Thursday, March 28, 2024
Trang chủNước Việt đẹpLao động xuất khẩu Việt, nỗi nhục quốc thể

Lao động xuất khẩu Việt, nỗi nhục quốc thể

Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường, nhưng Việt Nam đang mất dần nội lực chính là lý do khiến cho cả nền kinh tế bị chao đảo

Cũng đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh khi bày tỏ nỗi đau xót khi Việt Nam vẫn tự hào là xuất khẩu nhiều lao động. PGS.TS Phương Ngọc Thạch cho rằng, hình ảnh này không mấy sáng sủa, không đáng tự hào, đó là nỗi nhục nhã của một dân tộc.

Nguy cơ gây bất ổn

Theo ông, xuất khẩu lao động là một hình thức của xuất khẩu hàng hóa nói chung và là một bộ phận của kinh tế đối ngoại, trong đó hàng hóa đem xuất là con người, còn khách mua là người nước ngoài. Việt Nam coi lao dộng là hàng hóa, hàng hóa đó được xuất khẩu để đổi sức lấy tiền.

Nỗi nhục người ta đề cập là sức lực người lao động Việt Nam đã không được coi trọng, không được trọng dụng mà lại được sử dụng như một loại hàng hóa rẻ tiền. Nói cho dễ hiểu, người lao động Việt chỉ đi làm thuê, chấp nhận bị bóc lột thậm tệ, bị hành hung, thậm chí có nhiều trường hợp còn bị khai thác thân thể…

Ông lo ngại, khi áp lực giải quyết vấn đề việc làm đổ lên vai xuất khẩu lao động, khi đó, cũng như các loại hàng hóa khác, hàng hóa lao động Việt Nam khi xuất khẩu nhiều thì bị ép giá mua với giá rẻ. Khi áp lực giải quyết vấn đề việc làm đổ lên vai xuấtkhẩu lao động, người lao động Việt bị chủ nước ngoài sử dụng khai thác tối đa, hoặc bị chèn ép, bóc lột như đã nói ở trên.

Ông cho biết, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu lao động từ năm 1980. Việt Nam đánh giá cao vai trò của xuất khẩu lao động và cho rằng nguồn thu nhập từ hoạt động xuất khẩu lao động đã góp phần cải thiện đời sống, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế xã hội. Xuất khẩu lao động được coi là một trong những ngành kinh tế mang lại nhiều lợi ích to lớn cả về mặt kinh tế và xã hội, là giải pháp tạo việc làm quan trọng và mang tính chiến lược của nước ta.

Đó là định hướng chưa chính xác. Vì thế, ông không đồng tình với những bao biện cho rằng xuất khẩu lao động là do nền kinh tế chậm phát triển, không tạo được việc làm. Ông cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng, khi nền kinh tế khó khăn thì xuất khẩu lao động được xem là cứu cánh không chỉ cho các gia đình mà còn với cả một quốc gia. Xuất khẩu lao động là giải pháp giảm áp lực tới nền kinh tế và xã hội.

Lý giải cho điều này, PGS. TS Phương Ngọc Thạch cho biết, khi nền kinh tế không tạo ra việc làm mà đẩy mạnh xuất khẩu lao động sẽ có nguy cơ gây bất ổn lớn cho nền kinh tế. Ông cho biết, Việt Nam vẫn chờ đợi một nguồn kiều hồi rất lớn được chuyển về hàng năm, trong số đó có không ít của những người lao động đang đi lao động ở nhiều nước khác nhau.

Đáng tiếc, thống kê cũng cho biết đa số nguồn kiều hối đổ về lại chủ yếu chảy vào bất động sản. Việc vay vốn ngân hàng tăng tín dụng giúp giải quyết vấn đề chi phí đi xuất khẩu lao động và cứu bất động sản làm cho nguồn tiền từ ngân hàng và ngân sách đổ không đúng chỗ. Nếu tín dụng đi vào sản xuất, đầu tư công nghệ, mở rộng đầu tư thì nền kinh tế tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao nội lực cho nền kinh tế, sẽ tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, có thể nói chính sách không đúng đã tác động đến tăng trưởng kinh tế, đến việc làm của người lao động, vị chuyên gia nói.

Buộc phải làm thuê

Chính vì thế, ông cho biết, ngay từ những năm cuối thế kỷ XX, vấn đề phát huy nội lực được nói đến nhiều tại Việt Nam. Theo ông, trước trào lưu toàn cầu hoá ngày càng mạnh, vấn đề tăng cường và phát huy nội lực để chủ động phát triển trong ổn định là cần thiết. Nếu không nâng cao nội lực nền kinh tế, thì chắc chắn Việt Nam chỉ còn một con đường đi làm thuê cho thế giới.

Thực tế cho thấy mô hình phát triển vừa qua có sự thiên lệch; dựa nhiều vào khai thác và bán tài nguyên, sử dụng nhiều vốn và lao động, công nghệ thấp. Những nguồn lực này ngày càng nghèo nàn và không phát huy được trong hội nhập với thế giới hiện đại đã gây nên một số hạn chế trong quá trình phát triển hội nhập sâu và rộng. Đứng trước bối cảnh mở cửa hoàn toàn thị trường, nhưng Việt Nam đang mất dần nội lực chính là lý do khiến cho cả nền kinh tế bị chao đảo, ông Thạch nói.

“Hệ quả nhìn mà nền kinh tế nhận được là cán cân thương mại xấu đi, nhập siêu, lợi nhuận từ xuất khẩu chủ yếu rơi vào các tập đoàn xuyên quốc gia. Các dòng thuế phải cắt giảm và ảnh hưởng tới thu ngân sách, tăng tình trạng bội chi ngân sách;các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu bị sụp đổ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa của các nước phát triển; Việt Nam trở thành bãi lắp ráp hàng xuất khẩu của các công ty nước ngoài; hàng loạt các doanh nghiệp lớn trở thành miếng mồi béo bở để doanh nghiệp nước ngoài triển khai hoạt động M&A mua bán sáp nhập doanh nghiệp Việt dẫn tới hệ quả tất yếu là người lao động Việt Nam buộc phải đi làm thuê cho thế giới”, PGS.TS Phương Ngọc Thạch chua chát.

Giải bài toán lao động thế nào?

Vậy, trước tình hình đó thì câu hỏi lớn là giải bài toàn lao động thế nào? PGS.TS Phương Ngọc Thạch cho rằng, để giải bài toán lao động, chúng ta cần phải thay đổi nhiều chính sách.

Theo ông, trước hết cần  phải đẩy mạnh thực hiện công bằng xã hội, xóa bỏ bất công xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo, đẩy lùi lãng phí, tham nhũng.

Có kế hoạch chấm dứt tình trạng này trong thời gian càng ngắn càng tốt là trách nhiệm của những người quản lý.

Thứ hai, tình trạng mất công bằng trong tiếp cận dịch vụ công giữa các địa phương, các nhóm dân cư, đặc biệt là các dịch vụ xã hội như y tế và giáo dục,… đang ngày càng tăng.

Ông cho rằng, bất bình đẳng thu nhập là một nguyên nhân quan trọng đưa đến bất bình đẳng về tiếp cận các dịch vụ cốt yếu ăn, mặc, ở, đi lại, học hành và chữa bệnh. Chính sách giao dịch vụ công cho tư nhân (thị trường) cung cấp, quá trình xã hội hóa đã làm nảy sinh các mặt tiêu cực như: chất lượng dịch vụ kém, phí cao, tiếp tay cho lừa đảo, lách luật…, làm thay đổi chính sách điều trị miễn phí bệnh nhân nghèo, cũng như làm thay đổi chính sách giáo dục cưỡng bách quốc gia.

Vấn đề thứ ba ông nói, là chế độ tiền lương thời gian qua không những không cơ bản mà còn mất tác dụng kích thích, thực sự chưa hướng tới các mục tiêu cơ bản: thu hút nhân lực, duy trì nhân lực giỏi, kích thích động viên nhân lực, đáp ứng các yêu cầu của pháp luật.

Hiện nay lương tối thiểu vùng thấp hơn so với nhu cầu sống tối thiểu, lương tối thiểu vùng mới chỉ đáp ứng được trên 70% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

“Cần cải cách mạnh mẽ chế độ tiền lương và đãi ngộ theo hướng chú trọng chất lượng của giá trị chuyên môn, của sáng tạo chứ không phải chỉ theo chức vụ, triệt tiêu giá trị sáng tạo và cống hiến. Phải thấy rằng càng hội nhập sâu và rộng việc tăng lương lao động qua các năm chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy các công ty cải tiến công nghệ”, ông nhấn mạnh.

Theo ông, Việt Nam không thiếu gì nguồn nguồn nhân lực chất lượng cao. Các nhà khoa học, trong đó có người Việt Nam trên thế giới có nhiều. Số nhà khoa học Việt Nam không có việc làm do các nước phát triển không thu hút hết. Vấn đề là Việt Nam phải có chính sách đãi ngộ thích đáng đối với nguồn nhân lực như cách thu hút của nhiều nước (Mỹ và Singapore dựa vào nguồn nhân lực nước ngoài trong phát triển).

Cuối cùng, ông Thạch đề nghị cần phải hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa . Đồng thời, có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục những điểm yếu chung về tiếp cận vốn tín dụng, thông tin thị trường, kỹ thuật.

RELATED ARTICLES

Tin mới