Friday, April 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTừ chuyện HQ-9 ra Hoàng Sa: Sự thật phòng không Trung Quốc

Từ chuyện HQ-9 ra Hoàng Sa: Sự thật phòng không Trung Quốc

Ngày 24/2/2016, tình báo Mỹ cho biết TQ đã triển khai trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam các tiêm kích J-11S và JH-7.

Trước đó, TQ cũng đã triển khai phi pháp hai đại đội tên lửa “đất đối không” HQ-9 trên đảo này .

Ngoài ra, TQ mua Su-35, S-400 hiện đại của Nga.

Các thông tin trên đều liên quan đến Lực lượng Phòng không TQ. Để tìm hiểu thêm về lực lượng này (và có nhiều lý do để tìm hiểu), xin giới thiệu một số thông tin thu thập được qua các nguồn tư liệu từ “Bình luận quân sự”, “Bình luận chính trị- quân sự“ và “Bình luận quân sự độc lập” (Nga) cuối năm 2015.

Phần một: mấy dòng lịch sử

Như đã đề cập tới trong bài “Huyền thoại S-75 “Dvina” bảo vệ bầu trời Bắc Kinh” , năm 1960, Liên Xô đã triệu hồi toàn bộ cố vấn quân sự của mình về nước, chấm dứt quan hệ hợp tác quân sự- kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng không.

Từ thời điểm này, TQ bắt đầu tự chế tạo các tổ hợp tên lửa phòng không đầu tiên. Các tổ hợp này được đặt tên là HQ-1 (Hồng Kỳ-1).

Cùng với việc triển khai sản xuất HQ-1, năm 1965, TQ bắt đầu thiết kế tổ hợp tên lửa phòng không HQ-2 có tầm bắn xa hơn và có các tính năng kỹ-chiến thuật ưu việt hơn trong điều kiện bị chế áp điện tử mạnh. HQ-2 được đưa vào trang bị tháng 7/1967.

Tuy quan hệ hợp tác quân sự Xô-Trung bị gián đoạn, nhưng các kỹ sư TQ vẫn có cơ hội làm quen với các tên lửa phòng không hiện đại Xô Viết. Lý do: dù có những bất đồng chính trị nhưng phần lớn hàng viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam vẫn được vận chuyển bằng đường sắt qua lãnh thổ TQ.

Các chuyên gia Liên Xô áp tải các chuyến hàng này đã nhiều lần báo cáo lên trên về việc các máy bay và tên lửa bị mất cắp khi quá cảnh TQ.

Tên lửa HQ-2 với các biến thể khác nhau từng là tổ hợp tên lửa phòng không duy nhất của TQ bảo vệ vùng trời nước này trong một thời gian khá lâu. Việc hoàn thiện và chế tạo các biến thể mới của HQ-2 kéo dài đến tận cuối những năm 80. Nói chung, để chế tạo được tổ hợp tương tự S-75, Trung Quốc chậm so với Liên Xô từ 10 đến 15 năm.

Năm 1986, “biến thể cơ động” HQ-2B được đưa vào trang bị. Trong thành phần tổ hợp này có bệ phóng trên xe bánh xích, tên lửa cải tiến được trang bị đầu nổ vô tuyến. Đầu tác chiến mới được copy từ đầu tác chiến Xô Viết có xác xuất tiêu diệt mục tiêu cao hơn.

Tu chuyen HQ-9 ra Hoang Sa: Su that phong khong Trung Quoc
 

Tuy nhiên, HQ-2B không thể coi là tổ hợp cơ động vì không thể dùng xe bánh xích để vận chuyển tên lửa đã nạp nhiên liệu ở một cự ly lớn. Cùng với HQ-2B, TQ cũng đưa tổ hợp HQ-2J vào trang bị- đây là tổ hợp sử dụng các bệ phóng cố định.

Tổng cộng TQ đã sản xuất hơn 600 tổ hợp phóng và 5.000 tên lửa phòng không HQ-2 các biến thể khác nhau. Đây là lực lượng nòng cốt của Bộ đội phòng không Trung Quốc trong một thời gian dài .

Tu chuyen HQ-9 ra Hoang Sa: Su that phong khong Trung Quoc
Ảnh của Google Earth: trận địa HQ-2 ở phía bắc Bắc Kinh

Các tổ hợp HQ-2B và HQ-2J cho đến này vẫn còn trong trang bị của các đơn vị phòng không PLA. Nhưng số lượng đang ngày càng giảm đi. Các khu vực và các mục tiêu quan trọng cần bảo vệ chống lại các phương tiện tấn công đường không hiện nay đang được các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại hơn của Nga hoặc do Trung Quốc tự sản xuất bảo vệ .

Tu chuyen HQ-9 ra Hoang Sa: Su that phong khong Trung Quoc
Ảnh Google Earth: một máy bay chở khách đang bay qua trận địa HQ-2 ở một khu vực gần Urumchi ( Tân Cương)

Tên lửa HQ-2 hiện đang được sử dụng cùng với các tổ hợp hiện đại hơn hoặc tại các khu vực có tầm quan trọng thứ yếu. Sau 4 đến 5 năm nữa, tất cả HQ-2 sẽ được đưa ra khỏi trang bị . Nói chung, HQ-2 thọ lâu hơn “ông tổ”của mình là S-75 trên 20 năm. Tổ hợp S-75 cuối cùng được đưa ra khỏi trang bị tại Nga là vào đầu những năm 90.

Trong một thời gian dài, lực lượng nòng cốt của Không quân PLA là các máy bay tiêm kích J-6 (MiG-19) và J-7 (MiG-21) được sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng cả hai loại này đều không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí của một máy bay tiêm kích- đánh chặn phòng không đúng nghĩa.

Trên các máy bay tiêm kích chiến trường (chiến thuật) này không có radar và hệ thống dẫn đường tự động, bán kính hoạt động, trần bay và khả năng tăng tốc hạn chế nên năng lực đánh chặn của chúng không đạt yêu cầu.

Máy bay tiêm kích mang tên J-8 bay thử nghiệm lần đầu tiên ngày 5/7/1969. Bên ngoài trông giống MiG-21 nhưng có kích thước lớn hơn và có 2 động cơ.

Do “ Cách mạng văn hóa” lúc này đang ở giai đoạn cao trào nên việc hoàn thiện kiểu máy bay này bị kéo dài và đến tận năm 1980 mới được đưa vào biên chế.

Máy bay đánh chặn J-8

J-8 được trang bị 2 động cơ WP-7A và thiết bị đo cự ly vô tuyến SR-4. Vũ khí có 2 pháo 30 ly Type 30-I và 2 tên lửa “không đối không” tầm gần PL-2 ( bản sao tên lửa tầm gần K-13 của Liên Xô với đầu dẫn hồng ngoại).

Dĩ nhiên, với trang bị điện tử vô tuyến và vũ khí như vậy, mặc dù có khả năng tăng tốc cao nhưng J-8 không phải là một máy bay đánh chặn thực sự. Vì thế nó đã không được sản xuất hàng loạt.

Năm 1985, phiên bản J-8 cải tiến là J-8I được trang bị radar SL-7A (cự ly phát hiện mục tiêu 40 km), pháo 2 nòng Type 23III được đưa vào biên chế. Máy bay J-8I có 4 móc treo tên lửa. Tuy nhiên, do tính năng của radar hạn chế nên J-8I cũng không được sản xuất hàng loạt.

Máy bay đánh chặn J-8I bên cạnh J-7

Vào đầu những năm 90, PLA đưa vào trang bị một biến thể máy bay đánh chặn mới – J-8II. Có thể nói trong việc thiết kế dòng máy bay đánh chặn J-8, các chuyên gia Trung Quốc đã lặp lại toàn bộ tiến trình phát triển của các máy bay đánh chặn Xô Viết: Su-9, Su-11, Su-15 .

Máy bay J-8II

Máy bay J-8II được trang bị radar cải tiến SL-8A có cự ly phát hiện mục tiêu đến 70 km, động cơ cải tiến WP-13AII . Vũ khí của J-8II là pháo hai nòng 23 ly Type 23-III ( bản sao GSH-23L của Liên Xô) và 4 tên lửa “không đối không” PL-5 hoặc PL-8.

J-8II có các tính năng kỹ-chiến thuật đặc trưng của máy bay thế hệ ba , cụ thể : Kích thước: sải cánh-9,34 m, dài -21,59m, cao-5,41 m.

Diện tích cánh -42,2 m2.

Trọng lượng cất cánh bình thường – 14.300 kg.

Nhiên liệu -5.400 l

Kiểu động cơ -2 động cơ 13AII

Tốc độ tối đa -2.300 km/h.

Bán kính hoạt động trên cao – 800 km, tiếp dầu 1.200 km

Cự ly bay thực tế- 1.500 km.

Trần bay thực tế -19.000 m.

Tổ lái- một người .

Về sau này, J-8II còn có nhiều biến thể hiện đại hơn được trang bị động cơ mới , hệ thống tiếp dầu trên không , radar dopler xung đa kênh. Tiêm kích J-8II có thể sử dụng các thùng tác chiến điện tử treo, cũng như các thùng treo mang hệ thống chỉ mục tiêu và dẫn đường. Vũ khí có tên lửa “không đối không” tầm trung P-27, PL-11 và tên lửa chống radar Ỵ-91.

Theo các chuyên gia kỹ thuật Nga, mặc dù đã được cải tiến nhưng các máy bay tiêm kích dòng J-8 nhìn chung vẫn không đạt yêu cầu.

Tổng cộng PLA có trong trang bị gần 200 máy bay tiêm kích loại này, chúng sẽ được thay thế bằng tiêm kích J-11 và các máy bay tiêm kích thế hệ 5 đang được các chuyên gia Trung Quốc thiết kế.

Sự cố làm J-8II nổi tiếng là vụ va chạm trên không ngày 01/4/2001 giữa J-8II với máy bay trinh sát điện tử Mỹ EP-3E.

Vụ việc này đã được nói tới nhiều, xin không nhắc lại , chỉ lưu ý một điều là EP-3E đã phải hạ cánh bắt buộc xuống một sân bay trên đảo Hải Nam và các chuyên gia Trung Quốc có đủ thời gian để “nghiên cứu” chiếc máy bay này.

Máy bay ЕР-3Е tại sân bay Trung Quốc

Trong những năm đầu thập kỷ 90, hệ thống phòng không TQ không đáp ứng các nhu cầu thực tế.

Các phân đội vô tuyến kỹ thuật mặt đất chịu trách nhiệm thông báo tình huống trên không chủ yếu được trang bị các trạm rardar hai tọa độ trực chiến YLC-8 được chế tạo theo mẫu radar Xô Viết P-12.

Như đã biết P-12 được chế tạo tại Liên Xô từ năm 1956.

Radar YLC-8

Những nỗ lực chế tạo máy bay radar phát hiện từ xa và điều khiển theo mẫu máy bay ném bom Tu-4 Xô Viết đã không đem lại kết quả.

Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc lúc đó không đủ khả năng đảm bảo độ tin cậy và ổn định các tính năng của tổ hợp điện tử – vô tuyến phức tạp và TQ chỉ chế tạo được một chiếc máy bay radar phát hiện từ xa và điều khiển .

Máy bay radar phát hiện từ xa TQ KJ-1

Lực lượng phòng không chủ yếu của Không quân TQ là 3.000 máy bay tiêm kích J-6 (copy MiG-19) và J-7 (copy MiG-21). Có một số lượng nhỏ máy bay đánh chặn J-8 nhưng không có hệ thống dẫn đường tập trung và các tên lửa tầm xa nên cũng không đáp ứng được các yêu cầu tác chiến hiện đại.

Các tổ hợp tên lửa phòng không TQ kiểu HQ-2 đến đầu những năm 90 đã không thể đối phó có hiệu quả các phương tiện tấn công đường không lúc đó.

Khả năng chống nhiễu của chúng kém, cần rất nhiều thời gian để chuyển trận địa. Hàng nghìn khẩu pháo Phòng không cỡ 85 và 100 ly TQ chỉ có thể bắn chặn nhưng rất kém hiệu quả.

Căn cứ vào mức độ trang bị kỹ thuật thì các phân đội Phòng không TQ những năm 90 chỉ tương đương với lực lượng Phòng không Liên Xô đầu những năm 70.

Nhận thức được vấn đề này, giới lãnh đạo chính trị và quân sự TQ đã chi một khoản ngân sách rất lớn để cải thiện tình hình. 

RELATED ARTICLES

Tin mới