Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam có thể học được gì từ chính sách nông nghiệp...

Việt Nam có thể học được gì từ chính sách nông nghiệp của Thái Lan?

Khi tư tưởng không thông suốt thì sẽ không tự giác hành động và hành động sẽ mang tính nửa vời, vừa không mang lại kết quả tốt, vừa gây lãng phí rất lớn.

Ngày 11/3 hãng Bloomberg đưa tin, Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã tổ chức các lớp học, nhằm dạy cho những người nông dân trồng lúa ở nước này kiến thức, kỹ thuật trồng những loại cây chịu hạn khác, nhằm đối phó với hiện tượng El Nino và hiện tượng khan hiếm nước ngọt tại Tiểu vùng sông Mê Kông.

Đây là một chương trình được tài trợ của Chính phủ Thái Lan nhằm giúp cho người nông dân Thái Lan tái cơ cấu cây trồng cho phù hợp với diễn biến của biến đổi khi hậu, cũng như nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp Thái Lan, qua đó nâng cao mức sống, chất lượng sống cho người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Bloomberg, Chính phủ Thái Lan đã tư vấn cho nông dân về sản xuất thay thế cây trồng trong một thập kỷ. Bây giờ sự suy giảm nguồn nước ngọt và sụt giảm giá cả sản phẩm nông nghiệp đã trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài việc hưởng ứng thông điệp của Nhà vua Bhumibol Adulyadej là: “ Hãy sử dụng nước một cách khôn ngoan”, người dân Thái Lan phải thay đổi để tồn tại và phát triển.

Theo tính toán của Chính phủ Thái Lan, hiện tượng hạn hán do El Nino gây thiệt hại cho kinh tế nông nghiệp nước này khoảng 84 tỷ bah, trong khi giá trị sản phẩm nông nghiệp chiếm tỉ trọng 8% GDP của Thái Lan. Trong hai năm 2014 – 2015 sản lượng nông nghiệp Thái Lan đã  sụt giảm 7% -8% mỗi năm. Cuộc sống hiện tại của nông dân Thái Lan đang gặp khó khăn.

“Để giải quyết khó khăn mà người nông dân phải chịu do hạn hán, chúng tôi đang cố gắng kiếm tiền để giúp đỡ người nông dân. Đặc biệt Chính phủ hướng vào việc dạy cho người nông dân làm thế nào để tồn tại trong giai đoạn khó khăn này”, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Apisak Tantivorawong cho biết trong một cuộc phỏng vấn, theo Bangkok Post ngày 11/3.

Như vậy rõ ràng, Chính phủ Thái Lan đã nhìn ra những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tư vấn cho người nông dân Thái Lan hậu quả của nó trước cả thập kỷ và nay họ lại đang “dạy” cho người nông dân cách “sống chung với biến đổi khí hậu” với sự cố gắng của họ.

Hành động thiết thực – giá trị đích thực

Nhận xét về việc làm có trách nhiệm và nhân văn của Chính phủ Thái Lan, ông David Streckfuss, tác giả  một cuốn sách về luật pháp và chính trị Thái Lan cho biết: “Nó không phải là phúc lợi kinh tế dành cho người lao động hoặc những người nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Nó là một chương trình được sự ưu tiên rất lớn của Chính phủ”, Bloomberg trích dẫn.

Trồng lúa nước không chỉ là hoạt động sản xuất mà còn là một nét truyền thống trong văn hóa của người Thái. Tuy nhiên, lúa là cây trồng cần rất nhiều nước nên chính phủ có kế hoạch giảm một nửa diện tích trồng lúa hai vụ sang trồng lúa một vụ, vụ còn lại trồng ngô.

Mặt khác, việc Thái Lan chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ làm giảm được lượng gạo dư thừa trên thị trường toàn cầu mà qua đó khiến giá gạo rớt, ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng lúa.

Gần đây, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đã liên tục kêu gọi nông dân giảm diện tích trồng lúa. Năm ngoái Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt 11,2 tỷ baht để giúp nông dân, trong đó có việc khuyến khích và hỗ trợ họ trồng các loại cây cần ít nước.

Năm nay ngân sách dành 10,1 tỷ baht, bắt đầu từ ngày 1/5, để bình ổn giá cả và tổ chức các lớp học, truyền đạt kiến thức cho nông dân trong việc đổi mới tư duy và kỹ thuật trồng những loại cây mới. 

Theo Bangkok Post, Chính phủ Thái Lan đã trả 200 baht/người/ngày cho 250 nông dân ở huyện Sankhaburi, tỉnh Chai Nat tham dự 15 ngày tập huấn trong tháng 3, tuy nhiên số người đăng ký tham gia đông hơn bốn lần.

Điều đó chứng tỏ người nông dân Thái Lan đã nhận thấy sự cần thiết trong chương trình tập huấn của chính phủ dành cho họ.

Những cánh đồng nứt nẻ vì hạn hán do biến đổi khí hậu tại Thái Lan buộc nông dân nước này phải thay đổi tập quán canh tác lúa nước, ảnh: Bangkok Post.

Có thể thấy rằng chương trình hỗ trợ của chính phủ Thái Lan dành cho người nông dân nước này là một hành động rất thiết thực. Đặc biệt, việc mở lớp truyền đạt kiến thức và kỹ thuật trồng những loại cây trồng mới cho người nông dân đã là một sự giúp đỡ có hiệu quả và chắc chắn sẽ mang lại kết quả trong sản xuất, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân vốn chỉ quen trồng lúa.

Bởi lẽ, khi người nông dân hiểu được sự thay đổi là cần thiết, là bắt buộc nếu họ muốn nâng cao gái trị sản phẩm của họ, nâng cao mức sống cho họ, thì khi đó những sự giúp đỡ khác mới có tác dụng.

Khi tư tưởng không thông suốt thì sẽ không tự giác hành động và hành động sẽ mang tính nửa vời, vừa không mang lại kết quả tốt, vừa gây lãng phí rất lớn.

Đặc biệt, khi người nông dân chưa hiểu được vấn đề thì đôi khi họ lại biến những sự giúp đỡ của Chính phủ trở thành những rào cản. Thậm chí gây hại cho việc sản xuất của họ, làm hại cho cuộc sống của họ, của gia đình họ, cuối cùng lại làm ảnh hưởng xấu đến việc quy hoạch của Chính phủ. Điều tai hại ấy sẽ khiến cho người nông dân luôn sống trong khốn khó vì giá trị lao động thấp.

Trong thời kỳ kinh tế hội nhập, việc người nông dân không thay đổi nhận thức sẽ khiến họ thua ngay trên sân nhà, chứ nói gì đến sân chơi quốc tế. Vì vậy, việc người nông dân Thái Lan là học sinh trong các lớp học về thay đổi cây trồng là một trong những điều kiện quyết định việc tái cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp lúa nước của Thái Lan có thành công hay không.

Và điều đó mới thể hiện sự hỗ trợ, trợ giúp của chính phủ có ý nghĩa trong cuộc sống hay không. Với “ Ngân sách của Chính phủ hạn chế” – theo Bộ trưởng Tài chính Apisak – thì việc mở lớp dạy cho người nông dân kiến thức nông nghiệp trước yêu cầu của thời kỳ mới, là một sự tiết kiệm tối thiểu ngân sách nhưng có thể mang lại hiệu quả tối đa.

Việc Chính phủ Thái Lan trả tiền cho người nông dân đi học để họ nâng cao mức sống cho chính họ là một việc làm hay và đầy trách nhiệm của Chính phủ.

Qua đó nó cũng khiến người nông dân phải có trách nhiệm với chính việc làm của họ, bởi lẽ khi đã được tài trợ bằng tiền và hỗ trợ kiến thức mà họ vẫn không thay đổi được thì đó là do họ chứ không thể trách ai được nữa.

Từ Thái Lan, người viết nghĩ về Việt Nam. Cả hai quốc gia đều nằm ở khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông, đều có nền văn minh lúa nước, đều đang gánh chịu nhiều hậu quả do hạn hán và khan hiếm nước ngọt và đều cùng có yêu cầu phải cơ cấu lại cây trồng cho phù hợp với biến đổi khi hậu cũng như xóa nghèo cho nông nghiệp.

Phải chăng cách làm của Chính phủ Thái Lan không quá khả năng của Chính phủ Việt Nam khi hỗ trợ người nông dân một cách thiết thực như vậy? Thực ra, từ trước tới nay, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực và chi ra rất nhiều tiền ngân sách giúp đỡ cho người nông dân Việt Nam trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế khoản tiền của nhà nước chúng ta giúp cho người nông dân Việt Nam không đạt hiệu quả cao, mà điều đó có nguyên nhân bởi phương thức giúp đỡ không hữu hiệu và biện pháp giúp đỡ không sát thực.

Theo người viết, khiếm khuyết lớn nhất trong sự hỗ trợ của Chính phủ là chưa tạo ra cơ chế buộc người nông dân phải có trách nhiệm với chính bản thân họ và cộng đồng, sau khi nhận sự trợ giúp từ nhà nước.

Nếu sự giúp đỡ của Chính phủ được thực hiện theo cơ chế Trách nhiệm = Quyền lợi, nghĩa là trách nhiệm càng cao thì quyền lợi càng lớn, thì chắc chắn người nông dân Việt Nam sẽ sử dụng, khai thác sự trợ giúp ấy rất hiệu quả. 

Cơ chế ấy có thể hiểu một cách nôm na như thế này, nếu chính phủ hỗ trợ mỗi hộ nông dân là 4 triệu đồng cho việc học tập kiến thức và kỹ thuật “nông nghiệp mới”. Nếu ai thực hiện tốt kỹ năng được truyền đạt thông qua vận dụng và thực hiện đúng quy trình, cho kết quả tốt thì sẽ được hỗ trợ thêm với việc tiêu thụ sản phẩm và những trợ giúp vật chất khác.

Nhưng nếu ai không thực hiện hoặc thực hiện sai thì không giúp đỡ nữa và chắc chắn sẽ không hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Như vậy, với lợi ích và thiệt hại, người nông dân sẽ có thay đổi trong nhận thức và hy vọng ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển bền vững.

Lúc đó mọi việc chỉ còn phụ thuộc vào kiến thức của người truyền đạt và giá trị của sự trợ giúp của Chính phủ mà thôi.

Vụ việc quả cam sành Hà Giang là một ví dụ điển hình cho sự trợ giúp nửa vời của các cơ quan chức năng tỉnh này và ngành nông nghiệp – công thương, cũng như trách nhiệm của chính những người nông dân.

Chỉ riêng việc đóng gói sản phẩm cũng đã cho thấy điều ấy. Ngành chức năng khuyến cáo và cung cấp bao bì đóng gói theo tiêu chuẩn là 20kg/bao, nhưng người nông dân không đóng vào bao bì đó vì không kinh tế: trọng lượng ít, giá bao bì lại cao.

Thế là mấy tháng trồng cây theo tiêu chuẩn VIETGAP, đến khi có quả thu hoạch, chỉ vì bao bì mà không chuẩn mà khiến cho chất lượng theo tiêu chuẩn VIETGAP của sản phẩm bị nghi ngờ trên thị trường.

Người nông dân chưa hiểu hết ý nghĩa của việc đóng gói, còn cơ quan khuyến nông tỉnh này thì không tìm ra giải pháp hỗ trợ phù hợp. Thế là người nông dân tự lo bán sản phẩm với giá cả do “thương lái” quyết định và hậu quả là thiệt hại rất lớn. Mọi nỗ lực xây dựng thương hiệu cho trái cam sành Hà Giang trở về con số 0.

Phía sau những kỷ lục

Năm 2008, người viết có dịp làm việc với hai nhà quản lý người Israel và nghe những người bạn Do Thái này nói rằng Việt Nam là “đất nước của những kỷ lục”, nào là Bánh chưng kỷ lục, Bánh tét kỷ lục…nhưng hầu hết những kỷ lục ấy không tạo nên những thay đổi có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống.

Theo những người bạn Do Thái thì tại đất nước họ chỉ theo đuổi một kỷ lục là nhanh nhất – tiết kiệm thời gian. Họ cho rằng người Việt Nam coi thời gian là quý hơn vàng nhưng lại để rơi mất quá nhiều “vàng thời gian”.

Người Israel tiết kiệm thời gian bằng cách tạo ra cơ chế sử dụng thời gian hiệu quả nhất với hiệu suất cao nhất và đó cũng là ý nghĩa của kỷ lục nhanh nhất.

Theo báo Vĩnh Long, ngày 24/6/2015: “Trong Top 50 món ăn đặc sản, ẩm thực nổi tiếng Việt Nam được bầu chọn lần thứ ba- 2015 vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố, tỉnh Vĩnh Long có 2 đặc sản được công nhận là khoai lang Bình Tân và xà lách xoong Bình Minh.

Đây là 2 đặc sản nằm trong số 9 loại trái cây, rau củ, làng nghề được Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch đề cử với Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vào tháng 3/2015”.

Không biết người nông dân Vĩnh Long làm gì với cái kỷ lục ấy? Sở Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đã làm gì với cái kỷ lục ấy? Ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long cũng như Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn đã làm gì để khai thác giá trị của những kỷ lục ấy?

Người viết cho rằng chẳng ai làm gì để khai thác giá trị những kỷ lục ấy cả.  

“Kỷ lục rau – xà lách xoong Bình Minh”. Ảnh : xttm.vinhlong.gov.vn

Bởi lẽ theo báo VnExpress ngày 2/8/2015: “Giữa tháng 7, giá khoai lang huyện Bình Tân (Vĩnh Long) – vựa khoai lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long rớt giá do thương lái Trung Quốc “lật kèo”. Trước vụ thu hoạch, tiểu thương đặt tiền với giá mua 1.600 đồng một kg, đến vụ họ không thu mua, đợi khoai già chất lượng kém mới trở lại. 

Khi đó, sản lượng không đủ, giá rớt thê thảm, khoai loại 2 chỉ còn chưa đầy 100 đồng một kg. Chán nản, nông dân thu hoạch về cho trâu bò ăn, hoặc bỏ mặc ngoài ruộng. Không ít hộ lỗ cả trăm triệu cho vụ khoai đã phải bơm nước vào ruộng để chuyển sang trồng lúa”.

Người ta công bố kỷ lục để làm gì khi giá trị của nó không được khai thác?

Trong khi một sản phẩm được công bố đạt kỷ lục sẽ mở ra cơ hội cho nó được nhiều người biết đến và qua đó người tổ chức, nhà sản xuất, nhà kinh doanh sẽ được lợi nếu khai thác giá trị của những sản phẩm kỷ lục ấy.

Không biết số phận của “kỷ lục rau – xà lách xoong Bình Minh” có đớn đau như “kỷ lục củ – khoai lang Bình Tân” hay không, nhưng với những thiệt hại mà người nông dân trồng khoai lang Bình Tân phải gánh chịu thì rõ ràng những kỷ lục được người ta trao chẳng có chút giá trị gì.

Điều đó có hai nguyên nhân, thứ nhất là có thể chất lượng sản phẩm được trao không tương xứng với kỷ lục.

Thứ hai là người ta không biết hiện thực hóa giá trị của các kỷ lục trong cuộc sống. Và như thế cái kỷ lục trở nên vô giá trị và việc tổ chức trao kỷ lục trở thành một việc làm vô bổ, không thiết thực với cuộc sống.

Còn tấm giấy xác nhận “kỷ lục rau”, “kỷ lục củ” ấy trở thành tấm giấy để lòe thiên hạ, thậm chí là thứ tạo nên sĩ diện hão cho nhiều người mơ mộng.

Với khó khăn hiện tại của ngành nông nghiệp vì sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành đang nỗ lực trợ giúp cho người nông dân Việt Nam và cứu ngành nông ngiệp của Việt Nam.

Rất nhiều tiền của được đổ vào việc chống nhiễm mặn, chống hạn hán, song hiệu quả sẽ có thể không cao bởi giải pháp của Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào trời đất, mà còn phụ thuộc vào những người có thể điều tiết nguồn nước nữa.

Tiến sĩ Richard Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson ở thủ đô Washington, Mỹ cho rằng: “Trung Quốc nhìn nhận Mekong như là dòng sông riêng của nước này, và họ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn. Vị thế ở thượng nguồn đã giúp nước này thu về các lợi ích cơ bản từ việc khai thác dòng sông Mekong, nhất là về thủy điện, trong khi hậu quả từ việc làm của Trung Quốc thì các nước ở hạ lưu lại phải gánh chịu”, theo VOA ngày 15/3. 

Với tình hình như vậy, Chính phủ và người dân Thái Lan đã phải thực hiện giải pháp “sống chung với thiên tai” và cả “sống chung với nhân tai”. Có lẽ đây là giải pháp thực tế nhất. Vì vậy, người viết cho rằng việc Chính phủ Việt Nam trợ giúp người nông dân có thể sống chung với “thiên tai nhân tai” bằng những hành động thiết thực, chắc chắn sẽ tạo nên những giá trị đích thực.

RELATED ARTICLES

Tin mới