Sunday, January 26, 2025
Trang chủThâm cung bí sửGạc Ma 1988: Trung Quốc 10 năm nuôi dã tâm chiếm đảo

Gạc Ma 1988: Trung Quốc 10 năm nuôi dã tâm chiếm đảo

Ngay sau cuộc chiến tranh xâm lược trên bộ năm 1979, Trung Quốc đã tiếp tục âm mưu xâm lược trên biển đối với Việt Nam, trên quần đảo Trường Sa.

Dã tâm thể hiện ngay từ sau cuộc xâm lược năm 1979

Khi quân Trung Quốc rút khỏi Việt Nam tháng 3 năm 1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố họ không tham vọng dù “chỉ một tấc đất lãnh thổ Việt Nam”, nhưng trên thực tế, quân xâm lược còn chiếm đóng rải rác tổng cộng khoảng 60 km2 lãnh thổ nước ta.

Tại một số nơi như khu vực quanh Hữu Nghị Quan – Lạng Sơn, quân địch chiếm đóng các lãnh thổ không có giá trị quân sự nhưng có giá trị biểu tượng quan trọng. Tại các nơi khác, chúng chiếm giữ các vị trí chiến lược quân sự làm bàn đạp để từ đó có thể tiến đánh nước ta.

Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Ngô Ngọc Khiêm ngày 29-1-1985, Bắc Kinh đã điều thêm 8 sư đoàn bộ binh hợp với gần 20 sư đoàn tại chỗ, áp sát biên giới Việt – Trung; đồng thời triển khai hơn 650 máy bay chiến đấu, ném bom các sân bay gần biên giới.

Còn theo báo Nhật Bản Sankei Shimbun số ra ngày 14-1-1985, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã đưa số máy bay đến gần biên giới Việt – Trung lên gần 1.000 chiếc. Đài BBC ngày 6-2-1985 cũng cho biết rằng, Trung Quốc đã tập trung 400.000 quân đóng dọc tuyến biên giới giáp với Việt Nam.

Từ tháng 3-1979 đến hết tháng 9-1983, Trung Quốc đã cho lực lượng vũ trang xâm nhập biên giới nước ta 48.974 vụ, trong đó 7.322 vụ có nổ súng, khiêu khích; xâm nhập vùng biển 28.967 vụ; xâm nhập vùng trời biên giới 12.705 vụ (với hơn 2.000 tốp máy bay).

Tính đến tháng 3-1983, Trung Quốc còn chiếm giữ 89 điểm của Việt Nam khiến giữa hai phía nổ ra một loạt trận giao tranh dữ dội. Xung đột biên giới giữa hai nước vẫn tiếp diễn cho đến năm 1988, mà đỉnh cao căng thẳng là vào giai đoạn năm 1984-1985.

Các nhà quan sát nước ngoài ghi nhận từ tháng 7-1980 đến tháng 8-1987, dọc tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc đã xảy ra 6 cuộc xung đột vũ trang lớn vào các tháng 7-1980, tháng 5-1981, tháng 4-1983, tháng 6-1985, tháng 12-1986 và tháng 1-1987.

Sau cuộc chiến tranh xâm lược nước ta năm 1979, Bắc Kinh đã lộ rõ âm mưu chiếm đoạt trái phép các đảo của Việt Nam thuộc quần đảo Trường Sa. Chúng ta có thể thấy được điều này qua các cuộc đám phán về biên giới trên bộ và biển giữa hai nước.

Gac Ma 1988: Trung Quoc 10 nam nuoi da tam chiem dao

Cờ tổ quốc Việt Nam hiên ngang tung bay trên bia chủ quyền giữa trùng khơi

Sau khi quân xâm lược rút quân, Việt Nam và Trung Quốc nối lại đàm phán về vấn đề biên giới. Cuộc đàm phán Việt – Trung lần ba diễn ra vào năm 1979 với hai vòng đàm phán.

Trong vòng đàm phán thứ nhất phía Việt Nam cho rằng, trước hết cần vãn hồi hòa bình, tạo không khí thuận lợi để giải quyết những vấn đề khác.

Đoàn Việt Nam đưa ra phương án ba điểm để giải quyết vấn đề biên giới: chấm dứt chiến sự, phi quân sự hóa biên giới; khôi phục giao thông, vận tải bình thường trên “cơ sở tôn trọng đường biên giới lịch sử mà các Hiệp định Trung – Pháp năm 1887 và 1895 đã thiết lập”.

Phía Trung Quốc kiên quyết từ chối những đề nghị của Việt Nam, đồng thời đưa ra đề nghị tám điểm hết sức phi lý của mình, bác bỏ việc phi quân sự hóa biên giới, đề nghị giải quyết các vấn đề lãnh thổ trên “cơ sở những Công ước Trung – Pháp”, chứ không phải trên cơ sở đường ranh giới thực tế do các Hiệp định đó đưa lại.

Đặc biệt là Bắc Kinh đưa ra yêu sách đòi chúng ta phải thừa nhận các quần đảo Hoàng Sa (họ gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Nam Sa) là “một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc” và Việt Nam phải rút quân ra khỏi các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Trong vòng 2 được tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng 6-1979, Trung Quốc tiếp tục đưa ra các luận điểm ngang ngược và vô căn cứ này, sau khi không đạt được các yêu sách chủ quyền phi pháp, họ đã bỏ các cuộc đàm phán, mặc dù phía Việt Nam nhiều lần đề nghị nối lại các vòng đàm phán tiếp theo.

Việc Trung Quốc đặt điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải từ bỏ đường lối độc lập, tự chủ của mình và từ bỏ chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì họ mới bắt đầu bàn bạc các vấn đề khác, đã bộc lộ rõ dã tâm xâm lược trên biển của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Ngay sau cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2-1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã ráo riết thực hiện công tác chuẩn bị để sử dụng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Trường Sa, nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, mà trước hết là các hành động biến vùng biển “không tranh chấp thành vùng có tranh chấp”.

Trong các ngày 22-2-1980, 27-2-1980 và 2-3-1980 Trung Quốc đã bắt giữ một số thuyền đánh cá của ngư dân hai tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (hợp nhất từ 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà tháng 2-1976, sau tách thành Quảng Nam và Đà Nẵng) và Nghĩa Bình (nay tách ra thành Quảng Ngãi và Bình Định), ở vùng biển Tây Nam quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 23-7-1979, Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc công bố một thông cáo quy định “bốn vùng nguy hiểm” ở Tây Nam đảo Hải Nam trong đó có vùng trời của quần đảo Hoàng Sa và buộc máy bay dân dụng của các nước phải bay qua đây vào những giờ do nước này quy định.

Ngày 1 tháng 9 năm 1979, Bắc Kinh lại công bố bản quy định giành cho máy bay dân dụng nước ngoài, khi bay vào không phận của Trung Quốc, bao gồm cả không phận quần đảo Tây Sa, trước đây nước này chiếm đóng trái phép.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn tăng cường xây dựng trái phép các cảng, sân bay và các công trình phòng thủ ở quần đảo Hoàng Sa. Nhiều tàu ngư lôi và hàng trăm tầu cá Trung Quốc liên tục xâm phạm lãnh hải của Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ (đỉnh điểm là năm 1981).

Mục đích của những hành động này của nhà cầm quyền Bắc Kinh là nhằm đánh lừa dư luận, khiến cộng đồng quốc tế lầm tưởng Trung Quốc có chủ quyền đối với vùng biển mà họ đã tuyên bố, lấp liếm sự yếu thế về các cứ liệu lịch sử và chứng cứ hiện thực về chủ quyền pháp lý.

Về mặt quân sự, Trung Quốc cũng cho thành lập Binh chủng Hải quân đánh bộ (PLAMC), trực thuộc Quân chủng hải quân (PLAN) vào cuối năm 1979, sau đó, lữ đoàn Hải quân đánh bộ (lực lượng chuyên tác chiến đánh chiếm đảo và đổ bộ lên đất liền từ hướng biển) đầu tiên đã được thành lập (Lữ 1), vào tháng 5-1980.

Thời điểm đó, trang thiết bị trên các đảo Việt Nam đóng giữ rất thô sơ, đời sống chiến sĩ rất khó khăn

Song song với đó, Bộ quốc phòng nước này cũng bắt đầu triển khai các máy bay ném bom H-6 của lực lượng không quân, thuộc Hải quân Trung Quốc thực hiện cuộc tuần tra trái phép trên không đầu tiên ở quần đảo Trường Sa, vào tháng 1 năm 1980.

Đồng thời, Bộ quốc phòng Trung Quốc còn di chuyển trụ sở Bộ Tư lệnh Hạm đội Nam Hải từ Quảng Châu xuống Trạm Giang và biên chế cho hạm đội này những trang bị hiện đại nhất để xây dựng, mở rộng hàng loạt các cảng quân sự, tăng cường các tàu chiến hiện đại mang tên lửa.

Năm 1982, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Trung Quốc Dương Đắc Chí (nguyên là tư lệnh cánh quân Vân Nam, xâm lược Việt Nam năm 1979) đã đến thăm trái phép quần đảo Hoàng Sa và tàu hải quân của Trung Quốc, Việt Nam đã đụng độ ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 15-4-1987, Trung Quốc đã ra tuyên bố lên án quân đội Việt Nam chiếm đóng đảo đá Ba Tiêu thuộc quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh rêu rao rằng, mục đích của Việt Nam khi triển khai quân đội một cách bất hợp pháp ở đảo Ba Tiêu là để “chiếm hữu thềm lục địa gần đó và mở đường cho việc khai thác dầu trong tương lai???”.

Đây là những tuyên bố hết sức phi lý bởi Việt Nam có quyền củng cố các đảo và khai thác tài nguyên tại các khu vực biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của mình. Tuyên bố đó là sự thể hiện rõ dã tâm xâm chiếm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Từ ngày 15-5 đến ngày 6-6-1987, hải quân Trung Quốc tổ chức một cuộc diễn tập lớn và triển khai các cuộc nghiên cứu hải dương học trá hình ở khu vực quần đảo Trường Sa nhằm thăm dò luồng lạch để chuẩn bị cho hành động xâm lược các đảo của Việt Nam ở khu vực quần đảo này.

Bắt đầu từ tháng 1 cho đến tháng 2 năm 1988, hải quân Trung Quốc đã điều động một lực lượng lớn tàu chiến tiến hành xâm chiếm 4 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa là Chữ Thập (31-1), đá Châu Viên (18-2), đá Ga Ven (26-2), đá Tư Nghĩa (tức Huy Gơ, ngày 28-2).

Hải quân Việt Nam đã đưa lực lượng, phương tiện ra các đảo, đá Tiên Nữ (26 tháng 1), Đá Lát (5 tháng 2), Đá Lớn (6 tháng 2), Đá Đông (18 tháng 2), đá Tốc Tan (27 tháng 2), đá Núi Le (2 tháng 3), bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của hải quân Trung Quốc.

Phía Việt Nam dự kiến Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và phía đông kinh tuyến 115 độ, đặc biệt là các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, có vị trí chiến lược quan trọng, nằm gần cụm đảo Sinh Tồn.

Bước sang tháng 3-1988, Bắc Kinh đã có những hành động leo thang quân sự nguy hiểm hơn. Ngày 14 tháng 3 năm 1988, đã xảy ra trận đánh đẫm máu không cân sức giữa các tàu chiến của hải quân Trung Quốc với các tàu vận tải không vũ trang và các chiến sĩ công binh Việt Nam.

Với lực lượng hùng hậu hơn hẳn và hành động vô cùng tàn bạo, các tàu Trung Quốc đã bắn thẳng vào tàu vận tải Việt Nam không vũ khí ở các đảo Gạc Ma, bãi đá ngầm Cô Lin, Len Đao; tàn bạo nã pháo, súng máy vào các chiến sĩ công binh tay không đang xây dựng trên đảo.

Tàu vận tải HQ-604 của hải quân Việt Nam nhận lệnh ra Gạc Ma (Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125)

Từ ngày 14 đến ngày 16-3-1988, lực lượng Hải quân Việt Nam anh dũng trụ bám, quyết bảo vệ lãnh hải, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng do lực lượng quá chênh lệch nên 3 tàu vận tải bị bắn chìm, 64 chiến sĩ hy sinh, 11 chiến sĩ khác bị thương.

Sau đó, vào ngày 23-3, Trung Quốc đã tiếp tục đưa quân chiếm giữ đá Subi. Tính đến thời điểm đó, Bắt đầu từ ngày 16-3-1988, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép 6 đảo đá Chữ Thập, Subi, Gạc Ma, Ga Ven, Huy Gơ (Tư Nghĩa), Châu Viên, và tiến hành cắm cờ Trung Quốc, xây nhà và các công trình khác trên các bãi đá này.

Vào các ngày 17 và 23, 26 tháng 3 năm 1988, Chính phủ Việt Nam đã liên tục gửi công hàm phản đối, đề nghị Trung Quốc cử đại diện đàm phán, thương lượng để giải quyết những bất đồng liên quan đến quần đảo Trường Sa, cũng như những vấn đề tranh chấp khác về biên giới và quần đảo Hoàng Sa.

Phía Việt Nam đề nghị hai bên không dùng vũ lực và tránh mọi đụng độ để không làm tình hình xấu thêm. Chúng ta cũng gửi văn bản thông báo cho Liên Hợp Quốc về tình trạng tranh chấp giữa hai bên để có biện pháp ngăn chặn bàn tay xâm lược của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất chấp những phản ứng kiên quyết của Việt Nam và sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh vẫn tiếp tục ngang nhiên đóng giữ các đảo, đá đã chiếm được bằng vũ lực và khước từ thương lượng.

Tháng 4-1988, khi quân đội Việt Nam đang tiến hành xây dựng trên bãi đá Len Đao, với ý đồ lặp lại kịch bản Gạc Ma, Trung Quốc đưa 7 tàu chiến và nhiều xuồng nhỏ bao vây uy hiếp, hòng cưỡng chiếm thêm bãi đá này nhưng đã vấp phải hành động cứng rắn để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

7 máy bay chiến đấu của Việt Nam lập tức cất cánh, hỗ trợ các chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng đánh dấu chủ quyền trên bãi đá. Tàu chiến của Trung Quốc hoảng sợ tản ra và không dám nổ súng.

Tháng 3 năm 1988, máu của những chiến sĩ hải quân và công binh Việt Nam đã đổ xuống Biển Đông, tiếp nối truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm phương Bắc, góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa cho đến ngày hôm này.

Trong kỳ sau chúng ta sẽ tìm hiểu về trận chiến anh hùng của các chiến sĩ hải quân Việt Nam trong trận đánh bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.

RELATED ARTICLES

Tin mới