Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngNgoại giao kiểu “cá lớn” của Bắc Kinh

Ngoại giao kiểu “cá lớn” của Bắc Kinh

Ngày 12-3, Hãng Reuters dẫn lời bà Anna Richey Allen, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, hành động Trung Quốc mở đường bay thương mại ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (thậm chí ra sân bay mới khánh thành trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), là đi ngược lại cam kết của khu vực, làm phức tạp và leo thang tranh chấp.

Do đó, Trung Quốc phải tuân thủ những cam kết trước đây bằng cách ngưng các hoạt động cải tạo bất hợp pháp và quân sự hóa các tiền đồn trên Biển Đông, tập trung cho việc đạt thỏa thuận về cách ứng xử tại khu vực tranh chấp với các nước hữu quan.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini cũng nhấn mạnh, mặc dù không liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và không gian hàng hải ở Biển Đông, nhưng EU kêu gọi tất cả các bên tranh chấp giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình.

Đồng thời bày tỏ quan ngại trước việc Bắc Kinh triển khai tên lửa tới các đảo ở Biển Đông.

“Trung tâm tòa án hàng hải quốc tế”

Ngày 13-3, Bắc Kinh đã đưa tàu “Ngôi sao Vịnh Bắc Bộ”, nặng 10.000 tấn (thay thế tàu “Công chúa Gia Hương”) để đưa khách du lịch trái phép tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (với tần suất khoảng 4-5 lần/tháng).

Cũng trong ngày 13-3, Tân Hoa xã dẫn báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc do Chánh án Tòa án tối cao Chu Cường trình bày, trong đó cho rằng “phải bảo vệ chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, các quyền hàng hải và những lợi ích cốt lõi khác; đồng thời phải cải thiện các tòa án hàng hải và xây dựng một trung tâm tòa án hàng hải quốc tế”.

Được biết, Trung Quốc vừa bàn giao 3 tàu đổ bộ tác chiến Type 072B (loại tàu đổ bộ lớn nhất do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo) cho hạm đội hoạt động ở biển Hoa Đông.

Trước đó (10-3), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy, cư dân mạng tại Trung Quốc tin rằng, vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông có thể trở thành thách thức lớn nhất đối với Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong năm 2016.

Ngày 10-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phản ứng trước việc Philippines thuê 5 máy bay TC-90 của Nhật Bản để tuần tra trên Biển Đông. “Nếu hành động của Philippines nhằm mục tiêu thách thức lợi ích về chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ kiên quyết phản đối.

Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng, Nhật Bản không phải là bên có tranh chấp trên Biển Đông và Bắc Kinh quan tâm tới hoạt động của họ”, Hãng Reuters dẫn lời ông Hồng Lỗi. Cũng trong ngày 10-3, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết, Manila đang xúc tiến các thủ tục thuê 5 máy bay TC-90 của Nhật Bản để tuần tra trên Biển Đông.

Giới truyền thông Nhật Bản cũng cho biết, Tokyo sẽ gửi tàu ngầm công nghệ cao Soryu JS Hakuryu tới Sydney trong tháng 4 nhằm chiếm ưu thế trong cuộc đua giành hợp đồng đóng hạm đội tàu ngầm cho Australia.

Cùng ngày 10-3, trang tin Stars and Stripes dẫn nhận định của chuyên gia quốc phòng Tetsuo Kotani – Nhật Bản và các nước cần tham gia với Mỹ trong việc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông. Bởi trước tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, Mỹ đã thực hiện các chuyến tuần tra và bay giám sát tại khu vực này.

Và Tokyo đang giúp đỡ các nước trong khu vực tăng cường năng lực quân sự – ngoài việc chuyển 10 tàu cho Manila, Nhật Bản còn đồng ý cho Philippines thuê 5 máy bay TC-90 để tuần tra trên Biển Đông.

Theo ông Tetsuo Kotani, Nhật Bản và các nước nên cùng tham gia tuần tra tại Biển Đông để tăng tính hợp pháp trong hành động của Mỹ. Đồng thời cho rằng, thách thức lớn nhất đối với Tokyo là sự gia tăng sức mạnh của Bắc Kinh, nhất là khi Trung Quốc đang quyết tâm độc chiếm Biển Đông.

Mỹ tố cáo Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

Ngày 11-3, giới truyền thông Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã bắt đầu đón các chuyến bay dân sự tới đảo Phú Lâm. Trước đó (tháng 11-2015), Bắc Kinh cũng từng cho một số máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm. Tân Hoa xã còn cho biết, 2 tàu chở khách và 1 tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã được triển khai ở khu vực đảo Phú Lâm.

Cùng ngày 11-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Bắc Kinh đã gửi kháng nghị và yêu cầu Washington cung cấp đầy đủ thông tin về thương vụ bán 2 tàu khu trục cho Đài Loan trị giá 190 triệu USD.

Cũng trong ngày 11-3, tờ The Straits Times đưa tin, khi nhậm chức hôm 20-5, thay thế ông Mã Anh Cửu, bà Thái Anh Văn sẽ phải thể hiện lập trường của mình trong quan hệ với Bắc Kinh và đây là vấn đề tế nhị nhất của đảng Dân Tiến cầm quyền.

Và Bắc Kinh đang gia tăng áp lực đối với bà Thái Anh Văn, nên lãnh đạo đảng Dân Tiến phải sớm có câu trả lời cho vấn đề: Giữ nguyên trạng của Đài Loan, trong khi không tán thành nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull vừa công bố thành lập Trung tâm tiềm lực công nghiệp quốc phòng khi có chuyến thăm thành phố Adelaide, bang Nam Australia. Và trung tâm này sẽ vận hành từ nửa cuối năm 2016 với kinh phí khoảng 170,2 triệu USD.

Trước đó (9-3), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Bắc Kinh quan ngại trước thông tin liên quan tới việc Mỹ dự định bố trí máy bay ném bom tầm xa tại Vùng lãnh thổ phía Bắc Australia. Nhưng ông Hồng Lỗi lại khuyên Australia không cần lo ngại trước việc Tập đoàn Landbridge của tỷ phú người Trung Quốc thuê cảng Darwin trong 99 năm, với trị giá 506 triệu AUD, bất chấp sự quan ngại của Hiệp hội Hàng hải Australia xung quanh vấn đề này.

Tờ New York Times vừa dẫn lời học giả Marc Lanteigne, nhà nghiên cứu tại Viện Các vấn đề quốc tế (Na Uy), chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc: Bắc Kinh muốn chiếm Biển Đông để so sánh với việc Mỹ thống trị vùng biển Caribbean.

Tờ New York Times cho rằng, việc xây dựng trái phép đảo nhân tạo ở Biển Đông, cũng như quân sự hóa tại khu vực này tuy không đe dọa nghiêm trọng tới quân đội Mỹ, nhưng nếu để Bắc Kinh kiểm soát một vùng biển rộng bằng diện tích Mexico, sẽ là một ẩn họa khôn lường đối với lợi ích của Washington sau này.

Và việc này càng hiện hữu khi Bắc Kinh xây bồn chứa nhiên liệu để chiến đấu cơ có thể hoạt động ở Biển Đông, nhất là khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Những cảnh báo của giới chuyên môn

Giáo sư Carl Thayer đến từ Đại học New South Wales, Australia cho rằng, quân sự hóa là một trong những điểm nổi bật trong các hoạt động gần đây của Trung Quốc bởi Bắc Kinh đã và đang xây dựng, bố trí các thiết bị mang tính quân sự, xây dựng đường băng và bãi đỗ trực thăng tại những đảo và bãi đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Giáo sư Carl Thayer còn cảnh báo, tình hình Biển Đông trong năm 2016 sẽ phức tạp hơn khi Trung Quốc tiếp tục gây hấn ở khu vực này. Và điều đó có thể dẫn tới những rủi ro trong quan hệ Mỹ – Trung.

Bởi Trung Quốc đang muốn loại bỏ sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông, khi Bắc Kinh coi đây là vấn đề của châu Á, nên để người châu Á tự giải quyết. Giáo sư Carl Thayer cũng không chấp nhận sự bao biện của Trung Quốc về các hành động phi pháp của nước này ở Biển Đông.

Đồng thời khuyến cáo, có 4 yếu tố sẽ khiến Trung Quốc hành động nhiều hơn ở Biển Đông trong năm 2016, đó là Tòa trọng tài thường trực Liên Hiệp Quốc (PCA) ở The Hague sắp ra phán quyết về vụ kiện “đường lưỡi bò” của Philippines, bầu cử ở Philippines trong tháng 5, bầu cử ở Mỹ vào tháng 11 và Washington cứng rắn hơn trong bảo vệ tự do hàng hải và hàng không.

Ông Carl Thayer cho rằng, việc Trung Quốc quân sự hóa mạnh mẽ sẽ làm thay đổi cán cân ở Biển Đông. Do đó, kể cả khi Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) có được ký trong năm 2016, các bên hữu quan vẫn phải nâng cao cảnh giác.

Bởi Bắc Kinh có thể sử dụng COC để kiềm chế hành động của Philippines, Mỹ và các nước hơn là thay đổi hành vi của Trung Quốc. Cần phải xem lời nói của Trung Quốc có tương xứng với hành động hay không.

Trước đó, Giáo sư luật Biển quốc tế Robert Beckman đã phản bác các lập luận của Đại sứ Trung Quốc tại Singapore Trần Hiểu Đông về vụ kiện “đường lưỡi bò” ở Biển Đông do Philippines khởi xướng tại PCA.

Theo đó, UNCLOS quy định các bên trong tranh chấp có nghĩa vụ tạo thuận lợi cho công việc của PCA và nếu một bên không tham gia hay không bảo vệ thành công lý lẽ của mình, thì bên còn lại có thể yêu cầu tòa tiếp tục quy trình pháp lý và ra phán quyết mà sự vắng mặt của bên kia không phải là rào cản.

Đây được coi là động thái đáp lại tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Trung Quốc, khi ông Vương Nghị nhấn mạnh, Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của PCA, cũng như vụ kiện của Manila xung quanh “đường lưỡi bò”.

Ngoại trưởng Vương Nghị còn cho rằng, không nên phán đoán Trung Quốc bằng tư duy Mỹ. Đồng thời nhấn mạnh, Bắc Kinh đang mở ra con đường ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc.

Ngày 10-3, khi phát biểu tại Đại học Chính sách Công ở Singapore, Ngoại trưởng New Zeland Murray McCully đã đề cập tới những vấn đề nóng hiện nay tại Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở vùng biển này thời gian qua.

Ông Murray McCully hy vọng, Trung Quốc sẽ không để tình hình ở Biển Đông leo thang và vượt ngoài vòng kiểm soát. Đồng thời cho rằng, vấn đề Biển Đông hiện là thách thức ngoại giao lớn đối với các nước trong khu vực.

Ngoại trưởng New Zeland cũng cảnh báo, bất cứ xung đột nghiêm trọng nào cũng sẽ ảnh hưởng tới các bên trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới