Người viết không thấy có lý do gì để trì hoãn việc tôn vinh những người đã dâng hiến cuộc đời bảo vệ từng tấc đất cha ông để lại.
Năm 2003, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin phát hành cuốn sách “Đặng Tiểu Bình – Một Trí Tuệ Siêu Việt”.
Tác giả cuốn sách này là Lưu Cường Luận, Uông Đại Lý, dịch sang tiếng Việt là hai dịch giả Tạ Ngọc Ái, Nguyễn Viết Chi. Năm 2008 Nhà xuất bản Lao động cho in lại cuốn sách này.
Một năm sau, ngày 18/2/2009 Bbc.com đăng tải bài viết của tác giả Hà Hiền gửi từ Hải Phòng, bài viết có đoạn:
“Nhưng liệu có hồn nhiên quá không nếu như người ta lại làm “PR” một cách quá liều lượng với những lời lẽ cực kỳ cung kính và trân trọng quá mức cần thiết cho một nhân vật, có thể không còn là kẻ thù nữa, nhưng cũng đã để lại những dấu ấn rất xấu đối với đất nước và dân tộc chúng ta, kẻ một thời đã có thái độ rất ngạo mạn đối với dân tộc chúng ta bằng lời phát biểu “muốn dạy cho Việt Nam một bài học””.
Tưởng như những người ta đã hiểu được phần nào đánh giá của bạn đọc, hiểu được tình cảm của người Việt với những gì xảy ra trong cuộc chiến đẫm máu bảo vệ Tổ quốc nơi biên giới phía Bắc năm 1979, nhưng không ngờ nó lại được tiếp diễn vào những ngày gần đây khi cuốn sách này lại được phát hành!
Thống kê cho thấy không phải chỉ có hai nhà xuất bản nêu trên in sách về Đặng Tiểu Bình mà còn nhiều nhà xuất bản khác trong đó có những cuốn phát hành dưới dạng tài liệu tham khảo của nhà xuất bản có uy tín.
Để tránh những suy luận không cần thiết, xin nêu một số quy ước được quốc tế thừa nhận:
Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, phe đồng minh đã tổ chức Tòa án quốc tế Nürnberg xét xử tội phạm chiến tranh. Những người bị kết án là kẻ phạm một trong bốn tội sau: [1]
1. Tham gia âm mưu phạm tội ác chống hòa bình.
2. Trù định, khởi động và thực hiện chiến tranh xâm lược và những tội ác khác chống hòa bình.
3. Tội ác chiến tranh.
4. Tội ác chống nhân loại.
Hiến chương Luân Đôn công bố ngày 8/8/1945 khẳng định:
“Tội ác chiến tranh là các hành vi bao gồm: “giết người, ngược đãi hoặc chuyển người dân sự của một lãnh thổ bị chiếm đóng vào các trại lao động nô lệ; các vụ giết người hoặc ngược đãi các tù nhân chiến tranh; giết các con tin, phá hủy bừa bãi các thành phố, thị xã, làng mạc và tàn phá không có lý do cần thiết quân sự, hoặc dân sự”.
Những kẻ ra lệnh cho quân đội Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta năm 1979 đã thực hiện hành vi nói trong điều 2: “Trù định, khởi động và thực hiện chiến tranh xâm lược và những tội ác khác chống hòa bình”.
Hành vi mà binh lính Trung Quốc thực hiện theo lệnh cấp trên của họ trong lãnh thổ Việt Nam năm 1979 gồm: “giết người; phá hủy bừa bãi các thành phố, thị xã, làng mạc…”, điều này được quy định trong mục “Tội ác chiến tranh”.
Những điều nêu trên cho thấy, theo quy ước quốc tế, những kẻ chủ mưu gây ra cuộc chiến 1979 trên biên giới Việt –Trung cần phải gọi đúng tên là “tội phạm chiến tranh” và hành động giết người, phá hoại làng mạc, cơ sở kinh tế của Việt Nam chính xác là “tội ác chiến tranh”.
Câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Bọn phản động Trung Quốc xâm lược nhất định sẽ thất bại” đã cho thấy bản chất cuộc chiến mà những kẻ cầm đầu Bắc Kinh phát động.
Hãy nhìn tấm bia kể tội xâm lược đã giết hại dã man 43 người dân vô tội ở Tổng Chúp – Hòa An – Cao Bằng để hiểu kẻ đầu sỏ, chủ mưu gây chiến xâm lược Việt Nam có phải là tội phạm chiến tranh theo quy ước quốc tế hay không?
Hãy nhìn hình ảnh những ngôi làng, trụ sở cơ quan bị đốt cháy, bà mẹ Việt Nam ngồi khóc trước ngôi nhà bị phá hủy để hiểu kẻ đầu sỏ, chủ mưu gây chiến xâm lược Việt Nam có phải là kẻ gây tội ác chiến tranh hay không?
Nếu câu trả lời là “có” thì cần đặt tiếp hai câu hỏi:
Thứ nhất: Cuốn sách này được tái bản đơn thuần chỉ là mục đích kinh doanh kiếm tiền của nhà xuất bản?
Thứ hai: Trách nhiệm của các cơ quan, các cá nhân liên quan đến đâu?
Đây phải chăng chỉ là sự thiếu ý thức đối với lịch sử dân tộc của một vài tổ chức, cá nhân người Việt?
Xin trích dẫn ý kiến một người dân trên mạng xã hội: “Chúng tôi không nói rằng tuyệt nhiên không nên xuất bản sách về Đặng Tiểu Bình.
Nhưng xuất bản loại sách toàn ca ngợi “chính danh thủ phạm” phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta thì người xuất bản đứng trên quan điểm của ai? Và việc in hàng loạt cuốn sách như thế liệu có bình thường không?”
Có thể thấy các cơ quan chức năng thời gian qua, đặc biệt là năm 2014, 2015 đã theo dõi, quản lý khá chặt chẽ các ấn phẩm báo chí xuất bản nhưng lĩnh vực sách thì tình hình có vẻ khác.
Sai phạm trong xuất bản sách, đặc biệt là mảng sách giáo dục, sách cho thiếu nhi liên tiếp bị phát hiện và nay là mảng sách dịch.
Trong khi sách về người chủ mưu xâm lược Việt Nam được xuất bản và bán với giá khá rẻ (100.000 đồng cho cuốn sách dày 800 trang) thì cuốn sách tri ân các liệt sĩ hải quân hy sinh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên đá Gạc Ma lại chưa thể xuất bản.
Chủ biên cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” là Thiếu tướng – Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Mã Lương. Từng giữ chức Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, hiện là ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tướng Lê Mã Lương có điều kiện tiếp xúc không hạn chế với kho tư liệu đồ sộ của Bảo tàng Lịch sử Quân sự.
Cuốn sách của nhiều tác giả mà ông chủ biên chứa đựng nhiều câu chuyện xúc động, hình ảnh và tư liệu quý giá về những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma.
Vậy tại sao hơn 2 năm chuyển qua hàng chục Nhà xuất bản nhưng nơi nào cũng từ chối cấp phép xuất bản cuốn sách với lý do là cơ quan chủ quản của nhà xuất bản không đồng ý. [2]
Tướng Lê Mã Lương nói: “Tôi đã làm văn bản gửi Bộ Tư lệnh Hải quân và cơ quan này cũng đã gửi tới tôi danh sách xác nhận 64 liệt sĩ đã hy sinh, cũng như tính chính xác của sự kiện”. [2]
Họa sĩ Bùi Lệ Trang (trái) và ông Nguyễn Văn Phước – Giám đốc First News giới thiệu bức tranh “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”. (Ảnh: cand.com.vn) |
Giải thích cho việc cơ quan chức năng chưa cấp giấy phép xuất bản, phía Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông nói:
“…rất cần có một hội đồng lịch sử về phía quân đội xác minh độ chính xác của những chi tiết nêu ra trong sách. Nếu sau khi Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân thẩm định xong nội dung sách và đăng ký xuất bản ở Cục thì Cục có cơ sở đồng ý”. [3]
Người viết hơi ngạc nhiên trước ý kiến này, về mặt học thuật, kiểm định tính chân thực của các tư liệu lịch sử quân sự phải là cơ quan chức năng như Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Viện Lịch sử Quân sự, Viện bảo tàng Quân sự… nói như trên thì là “hội đồng lịch sử về phía quân đội”.
Vậy tại sao việc thẩm định lại là Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân?
Đẩy trách nhiệm sang cho nhà xuất bản, liệu có thể khẳng định rằng nhà xuất bản Quân đội nhân dân có đủ đội ngũ chuyên gia để thẩm định tất cả các sách viết về đề tài chiến tranh?
Tương tự, liệu ai có thể khẳng định Nhà xuất bản Khoa học – Kỹ thuật có đủ năng lực thẩm định tất cả các công trình khoa học công bố dưới dạng sách?
Và cũng xin nêu một câu hỏi khác, một khi cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” cần phải qua thẩm định của nhà xuất bản, sự cấp phép của Cục Xuất bản, In và Phát hành thì cuốn “Đặng Tiểu Bình-Một Trí Tuệ Siêu Việt” đã được thẩm định và cấp phép như thế nào?
Quyền lực quốc gia cao nhất, cơ quan kiểm định cao nhất là nhân dân – qua các ý kiến đăng tải trên mạng xã hội – có vẻ là không thẩm định, không cấp phép nhưng cuốn sách về Đặng Tiểu Bình vẫn được xuất bản?
Người viết hy vọng, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có chỉ đạo cụ thể để cuốn sách về những người hy sinh xương máu bảo vệ biển đảo của Tổ quốc sớm được xuất bản.
Người viết không thấy có bất kỳ lý do gì để trì hoãn việc tôn vinh những người đã dâng hiến cuộc đời bảo vệ từng tấc đất cha ông để lại.