Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiThế khó của Bắc Kinh ở Myanmar

Thế khó của Bắc Kinh ở Myanmar

Trung Quốc đang tìm cách duy trì ảnh hưởng với Myanmar thông qua việc xây dựng một cảng nước sâu trị giá 10 tỷ USD tại quốc gia này.

Dự án cảng nước sâu kể trên còn bao gồm cả một đặc khu kinh tế, tọa lạc ở đảo Maday thuộc thị trấn Kyaukphyu, bang Rakhine, phía tây Myanmar. Đây là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng hiện diện ra Ấn Độ Dương và Nam Á, cũng như khôi phục những đặc quyền từng được hưởng từ thời chính quyền quân sự Myanmar, theo Wall Street Journal.

Dự án cảng nước sâu Kyaukphyu cũng sẽ là phép thử sớm cho chính phủ sắp thành lập của bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng cầm quyền Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), trong việc dung hòa giữa một bên là tiếng nói phản đối từ người dân và một bên là đối tác kinh tế hàng đầu của quốc gia.

Dự án gây tranh cãi

Đảng cầm quyền NLD cho biết họ sẽ xem xét lại tất cả các dự án lớn từng được duyệt thầu trước đây, trong đó có cả kế hoạch xây dựng cảng nước sâu Kyaukphyu, được trao cho một nhóm công ty của Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái.

NLD dự kiến bầu chọn tổng thống Myanmar vào tháng này và chính phủ mới sẽ đi vào hoạt động từ tháng sau. Theo bình luận viên Shibani Mahtani, trong bối cảnh hiện nay, chính quyền Myanmar mới cần cân nhắc giữa tâm lý chống Trung Quốc cũng như sự phản đối của người dân địa phương đối với dự án và nguy cơ làm mất lòng láng giềng lớn phương bắc.

Tập đoàn đầu tư Citic Group của Trung Quốc, đứng đầu nhóm công ty nêu trên, khẳng định họ đã thắng một cuộc đấu thầu công khai, công bằng và có xem xét đến lợi ích của tất cả các bên liên quan.

Trong một nỗ lực nhằm thuyết phục người dân địa phương ủng hộ dự án, nhân viên Citic Group những ngày gần đây tổ chức các buổi đào tạo cho dân chúng Kyaukphyu những kỹ năng mà họ có thể áp dụng tại đặc khu kinh tế mới.

Nhà của gia đình ngư dân Myint Shwe ở đảo Maday có nguy cơ bị giải tỏa để lấy đất phục vụ dự án cảng nước sâu. Ảnh: WSJ

Tầm ảnh hưởng sâu rộng của Trung Quốc tại Myanmar được tạo dựng trong thời kỳ chính quyền quân sự Myanmar bị phương Tây áp đặt trừng phạt, khiến nước này có rất ít lựa chọn hợp tác kinh tế. Vai trò chi phối của Bắc Kinh dần suy giảm từ năm 2011 khi chính quyền chuyển sang dân sự ở Myanmar bắt đầu cởi mở hơn với phương Tây nhằm chấm dứt tình trạng bị cô lập.

Theo số liệu thống kê chính thức, cam kết đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ở Myanmar trong cả năm 2015 và tháng 1/2016 chỉ đạt 688 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức 8 tỷ USD năm 2011.

Trung Quốc những năm gần đây tìm cách tiếp cận gần gũi hơn với bà Suu Kyi nhằm giữ Myanmar trong quỹ đạo ảnh hưởng và thuyết phục lãnh đạo đảng NLD không xoay trục hướng về phương Tây thêm nữa.

Trung Quốc cũng nhiều lần đón tiếp các chính trị gia từ bang Rakhine, nơi dự án cảng nước sâu tọa lạc, tới thăm. Trong các tuyên bố của mình, Citic Group gọi Myanmar là “thị trường chiến lược quan trọng nhất” của tập đoàn ở Đông Nam Á.

“Sau khi hứng chịu nhiều tổn thất, dự án cảng nước sâu Kyaukphyu trở thành một biểu tượng, một điều gì đó cần phải đạt được và một minh chứng cho thấy Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục hiện diện và duy trì ảnh hưởng tại Myanmar”,  Yun Sun, chuyên gia nghiên cứu quan hệ Myanmar – Trung Quốc thuộc Trung tâm Stimson, trụ sở ở Washington, nhận định. Chính phủ sắp tới của Myanmar “có nguy cơ hất đổ mối quan hệ với Trung Quốc xuống vực sâu” nếu quyết định đình chỉ dự án, Yun Sun nói thêm.

Dù vậy, nhiều người dân Myanmar cho rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh vơ vét đất đai, gỗ và khoáng sản trên đất nước họ, bất chấp những thiệt hại gây ra cho cộng đồng địa phương.

Năm 2008, giới tướng lĩnh quân đội Myanmar trao thầu cho Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) xây dựng nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt khiến hàng nghìn dân làng phải di dời chỗ ở.

Năm 2011, chính quyền Myanmar phải đột ngột dừng kế hoạch xây dựng đập thủy điện Myitsone của Trung Quốc ở bang Kachin do những lo ngại về môi trường. Chính phủ mới giờ đây phải quyết định xem liệu có nên nối lại dự án này không.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối mỏ đồng Letpadaung do một công ty quốc doanh Trung Quốc vận hành ở miền trung Myanmar đã dẫn đến hàng loạt vụ xô xát. Mỏ này sau đó bị tạm ngừng hoạt động. Song, vào năm 2013, một ủy ban điều tra về các vấn đề của mỏ đồng Letpadaung do bà Suu Kyi dẫn đầu đã cho phép cơ sở trên đi vào khai thác trở lại.

Nỗi lo sợ của người dân

Mỏ đồng Letpadaung ở miền trung Myanmar, do một công ty nhà nước Trung Quốc vận hành, đang bị người dân địa phương phản đối. Ảnh: WSJ

Khi được hỏi về dự án cảng nước sâu Kyaukphyu, đa phần những người dân sống tại đây đều tỏ ra nghi ngại. Nhiều người lo sợ họ sẽ bị di dời đến các khu vực không phù hợp để canh tác trong khi vẫn thiếu những kỹ năng cần thiết cho công việc mới. Một số người dân trong làng chưa thể quên những gì họ từng trải qua khi Trung Quốc triển khai dự án đường ống dẫn dầu gần đó.

“Cách đây vài năm, đất nông nghiệp của tôi bị giao cho người Trung Quốc để xây đường ống và tôi không muốn nếm trải chuyện đó một lần nữa”, Ma Lone Thwin, một nông dân chăn nuôi gia súc trong vùng cho hay.

Aung Kyaw Than, người phát ngôn của một ủy ban nhà nước Myanmar trao thầu cho tập đoàn Citic Group, trấn an rằng không phải ai cũng thuộc diện tái định cư và dự án cảng nước sâu Kyaukphyu sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho bang Rakhine.

Tuy vậy, các nhà phân tích đánh giá dự án trên thực tế mang đến rất ít lợi ích cho người dân địa phương.

“Dự án Kyaukphyu khiến tôi liên tưởng đến một thỏa thuận thu hồi đất đai hơn là một khoản đầu tư thương mại hợp lý. Những khu công nghiệp chỉ có ý nghĩa khi nằm gần các trung tâm dân cư, chứ không phải tại nơi biệt lập, xa xôi như ở đây”, David Dapice, chuyên gia kinh tế thuộc Trung tâm Ash, Đại học Harvard, nhận xét.

RELATED ARTICLES

Tin mới