Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo khẳng định với phóng viên Báo điện tử PetroTimes: “Sự thật là sự thật. Chúng tôi không đi làm bia đỡ đạn. Chúng tôi đi theo tiếng gọi bảo vệ biển đảo Tổ quốc.” Ông tỏ ra khá bức xúc vì những thông tin sai lệch rằng: Các chiến sỹ của ta nhận lệnh không được nổ súng.
28 năm đã trôi qua kể từ khi diễn ra trận chiến Gạc Ma 14/3/1988 nhưng vẫn còn đó nỗi đau dành cho người ở lại. Phóng viên báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trò chuyện với Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo, một lính công binh trực tiếp chiến đấu bảo vệ Gạc Ma nhân dịp ông ra Hà Nội tham gia một cuộc giao lưu.
Mở đầu buổi trò chuyện, Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo đã vui mừng khoe với chúng tôi về cuốn hồi ký về trận chiến Gạc Ma năm 1988 của ông đã được hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương chuyển thể thành phim.
Ông chia sẻ: “Cuốn hồi ký này như một món quà dành cho những người còn sống và tưởng nhớ những người đã anh dũng hy sinh để giữ gìn biển đảo quê hương”.
Ngày 14/3/1988, quân đội Trung Quốc dùng vũ lực tấn công chiếm đóng đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, 64 chiến sĩ anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Cũng trong sự kiện bi hùng ấy, có những chiến sĩ ở Gạc Ma đã mưu trí thoát khỏi sự truy sát và cũng có người không may bị bắt giữ, bị giam cầm. Và ông Lê Hữu Thảo là một trong những người may mắn thoát khỏi vòng vây của Trung Quốc.
Với tư cách là một nhân chứng sống và là một lính công binh tham gia trực tiếp vào trận chiến Gạc Ma, ông đã kể cho chúng tôi nghe về trận chiến lịch sử này.
Ông nhớ lại: “Lúc đó, tôi mới chỉ 23 tuổi, tôi là tiểu đội trưởng, chỉ huy nhiệm vụ cắm cờ và bảo vệ cờ trên đảo Gạc Ma. Vào rạng sáng 14/3/1988, tôi cắt cử 2 chiến sĩ xuống tàu mang theo 2 khẩu Aka vào đảo để dựng cờ thì bất ngờ chúng tôi bị lính Trung Quốc mang theo vũ khí bao vây.
Họ chĩa súng vào phía quân ta và dùng tàu chạy quanh tàu HQ 604 yêu cầu chúng tôi rút lui nhưng chúng tôi vẫn đáp trả rằng đây là lãnh thổ của Việt Nam nên không phải rút đi đâu cả. Chúng tôi vẫn tiếp tục công việc của mình bình thường.
Khi cờ của ta đã bay trên đảo Gạc Ma thì bắt đầu phía Trung Quốc nổ súng và hai bên lao vào đánh nhau. Cả hai bên đều bị thương và rồi phía bên Trung Quốc bỏ chạy. Tuy nhiên, chạy được khoảng 40-50m thì lính Trung Quốc quay lại nã súng vào quân ta.
Chúng tôi có 27 lính chiến đấu, trong khi đó Trung Quốc có đến hàng ngàn lính thủy quân, 3 tàu khu trục và 1 tàu hộ vệ tên lửa. Chúng ta chỉ có tàu vận tải nhỏ không trang bị vũ khí. Bởi vậy mà mình đã mất mát quá nhiều”…
Thả hoa trên biển để tưởng nhớ các liệt sỹ hi sinh ở Gạc Ma. |
Khi nhắc đến những đồng đội cũ, cựu chiến binh Lê Hữu Thảo không khỏi xúc động: “Chứng kiến cảnh những người bạn, anh em đồng đội của mình hy sinh thì tôi đau đớn vô cùng. Bởi mình là người đã chuẩn bị sẵn tinh thần rằng sẽ hy sinh cho Tổ quốc thì lại không hy sinh, còn những người mặc dù họ cũng vô cùng dũng cảm và không ngại hy sinh nhưng trong trận chiến này họ không hề nghĩ tới việc đó thì họ lại phải nằm xuống”.
Khi phóng viên hỏi về thông tin gần đây trên mạng đang có rất nhiều những thông tin rằng quân ta nhận được lệnh không được đáp trả lại phía Trung Quốc, ông Thảo vô cùng bức xúc. Ông nói rằng: “Sự thật là sự thật và cần được tôn trọng!”.
Chủ trương của Việt Nam là “không nổ súng trước” chứ không phải “không được nổ súng”. Thực tế tương quan lực lượng, nếu chúng tôi nổ súng trước, cũng không thay đổi được kết quả cuộc chiến, ngoài việc tiêu diệt thêm được 10-20 lính Trung Quốc. Trung Quốc tại thời điểm đó mạnh hơn quân ta nhiều lần.
Vào thời điểm đó, chúng tôi có đủ thời gian để rút lui, không có mệnh lệnh phải nhất định ở lại. Thế nhưng, chúng tôi quyết không rút quân. Đây là việc làm từ trong tim để bảo vệ quê hương, bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Tất cả những clip được tung lên mạng gần đây mà các bạn đang xem chỉ là một phần nhỏ trong trận chiến ấy. Có những nhân chứng chứng kiến Trung Quốc bỏ chạy lại không được thể hiện trong những clip này.
Thời gian trận chiến không chỉ là 3 phút 47 giây mà là hơn nửa tiếng đồng hồ. Clip này là những ảnh diễn ra vào chiều ngày 14/3 chứ không phải buổi sáng và được ghi lại bởi một tàu Trung Quốc đứng cách xa nhiều hải lý.
Sự thật là sự thật. Chúng tôi không đi làm bia đỡ đạn. Chúng tôi đi theo tiếng gọi bảo vệ biển đảo Tổ quốc.