Ngày 24-2, một số tờ báo lớn của Đức như Die Zeit (Thời đại), Toàn cảnh Frankfurt (FAZ), Welt (Thế giới) tiếp tục đưa tin về hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông như đưa máy bay chiến đấu tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và xây dựng trạm radar tần số cao ở đây.
Theo các hình ảnh vệ tinh từ Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Mỹ (CSIS), bên cạnh một trạm radar, Bắc Kinh còn xây dựng một ngọn hải đăng, một boongke và một bãi đáp máy bay trực thăng trên bãi đá Châu Viên. Giới chuyên môn cho rằng, với hệ thống radar này, Trung Quốc có thể tăng đáng kể khả năng giám sát giao thông đường biển, đường hàng không từ Malacca và từ các tuyến quan trọng khác.
Không thay đổi chính sách
Ngày 23-2, kênh truyền hình Fox News cho biết, Trung Quốc lại tiếp tục ngang nhiên điều chiến đấu cơ tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của các nước trong và ngoài khu vực sau việc triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đến đây. Bởi tình báo Mỹ đã phát hiện sự hiện diện của chiến đấu cơ Shenyang-11 và JH-17 của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm trong những ngày qua. Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Australia Peter Jennings cảnh báo, việc Trung Quốc bất ngờ triển khai HQ-9 đến đảo Phú Lâm đã hâm nóng bầu không khí trong khu vực. Công ty Vệ tinh thương mại ImageSat International của Israel cũng công bố hình ảnh do vệ tinh Eros chụp ở quần đảo Hoàng Sa cho thấy, các bệ phóng tên lửa nằm rải rác trên bãi biển và điều này chứng tỏ mưu đồ đe dọa hoặc ngăn chặn tàu bè và máy bay đi ngang qua khu vực tranh chấp của Trung Quốc.
Theo nhận định của bà Valerie Niquet, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp, ngoài các mục đích quân sự và khẳng định tham vọng lãnh thổ, động thái điều HQ-9 tới đảo Phú Lâm còn mang mục đích chính trị. Bà Valerie Niquet cho rằng, một trong những đặc điểm của chính sách đối nội Trung Quốc là mỗi khi trong nước gặp bất ổn, Bắc Kinh lập tức hướng sự chú ý của dư luận ra bên ngoài, để giảm sức ép chỉ trích và tạo điều kiện về thời gian cho lãnh đạo tập trung khắc phục tình hình nội bộ. Học giả Francois Heisbourg, chuyên gia chính trị thuộc Quỹ Nghiên cứu chiến lược Paris cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định triển khai HQ-9 là yếu tố chính trị nội bộ của Trung Quốc – muốn khơi dậy chủ nghĩa dân tộc trong nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Doanh) |
Ngày 21-2, ông Ian Storey, chuyên gia Biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore cho rằng, trong vòng 1-2 năm tới, Trung Quốc sẽ triển khai các loại vũ khí tương tự như ở Hoàng Sa tới Trường Sa. Bà Bonnie Glaser đến từ Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Mỹ (CSIS) cũng cho rằng, hành động của Trung Quốc ở Hoàng Sa chỉ là bước đệm trước khi Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Học giả Tetsuo Kotani thuộc Viện Quan hệ quốc tế Nhật (JIIA) cảnh báo, việc triển khai tên lửa đất đối không là bước tiến tới áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, dù Trung Quốc hiện chưa đủ năng lực. Giáo sư June Teufel Dreyer thuộc Đại học Miami cũng cho rằng, Bắc Kinh từng nhiều lần tỏ ý muốn thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Đồng thời cảnh báo Nhật Bản rằng, nếu việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông không bị thách thức, Trung Quốc sẽ tìm cách siết chặt ADIZ trên biển Hoa Đông và chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Giáo sư Javad Heydarian thuộc Đại học De La Salle ở Philippines dự báo, châu Á và cộng đồng quốc tế sẽ phản đối dữ dội một khi Bắc Kinh thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Ngày 19-2, tờ Yomiuri Shimbun dẫn nhận định của một số chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh sẽ chưa dám đơn phương áp đặt ADIZ ở Biển Đông bởi chưa đủ lực.
Khơi mào chạy đua vũ trang
Ngày 24-2, phát biểu tại cuộc họp báo ở Canberra, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết, sẽ thực hiện cam kết từng được cựu Thủ tướng Tony Abbott đưa ra, đó là tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP để mở rộng và hiện đại hóa quân đội. Và trong “Sách trắng Quốc phòng” công bố chính thức hôm 25-2, Australia quyết định tăng mức chi cho quốc phòng lên 2% GDP, và mức chi này được điều chỉnh so với Sách trắng Quốc phòng đưa ra năm 2013. Theo Hãng ABC, trong “Sách trắng Quốc phòng” được công bố, đáng chú ý có việc đóng mới 12 tàu ngầm, và nâng cấp lực lượng không quân, cũng như tuyển thêm 5.000 lính mới, nâng cấp các loại vũ khí và xe bọc thép cho quân đội. Trước đó (23-2), Hãng ABC cũng công bố một tài liệu dài 7 trang, do Bộ Ngoại giao Australia chuẩn bị, có tham vấn Bộ Quốc phòng và một số đơn vị khác, hướng dẫn quan chức chính phủ và nghị sĩ nước này thống nhất khi trả lời các câu hỏi liên quan tới tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, sau hành động leo thang gần đây của Bắc Kinh. Trong đó bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc triển khai HQ-9 ở đảo Phú Lâm.
Ngày 24-2, tờ Sputnik News đưa tin, với những căng thẳng mới đang leo thang trên Biển Đông, Mỹ đã thảo luận khả năng điều các đơn vị pháo binh di động tới khu vực này. Tuy nhiên, việc triển khai pháo binh di động của Mỹ ở Biển Đông cần có sự hợp tác của các đồng minh và đối tác trong khu vực. Và Tổng thống Barack Obama cũng vừa khẳng định, Washington sẽ tiếp tục thách thức các yêu sách quá đáng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trước đó (23-2), phát biểu trước Ủy ban Quân lực của Thượng viện Mỹ, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Hải quân Harry Harris tuyên bố, việc Washington tiếp tục chính sách tái cân bằng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hòa bình và an ninh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời nhấn mạnh, Biển Đông là tuyến đường biển quốc tế quan trọng đối với thương mại thế giới và cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước trong khu vực về quyền sở hữu một số đảo tại đây đã đe dọa và cản trở hoạt động thương mại, cũng như hòa bình khu vực.
Theo báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu Hòa bình và Quốc tế Stockholm (IISS), 5 năm qua, trong số 10 quốc gia nhập khẩu trang thiết bị quân sự nhiều nhất thế giới, có 6 quốc gia ở Châu Á – Thái Bình Dương. Theo IISS, năm ngoái, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia là các nước công bố kế hoạch tăng chi tiêu quân sự. Và việc Trung Quốc tăng mạnh chi tiêu quân sự cùng các động thái đòi chủ quyền phi lý đang khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực này. Tạp chí quân sự IHS Jane’s ước tính, chi tiêu quân sự tại Châu Á – Thái Bình Dương sẽ đạt 533 tỷ USD vào năm 2020, từ mức 435 tỉ USD của năm 2015. Vẫn theo nhận định của IHS Jane’s, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có thể đạt 225 tỉ USD vào năm 2020, từ mức 191 tỉ USD năm 2015. Và trong tương lai, Trung Quốc có thể không còn nằm trong top 3 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất khi đã có thể tự cung tự cấp.
Phải ngăn mưu đồ bành trướng
Khi được hỏi vấn đề Biển Đông và triển khai tên lửa tới đảo Phú Lâm có được đề cập trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Vương Nghị với Ngoại trưởng John Kerry tại Mỹ hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Doanh) cho rằng, Washington không nên lôi vấn đề vũ khí quân sự trên các đảo ở Hoàng Sa ra làm cái cớ để gây tranh cãi! Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết, Washington sẽ gây áp lực để Bắc Kinh phải giảm bớt và chấm dứt hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông Mark Toner cho rằng, hành vi quân sự hóa của Trung Quốc chỉ làm gia tăng căng thẳng, do đó cần có một cơ chế ngoại giao được áp dụng để tất cả những tuyên bố chủ quyền phải được đồng thuận một cách hòa bình.
Ngày 24-2, Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian đã có cuộc điện đàm với báo giới trong khu vực về nội dung và kết quả tại Hội nghị cấp cao Mỹ – ASEAN ở Sunnylands, bang California, trong đó khẳng định tầm quan trọng của ASEAN với Mỹ. Đồng thời cho rằng, mặc dù trong tuyên bố chung Sunnylands không có từ Biển Đông nào, nhưng vẫn thể hiện rõ cam kết và thống nhất của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao Mỹ – ASEAN về vấn đề này. Và khẳng định, Mỹ đã tiến hành các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế từ năm 1979, trong đó có Biển Đông. Trước đó (22-2), tờ Bangkok Post của Thái Lan có bài viết “ASEAN cần ngăn chặn Trung Quốc”, trong đó cho rằng, hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa đối với tất cả các nước trong khu vực, do đó các nước ASEAN cần đoàn kết để đối mặt với sự bành trướng hung hăng này. Ngoài ra tờ Bangkok Post còn cảnh báo, ASEAN không ngăn mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh, Biển Đông sẽ hỗn loạn.
Mặc dù học giả Ben FitzGerald đến từ Trung tâm An ninh mới ở Mỹ cho rằng, việc triển khai HQ-9 sẽ không ngăn được sức mạnh của Mỹ ở khu vực này, nhưng ông vẫn cảnh báo về động thái này của Trung Quốc. Cựu Phó tư lệnh Hải quân Mỹ Robert Martinage cho rằng, việc điều HQ-9 tới đảo Phú Lâm chứng tỏ Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng mức độ triển khai vũ khí tiên tiến nhằm tác động đến Mỹ và đồng minh. Theo nhận định của ông Gregory Poling, người đứng đầu bộ phận Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS, động thái này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) của Trung Quốc, cũng như tìm cách giảm khả năng hoạt động tự do của Mỹ tại Biển Đông.