Trần Bách Hạo-cựu Chủ tịch công ty Bạch Vân, Quảng Châu đã bị đưa ra xét xử vì tội tham ô gần 60 triệu nhân dân tệ (NDT, hơn 20 tỉ đồng).
Theo Nhân dân Nhật báo, vào ngày 22/4/2015, Trần Bách Hạo, cựu Chủ tịch công ty Bạch Vân, bị cáo buộc tội tham ô nên đã bị tạm giữ hình sự. Một tháng sau, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng đông đã ra quyết định chính thức bắt giam Trần.
Đến ngày 11/3/2016, Trần bị đưa ra Tòa án nhân dân thành phố Quảng Châu xét xử.
Nhân dân Nhật báo cho biết, năm 2002, công ty Bạch Vân tiến hành cổ phần hóa để chuyển từ công ty quốc doanh sang công ty tư nhân nên phải nhờ đến một công ty đánh giá rủi ro.
Trần Bách Hạo với tư cách chủ tịch kiêm tổng giám đốc và cũng là đại diện pháp lý của công ty đã lợi dụng chức vụ, cố ý giấu diếm tài liệu của 133 căn hộ tại quận Bạch Vân (Quảng Châu) không báo cáo cho công ty đánh giá rủi ro. Vì số liệu không đầy đủ, 133 căn hộ này vốn có giá gần 45 triệu NDT lại bị định giá chỉ có 2,6 triệu NDT, làm thất thoát gần 42 triệu NDT tài sản nhà nước.
Sau khi công ty hoàn thành cổ phần hóa, Trần lại đem 133 căn hộ này bán ra, thu về đến gần 60 triệu NDT. Số tiền này không được Trần nộp lại mà lại bị bỏ vào tài khoản riêng, hoặc dùng để mua nhà, mua cổ phiếu.
Ngoài số tiền này, Trần còn một quỹ đen hơn 4 triệu NDT có được do bòn rút công quỹ trước khi công ty tiến hành cổ phần hóa.
Tại tòa, mặc dù Viện kiểm sát đã cung cấp đầy đủ bằng chứng về hành vi tham ô của Trần, nhưng Trần vẫn một mực không nhận tội.
Đối với 133 căn hộ ở quận Bạch Vân, Trần khẳng định số tiền bán những căn hộ này về cơ bản vẫn thuộc về công ty Bạch Vân, Trần chỉ “thay mặt công ty giữ” mà thôi.
Tại tòa, luật sư biện hộ cho Trần còn cho rằng Trần không nên bị xem là công chức nhà nước và hành vi của Trần không cấu thành tội chiếm đoạt tài sản nhà nước.
Liên quan đến vấn đề này, cách đây ít ngày, theo SCMP, phát biểu tại một cuộc họp vào hôm 6/3, bí thư tỉnh ủy Sơn Tây Vương Nho Lâm kể về ba quan chức tham nhũng trong tỉnh, nhấn mạnh chỉ một quan tham cũng có thể gây tổn hại cho nền kinh tế và làm suy yếu uy tín đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo ông Vương, một phó thị trưởng ở Sơn Tây đã nhận hối lộ 644 triệu NDT (gần 99 triệu USD), nhiều hơn so với tổng thu nhập tài chính của 9 huyện nghèo nhất tỉnh này.
Ông Vương còn kể đến một chủ tịch cơ quan tài chính của tỉnh uống sữa được chuyển trực tiếp qua đường hàng không từ Hàn Quốc. Khi phê duyệt các khoản vay cho doanh nghiệp địa phương, chủ tịch này còn đòi họ phải trả thêm 2%, bên cạnh lãi suất cơ bản. Tiền phải được chuyển trực tiếp vào một công ty do quan chức này kiểm soát.
Quan chức trên còn yêu cầu 12 công ty “góp tiền” để mua “tặng” một chiếc máy bay 390 triệu NDT (gần 60 triệu USD) nhằm sử dụng cho mục đích cá nhân. Tuy ông Vương không nêu tên cụ thể, truyền thông Trung Quốc cho rằng ông đề cập đến Thượng Quan Vĩnh Thanh, cựu chủ tịch ngân hàng Tấn Thương.
Trong một trường hợp khác, một doanh nhân đã hứa hối lộ 30 triệu NDT (khoảng 4,6 triệu USD) cho một quan chức cấp cao trong một mảnh giấy viết tay, nhằm được phê duyệt dự án. Sau khi đưa giấy này cho quan chức xem, doanh nhân đã nuốt giấy để phi tang bằng chứng hối lộ. Hành động này khiến quan chức tin tưởng và phê duyệt yêu cầu của doanh nhân.
Bí thư tỉnh ủy Sơn Tây nói rằng nạn tham nhũng là “khối u độc hại” cản trở nghiêm trọng sự phát triển kinh tế. Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo, trong năm 2015, họ đã trừng phạt gần 300.000 quan chức vì tham nhũng, trong đó khoảng 200.000 người bị kỷ luật nhẹ, còn hơn 80.000 người chịu hình thức xử lý nặng.