philippines có tuyên bố chủ quyền.

Đầu năm 2016, cộng đồng quốc tế lại được cảnh báo rằng, Trung Quốc đã bài bố hỏa tiễn phòng không, điều động chiến đấu cơ đến quần đảo Hoàng Sa và thiết lập xong hệ thống radar giám sát cả vùng trời lẫn biển ở quần đảo Trường Sa. Sự kiện Philippines tố cáo Trung Quốc điều tàu công vụ trấn giữ bãi Hải Sâm ở quần đảo Trường Sa tiếp tục làm dấy lên lo ngại về nguy cơ Bắc Kinh sẽ dần dần chiếm trọn từng thực thể ở Biển Đông.

Những diễn biến ở khu vực này đã thu hút sự chú ý của Mỹ, vì hai lý do:

Trước tiên, cũng là lý do quan trọng nhưng lại bị hạn chế và phụ thuộc vào cách diễn giải về Công ước Liên HIệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Đối với Mỹ (và hầu hết cộng đồng hàng hải quốc tế), các vùng biển chung nằm ở ngoài khu vực 12 hải lý xung quanh các quốc gia ven biển; song với Trung Quốc (và một vài quốc gia khác không tham gia cuộc chơi, chẳng hạn như Iran), vùng đặc quyền kinh tế xung quanh bất cứ một thực thể nổi trên mặt biển nào, kể cả một lâu đài cát rộng lớn, đều được xác định trong khu vực 200 hải lý. Do vậy, có một sự chênh lệch lớn trong cách tính toán.

Lý do quan trọng thứ hai, mang tính toàn cầu, liên quan tới việc Mỹ sẽ đối phó như thế nào với tham vọng chiến lược của một Trung Quốc đang trỗi dậy? Đặc điểm địa lý chiến lược của khu vực Tây Thái Bình Dương được xác định bởi 2 chuỗi đảo chính. Chuỗi thứ nhất kéo dài từ các quần đảo của Nhật Bản, đi qua Đài Loan xuống phía Nam là Philippines, chạy quanh các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Chuỗi đảo thứ hai cũng xuất phát từ Nhật Bản nhưng lại chạy theo hướng Tây tới đảo Guam và kết thúc ở Indonesia, bao quanh vùng biển Philippines. Hai tuyến hàng hải này chính là nơi các lực lượng Hải quân Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh quyền kiểm soát biển ở Tây Thái Bình Dương.

Các đảo nhân tạo phục vụ một số mục đích của Trung Quốc: Thứ nhất, giá trị kinh tế sẽ được sản sinh từ đòi hỏi chủ quyền một vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý; Thứ hai, đường băng cùng với hệ thống giám sát bằng radar Trung Quốc đang xây dựng trên đó sẽ tăng cường năng lực tấn công và khả năng của các máy bay giám sát của Trung Quốc trong vòng hàng trăm dặm; Thứ ba, họ sẽ chi phối các tuyến đường qua lại bằng các tàu ngầm có trang bị hạt nhân để từ đó có thể dễ dàng tiếp cận khu vực rộng lớn hơn ở Thái Bình Dương. Kết quả là Trung Quốc sẽ biến cả một vùng biển thành cái “ao nhà”, “hồ nhà” của họ, rộng tới 1,7 triệu dặm vuông từ đất liền đến chuỗi đảo đầu tiên, nơi mà hàng triệu tấn hàng hóa đi qua mỗi ngày.

Đối với Mỹ, các hệ quả khu vực và toàn cầu nảy sinh từ những đảo nhân tạo này hiện trở nên không thể tách rời, khi mà những mục đích khu vực trở thành phương tiện để Trung Quốc đạt được mục đích toàn cầu, còn Washington thì vẫn giương cao ngọn cờ bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không theo đúng giới hạn 12 hải lý được đề ra trong UNCLOS.

Hiện tại, Mỹ đang bắn đi vài “phát đạn” để thể hiện sự quan tâm của Washington với Biển Đông, trấn an các đồng minh khu vực và “nắn gân” Trung Quốc. Đầu tiên là những cảnh báo dồn dập của giới chức quân sự Mỹ về những căng thẳng từ các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc Biển Đông. Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng tuyên bố sẽ điều nhóm chiến đấu do hàng không mẫu hạm dẫn đầu tới vùng biển này, đồng thời công khai cảnh cáo Trung Quốc nên ngưng ngay những hành động hiếu chiến, bởi nỗ lực quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc sẽ dẫn đến những hậu quả cụ thể.

Tiếp đó là thông tin USS Blue Ridge – soái hạm của Hạm Đội 7, đã dẫn hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis, hai khu trục hạm (USS Chung Hoon, USS Stockdale), hai tuần dương hạm (USS Antietam, USS Mobile Bay) vào Biển Đông làm nhiệm vụ tuần tra thường kỳ được phát ra cùng dịp Bắc Kinh đang tổ chức họp Quốc hội và công khai thể hiện quyết tâm “độc chiếm” Biển Đông.

Trong báo cáo đọc tại Quốc hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố : Trung Quốc sẵn sàng trên tất cả các mặt trận, với tất cả các kịch bản, nỗ lực để đảm bảo sức sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biên giới, kiểm soát trên biển cũng như trên không”, đồng thời nhấn mạnh, tỉnh Hải Nam sẽ nhận được ngân sách hỗ trợ của Trung ương để “khai thác các nguồn tài nguyên Biển Đông”.

Hiện chưa rõ các đợt tuần tra càng ngày càng dày với số lượng chiến hạm càng ngày càng lớn, có cả sự tham gia của những vận tại hạm vận chuyển thủy quân lục chiến của Hải quân Mỹ tại Biển Đông có phải là sự hiện thực hóa tuyên bố của ông Carter hay không, nhưng rõ ràng, đây là một động thái “thử thần kinh” Trung Quốc của Mỹ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, tình trạng ở Biển Đông vẫn đang rất nhạy cảm và rất dễ đi theo hướng mất kiểm soát, bởi Bắc Kinh vốn cũng là tay chẳng vừa – rất liều lĩnh và bất chấp thủ đoạn. Trung Quốc đang nỗ lực không ngừng hiện thực hóa tham vọng chủ quyền trên Biển Đông và đẩy nhanh các hoạt động trên thực địa nhằm tạo ra tình trạng “việc đã rồi” trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện về yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, do Philippines làm nguyên đơn.

Mỹ cần áp dụng nhiều biện pháp hơn để nâng cao cái giá mà Bắc Kinh phải trả cho hành vi của họ. Việc Mỹ tuyên bố duy trì hiện trạng không ngừng thay đổi như hiện nay và triển khai một số đợt tuần tra tự do trên biển là không thể đủ. Muốn ảnh hưởng trực tiếp đến hành động của Bắc Kinh, Mỹ buộc phải có hệ hống kiểm soát thường nhật và điều này đồng nghĩa ” việc phải áp dụng những chính sách có độ rủi ro nhất định, và mức độ rủi ro này là những cái mà cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ có vẻ vẫn dùng dằng chưa quyết đoán.

RELATED ARTICLES

Tin mới