Tờ South China Morning Post vừa dẫn báo cáo chính phủ được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng 5-3.
Theo đó, Trung Quốc sẽ tăng cường thực thi “pháp luật hàng hải”, bảo đảm tự do hàng hải, an ninh tại các vùng biển và sẽ đối phó một cách thích hợp với các hành vi xâm phạm “chủ quyền Trung Quốc trên biển”.
“Trung Quốc sẵn sàng trên tất cả các mặt trận, với tất cả các kịch bản, nỗ lực để đảm bảo sức sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biên giới, kiểm soát trên biển cũng như trên không”, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh.
Trong báo cáo chính phủ còn viết, Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng cường hiện diện hàng hải trong các vùng biển tranh chấp với các nước láng giềng, để bảo vệ cái gọi là chủ quyền lãnh thổ, tự do hàng hải “trong vùng biển Trung Quốc quản lý”. Và tỉnh Hải Nam sẽ nhận được ngân sách hỗ trợ của Trung ương để “khai thác các nguồn tài nguyên Biển Đông”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cho rằng, dự thảo kế hoạch 5 năm 2016-2020 của chính phủ đã khẳng định, Bắc Kinh sẽ củng cố năng lực chấp pháp trên biển và điều này đồng nghĩa với việc, căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang ở Biển Đông.
ASEAN khó đối đầu với Trung Quốc
Tờ South China Morning Post cũng dẫn phát biểu của ông Vương Hàn Linh, nhà nghiên cứu trẻ đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc rằng, chủ quyền lãnh thổ và an ninh biển của Trung Quốc đang bị đe dọa.
Đồng thời đổ lỗi cho Mỹ trong việc tuần tra gần các thực thể Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông những tháng gần đây, khiến Bắc Kinh phải tập trung nhiều hơn vào an ninh hàng hải.
Tờ The Washington Post và tờ Economic Times cũng có nhận định giống như: Vì GDP chỉ tăng chưa đầy 7% trong năm 2015, nên Bắc Kinh không còn lạc quan, nên chỉ tăng cho quốc phòng mức 7,6%.
Điều đáng nói là trong khi đó Bộ Quốc phòng Trung Quốc coi mức tăng ngân sách quốc phòng vừa công bố hôm 5-3 là phù hợp, thì tờ Thời báo Hoàn Cầu lại cho rằng, với nhiều người dân Trung Quốc, mức tăng 7,6% “có một chút thất vọng”.
Giới quân sự cho rằng, quyết định cắt giảm 300.000 quân hôm 3-9-2015 của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình có ảnh hưởng tới việc tăng 7,6% cho ngân sách quốc phòng năm 2016 – ở mức 954,35 tỉ NDT (146,67 tỉ USD), chỉ bằng 1/4 ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2016 (573 tỉ USD).
Theo nhận định của Hãng AP, mặc dù ngân sách quốc phòng năm 2016 của Bắc Kinh chỉ tăng khiêm tốn (7,6%) so với các năm trước, nhưng vẫn phải chú ý tới những động thái của quân đội Trung Quốc. Bởi Trung Quốc tiếp tục coi hải quân và không quân là 2 mũi chính trong việc đối phó với các mối đe dọa hiện hữu tới các lợi ích của Bắc Kinh.
Ngoài lực lượng hạt nhân, Bắc Kinh còn sở hữu ít nhất 1.200 tên lửa đạn đạo mang đầu đạn thông thường, tên lửa hành trình đất đối đất và đất đối không, tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đạn đạo có khả năng đánh chìm tàu sân bay.
Dư luận rất quan tâm tới tuyên bố mới đây của cựu Thủ tướng Malaysia, khi ông Mahathir Mohamad cho rằng (được Hãng Bloomberg đăng tải hôm 3-3), ASEAN khó đối đầu Trung Quốc ở Biển Đông. Và các nước Đông Nam Á có tranh chấp tại Biển Đông đang cố tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc vì “sức mạnh tuyệt đối” của Bắc Kinh.
“Trung Quốc sẽ là cường quốc thế giới, thậm chí còn mạnh hơn cả Mỹ”, ông Mahathir Mohamad bình luận. Theo ông Mahathir Mohamad, Trung Quốc có thế mạnh về kinh tế và Bắc Kinh đã tận dụng ảnh hưởng này để đạt được điều họ muốn trong khu vực.
Là Thủ tướng Malaysia trong một giai đoạn khá lâu (1981-2003), nên tuyên bố của ông Mahathir Mohamad, người coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của nước này, được giới chuyên môn chú ý. Nhất là khi ông Mahathir Mohamad tuyên bố, nếu bạn nghĩ tới việc dùng sức mạnh quân sự để đối đầu với Trung Quốc, thì hãy quên nó đi!
Giới bình luận cho rằng, sức mạnh kinh tế giúp Trung Quốc áp đặt ảnh hưởng tại các khu vực tranh chấp, thậm chí Bắc Kinh còn công khai đòi chủ quyền phi lý thông qua cái gọi là “đường lưỡi bò” phi pháp, để kiểm soát tuyến hàng hải quan trọng ở Biển Đông.
Và là đối tác thương mại lớn nhất của 10 nước ASEAN, nên Trung Quốc đã cam kết và đầu tư những cơ sở hạ tầng cần thiết cho khu vực này và đó cũng là kế hoạch nằm trong “con đường tơ lụa” mới, đang được Bắc Kinh thúc đẩy.
Nhiều người từng đề cập tới vai trò của ASEAN trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, và đều có chung nhận định: Bắc Kinh rất biết cách chia rẽ, làm suy yếu khối đoàn kết của tổ chức này mỗi khi họ chuẩn bị đưa ra quyết định bất lợi đối với lợi ích của Trung Quốc.
Do đó, khả năng ASEAN đạt được sự đồng thuận thực chất trong vấn đề Biển Đông vẫn còn khá mờ mịt bởi một số thành viên của khối này không hy sinh “lợi ích quốc gia” để đổi lấy “lợi ích chung”. Do đó, Trung Quốc vẫn còn nhiều “dư địa” trong vấn đề này, nhất là trong việc chỉ đàm phán song phương, không đa phương hóa hay quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông.
Tàu cảnh sát biển TQ |
Trung Quốc có thể làm đảo lộn an ninh Đông Á và rời UNCLOS
Ngày 4-3, Hãng Kyodo dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, việc Trung Quốc tăng cường hoạt động và năng lực trên biển cũng như trên không nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền và lợi ích biển của Bắc Kinh, có thể “làm đảo lộn” an ninh ở khu vực Đông Á.
Và cảnh báo, nếu Trung Quốc tiếp tục thách thức sự hiện diện của Mỹ ở Đông Á và nếu những thách thức này được chứng minh có hiệu quả, trật tự an ninh hiện nay ở Đông Á có thể thay đổi đáng kể. Bởi hải quân Trung Quốc đã có thể tiến ra Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương và đây giống như một hành động răn đe đối với lợi ích của Mỹ tại những khu vực này.
Đồng thời cho rằng, việc mở rộng hoạt động và hiện đại hóa trang thiết bị cho hải quân, không quân và lực lượng tên lửa của Trung Quốc diễn ra trong thời điểm tình hình ở biển Hoa Đông và Biển Đông diễn ra căng thẳng.
Theo Tân Hoa xã, trong báo cáo trước Quốc hội sáng 5-3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, chi tiêu quân sự của Bắc Kinh trong năm nay sẽ tăng 7,6%, lên mức 954,35 tỉ NDT (khoảng 146,67 tỉ USD).
Đây là mức tăng ngân sách quốc phòng thấp nhất trong 6 năm qua. Bởi chi tiêu quân sự của Trung Quốc năm 2010 là 7,5%, nhưng năm 2015, con số này tăng tới 10,1% so với năm 2014 (theo thông báo chính thức), với 886,9 tỉ NDT (khoảng 135,39 tỉ USD), đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Nhưng con số năm nay chỉ bằng 1/4 mức 573 tỷ USD của ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2016.
Theo ước tính của Lầu Năm Góc, từ năm 2005 đến năm 2014, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 9,5%/năm. Bắc Kinh thường giải thích cho quá trình hiện đại hóa quân sự bằng cách liên hệ chi tiêu quốc phòng với tốc độ tăng trưởng GDP.
Theo phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Clay Doss, Washington đã điều tàu sân bay USS John Stennis cùng tuần dương hạm USS Mobile Bay, khu trục hạm USS Stockdale và USS Chung-Hoon đến Biển Đông trong mấy ngày qua nhằm thách thức Trung Quốc.
Theo nhận định của một số nhà phân tích, vì tỉ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2015 chỉ ở mức 6,9% (thấp nhất trong vòng 25 năm qua), nên việc này đã ảnh hưởng tới chi tiêu cho quốc phòng năm 2016. Và theo Trung tá về hưu của quân đội Mỹ Dennis Blasko, tác giả cuốn “Quân đội Trung Quốc ngày nay”, chi tiêu quân sự của Bắc Kinh luôn phụ thuộc vào sự tăng trưởng của GDP và lạm phát.
Theo ông Kim Xán Vinh, Giáo sư của trường Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nhận định về sự gia tăng tương đối khiêm tốn kể trên là động thái “xoa dịu các láng giềng ở Biển Đông”. Nhưng điều này cũng phản ánh những mối lo ngại ở trong nước – Bắc Kinh đã hứa đầu tư nhiều hơn cho các chương trình phúc lợi để hỗ trợ người nghèo, trong khi kinh tế đi xuống. Do đó, đây không phải thời điểm thích hợp để tăng chi tiêu quốc phòng.
Ngày 3-3, tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng bài của Stefan Talmon, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công pháp quốc tế, Đại học Bonn (Đức) đề cập tới ảnh hưởng từ vụ kiện của Philippines đối với tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Và không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ rời khỏi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), nếu phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc (PCA) gây bất lợi đối với yêu sách “đường lưỡi bò” bất hợp pháp của Trung Quốc.
Tờ The Wall Street Journal vừa dẫn nhận định của Giáo sư Andrew Erickson đến từ Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, quyết định tăng 7,6% cho ngân sách quốc phòng của Trung Quốc không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh giảm khả năng quân sự – Trung Quốc muốn tránh để quân đội phình to quá mức như Liên Xô trước đây.
Và Trung Quốc vẫn tăng cường khả năng thúc đẩy các tuyên bố về chủ quyền tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong khi đó, học giả Tetuso Kotani, nghiên cứu trưởng tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Nhật Bản lại coi việc công bố ngân sách quốc phòng của Trung Quốc giống tuyên bố chính trị hơn là con số thực.
Trung Quốc từng nhiều lần bị chỉ trích vì sự thiếu minh bạch trong chi tiêu quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani từng nói với giới truyền thông, Bắc Kinh phải minh bạch và giải thích rõ về chi tiêu quân sự trước cộng đồng quốc tế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh vẫn ưu tiên quân sự vì con số được công bố chính thức không phản ánh đúng thực tế bởi Trung Quốc không đưa các khoản nhập khẩu vũ khí và những trang thiết bị đắt tiền vào “danh mục phải công bố”.