Thursday, January 23, 2025
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông tuần thứ 8

Bản tin Biển Đông tuần thứ 8

Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp mới. Trung Quốc tiếp tục triển khai các hoạt động thực địa nhằm nhanh chóng hiện thực hóa chủ trương quân sự hóa trên toàn bộ Biển Đông cả về tốc độ và quy mô. 

 

Sau một loạt các hành động như tiến hành bay thử nghiệm, triển khai tên lửa đất đối không, lắp đặt các trạm ra-đa tại các địa điểm khác nhau trên Biển Đông, chính quyền Bắc Kinh lại quay trở lại chiêu bài bồi đắp, mở rộng đảo nhưng chuyển mục tiêu sang các thực thể trong nhóm đảo An Vĩnh thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang xâm chiếm trái phép của Việt Nam từ hơn 4 thập kỷ nay nhằm củng cố tiềm lực và sức mạnh quốc phòng ở khu vực Biển Đông.

Ngày 7/3, trang Focus Taiwan đưa tin Trung Quốc đang tiến hành bồi đắp, mở rộng diện tích đảo Bắc và đảo Nam trong nhóm đảo An Vĩnh, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Thông tin này cũng được mạng Tin tức tham khảo của Trung Quốc và nhiều báo khẳng định lại. Theo đó, việc cải tạo sẽ nâng diện tích của nhóm đảo An Vĩnh gấp hơn 10 lần từ 1,32km2 lên tới khoảng 15km2. Thực tế, việc bồi đắp trên đảo Bắc thuộc nhóm đảo An Vĩnh đã được phát hiện từ đầu năm 2016 với hình ảnh vệ tinh chụp các tàu nạo vét tại khu vực này. Theo The Diplomat ngày 7/3, tuy hiện nay các tàu nạo vét không còn xuất hiện nhưng điều đó không có nghĩa là hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã ngừng lại bởi dải đất mới bồi đắp chưa thể chống chịu một trận bão mạnh, Trung Quốc sẽ tiếp tục hoàn tất hoạt động này trong nay mai. Cùng với đó, Trung Quốc dự kiến sẽ xây dựng trên đảo Bắc hoặc đảo Nam một sân bay mới có diện tích lớn hơn sân bay tại đảo Phú Lâm và tương đương với sân bay ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.

Với động thái này, sẽ không có gì ngạc nhiên về việc Trung Quốc sẽ xây thêm căn cứ một căn cứ không quân khác ở Hoàng Sa, phục vụ mưu đồ quân sự hóa Biển Đông của nước này. Thời báo Hoàn Cầungày 10/3 đăng bài cho biết, Mỹ nhận định “đến cuối năm 2016 sức chiến đấu của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ được nâng cao về thực chất”. Theo bài báo, Giám đốc Cục tình báo Mỹ cho rằng tàu chiến của Trung Quốc đã đóng ở quần đảo Trường Sa, đến cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017 khi các công trình quân sự hoàn thành thì thực lực chiến đấu của Trung Quốc sẽ được nâng cao rõ rệt. Bài viết (bằng tiếng Anhtiếng Trung) trên báo The New York Times cho rằng việc Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực là nhằm tiến gần hơn đến việc thiết lập một vùng đệm an ninh ngày càng xa bờ biển, hiện thực hóa giấc mơ mà các nhà chiến lược Trung Quốc đặt ra kể từ thời Chiến tranh Triều Tiên.

Bên cạnh đó, ngày 13/3, báo Giải phóng quân Trung Quốc dẫn tin Tân Hoa xã cho biết năm nay, “thành phố Tam Sa” sẽ trồng 50 vạn cây trên các đảo thuộc thành phố (năm ngoái đã trồng 30 vạn cây) nhằm “góp phần cản gió, kiên cố hóa các đảo, bảo vệ môi trường sinh thái nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân”. Mạng China File ngày 10/3 đăng lại bài viết trên trang Foreign Policy “Vũ khí bí mật của Trung Quốc trên các đảo tranh chấp: Bia và Cầu lông”, trong đó đề cập đến khả năng Trung Quốc sẽ cho xây dựng các khu giải trí như quán bia, sân cầu lông bên cạnh trường học, quán cà phê, nhà hàng, bệnh viện… đã có. Tác giả bài viết cho rằng những cơ sở như vậy dần dần sẽ biến Phú Lâm vốn không có người ở thành đảo có đời sống dân cư, giúp cho Trung Quốc củng cố yêu sách chủ quyền tại Hoàng Sa cũng như toàn bộ Biển Đông. Cùng chung ý tưởng như vậy, Han Fangming, đại biểu Đại hội Tham vấn Chính trị nhân dân Trung Quốc, Phó Chủ tịch LeTV, đã đề xuất biến Phú Lâm thành trung tâm quốc tế cung cấp các dịch vụ ngoài khơi, là phiên bản Trung Quốc của đảo Virgin của Anh. Theo đó, những lợi nhuận mà trung tâm tài chính ngoài khơi quốc tế này sẽ có thể giúp Trung Quốc tăng cường kiểm soát cả về chính trị và kinh tế ở Biển Đông. Không dừng tại đó, theo tin từ Tân Hoa xã, Trung Quốc sẽ tiến hành các chuyến bay dân sự cất cánh và hạ cánh tại sân bay trên đảo Phú Lâm. Mạng Hải Nam ngày 13/3 cũng cho biết, theo Cục phòng vệ biển và cửa khẩu Tam Á đã ra thông báo ngày 13/4 tàu Ngôi sao Vịnh Bắc Bộ sẽ thực hiện chuyến đi đầu tiên trên tuyến du lịch biển từ Tam Á ra đảo Ốc Hoa thuộc quần đảo Hoàng Sa, thay thế tàu Coconut Princess, mỗi tháng thực hiện 4-5 chuyến đi. Thị trưởng “thành phố Tam Sa” Tiêu Kiệt khi trả lời phóng viên cho biết, du lịch Hoàng Sa sẽ từng bước mở rộng về phạm vi và tăng về số lượng tuyến, sẽ mở rộng từ đảo Phú Lâm sang 7 đảo thuộc nhóm đảo An Vĩnh, qua đó góp phần thúc đẩy việc xây dựng và phát triển tại đây. Tuy nhiên, theo lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Anna Richey Allen, việc mở các tuyến du lịch như vậy không phù hợp với cam kết về việc giữ kiềm chế không có các hành động làm cho tình hình thêm phức tạp và căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh “Trung Quốc cần tuân thủ cam kết đưa ra trước đó, dừng các hoạt động lấp biển xây đảo, dừng hành động quân sự hóa tại các điểm đóng giữ ở Biển Đông”. Theo Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm ISEAS Yusof Ishak của Singapore, Trung Quốc không chỉ quân sự hóa các đảo trên Biển Đông nhằm khẳng định sự khống chế đối với các đảo này, mà còn thúc đẩy các hoạt động dân sự, qua đó củng cố “sự chiếm hữu thực tế và quản lý liên tục”, nhằm dần dần từng bước thâu tóm Biển Đông.

Về khía cạnh pháp lý, Trung Quốc tiếp tục nêu lập trường không chấp nhận vụ kiện Trọng tài Biển Đông của Philippines, chỉ trích ngược lại là việc làm của Philippines không hợp pháp, thất tín, vô lý, vi phạm DOC. Thay vào đó, ngày 13/3, Chánh án Zhou Qiang đưa ra tuyên bố Trung Quốc sẽ thiết lập một “trung tâm tư pháp quốc tế về biển” và cho biết các tòa án trên khắp Trung Quốc đang xúc tiến để triển khai chiến lược quốc gia xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển. Tin tức này nhanh chóng được lan truyền trên các báo như Atime, DW, Inquirer, India Today,… Các báo tuy chưa đưa ra bình luận gì nhưng đều đề cập đến việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện của Philippines trong khi lại muốn đứng ra giải quyết các tranh chấp về biển thông qua một cơ quan tài phán của riêng mình. Tờ DW của Đức thậm chí còn đính kèm theo tin này một bài tổng hợp ngày 7/3 gồm 12 bức ảnh về các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc cho thấy quy mô lớn và tốc độ nhanh chóng của việc bồi đắp, xây dựng căn cứ quân sự cũng như các tác động đến môi trường sinh thái do các hành động của Trung Quốc gây ra.Việc so sánh này đã cho thấy quyết định mới đây của Trung Quốc thật nực cười.

Bất chấp những chỉ trích của từ các nước láng giềng và cộng đồng thế giới đối với những hành động leo thang căng thẳng nói trên, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh vẫn tiếp tục nhai lại lập trường cứng rắn, cho rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách đối với chủ quyền ở Biển Đông. Trả lời báo chí sau khi tham dự hoạt động của đoàn đại biểu Triết Giang tại Hội nghị lần thứ 4 Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tự ru ngủ mình và lừa bịp thế giới rằng tình hình Biển Đông về tổng thể là “ổn định”, tự do hàng hải ở Biển Đông “không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào, không có tàu nào nói tự do đi lại của nó bị quấy nhiễu”. Để bổ trợ cho lời nói ấy, tờ Global Times của Trung Quốc đưa ngay ra bài báo nói rằng các công ty vận tải đường thủy của Hồng Công cho biết các tàu không hề bị cản trở bởi các công trình xây dựng ở Biển Đông. Thế nhưng, cũng chính ông Vương Nghị lại cho rằng tình hình Biển Đông đang đạt được rất ít tiến triển và đổ lỗi nguyên nhân khiến cho quá trình tham vấn COC đang bị chậm lại là do “một vài quốc gia ngăn cản”, thậm chí còn đưa ra lời răn đe “tự do hàng hải không có nghĩa là muốn làm gì thì làm”. Có thể thấy Vương Nghị đang ám chỉ các hoạt động của Mỹ và một số quốc gia trong khu vực gần đây, nhưng rõ ràng những lời nói bất nhất của một Bộ trưởng Ngoại giao một nước lớn khiến cho người ta không khỏi hoài nghi về những cái gọi là “nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông” của Trung Quốc. Những nghi ngờ, lo ngại này lại càng tăng lên khi mạng Đại Công báo của Trung Quốc ngày 8/3 dẫn lời Bí thư tỉnh Hải Nam La Bảo Minh, cho rằng ngư dân Hải Nam tham gia bảo vệ quyền và lợi ích ở Biển Đông, là lực lượng quan trọng bảo vệ “chủ quyền” ở Biển Đông. Đáng chú ý, theo một số nguồn tin, lực lượng ngư dân này được huấn luyện quân sự và trang bị vũ khí (súng 81, ống phóng tên lửa vác vai); một số tàu cá cũng được trang bị súng máy và lớp chống đạn 2 bên mạn thuyền. Rõ ràng, Trung Quốc đang quân sự hóa cả lực lượng dân sự nước này.

Song song với việc tăng cường triển khai các hoạt động trên thực địa, Trung Quốc tiếp tục lớn tiếng cáo buộc các nước trong và ngoài khu vực gây mất ổn định ở Biển Đông. Có thể kể ra những ví dụ như: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 7/3 buộc tội Nhật Bản sử dụng biện pháp quân sự thông qua việc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản dự định gửi tàu ngầm và hai tàu chiến đến Philippines và Việt Nam, ngày 10/3 cảnh cáo Philippines về kế hoạch thuê 5 máy bay huấn luyện từ Nhật Bản để tiến hành tuần tra Biển Đông. Việc Trung Quốc tỏ ra tức tối trước những sự kiện này đã được nhiều tờ báo trên thế giới như Reuters, International Business Times, Borneo Post, Manila Bulletin… đưa đậm nét. Tiếp theo, tại cuộc họp báo ngày 11/3, một mặt, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khi trả lời câu hỏi liên quan đến Sách Trắng Quốc phòng mới đây của Australia đã khẳng định Trung Quốc không phải là mối đe dọa với Australia; mặt khác phản bác lại ý kiến của Giám đốc cơ quan tình báo MỹJames Clapper trong bức thư gửi Thượng Nghị sĩ John McCain cho rằng những cơ sở hạ tầng Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa sẽ tăng cường tiềm lực quân sự vượt quá phạm vi phòng thủ cần thiết.

Phản ứng trước những động thái của Trung Quốc, thế giới tiếp tục bày tỏ quan ngại. Ngày 11/3, Liên minh Châu Âu đã ra tuyên bố, cho rằng “việc triển khai các lực lượng, trang thiết bị quân sự, dù tạm thời hay lâu dài, trên các cấu trúc biển đang tranh chấp ảnh hưởng đến an ninh khu vực, có thể đe dọa đến tự do hàng hải, hàng không là mối lo ngại lớn”. EU khẳng định không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng kêu gọi chấm dứt quân sự hóa ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

Theo tờ Inquirer ngày 13/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose đã kêu gọi Trung Quốc kiềm chế ở Biển Đông, cho rằng việc Bắc Kinh lên kế hoạch đưa máy bay dân sự ra hoạt động tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa là hành động “đơn phương và gây hấn”. Tờ báo này ngày 12/3 cũng cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao mới nghỉ hưu Albert Del Rosario của Philippines khi đưa ra lời khuyên về công tác ngoại giao đối với thế hệ lãnh đạo mới của đất nước đã nhấn mạnh tranh chấp Biển Đông là vấn đề lâu dài, khẳng định Philippines sẽ tiếp tục kiên định những đường lối đối ngoại hiện tại, bày tỏ hy vọng các nước sẽ cùng Philippines thúc ép Trung Quốc tôn trọng phán quyết sắp tới mang tính chất ràng buộc về pháp lý của Tòa Trọng tài quốc tế trong vụ kiện Biển Đông.

Theo tin từ ABC News, Mỹ hiện đang đàm phán để đưa máy bay ném bom tầm xa đến Australia nhằm đối phó lại những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Vừa qua, Mỹ cũng đã đưa ra lời kêu gọi một số nước trong khu vực tham gia hoạt động tuần tra chung vì tự do hàng hải ở Biển Đông. Trong khi chuyên gia quốc phòng của Nhật Bản cho rằng Nhật và các nước khác nên tham gia cùng với Mỹ, Ấn Độ lại ra tuyên bố từ chối lời mời này bởi tuần tra chung là hoạt động chưa từng có trong tiền lệ của Ấn Độ. Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh nguyên nhân Ấn Độ không phải là bên tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông, lý do sâu xa là do Ấn Độ lo ngại nếu chấp nhận lời mời, Bắc Kinh sẽ gây áp lực lên New Delhi cả ở Ấn Độ Dương lẫn trong vấn đề biên giới trên đất liền giữa hai nước. Điều này cho thấy trong mắt các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế, Trung Quốc thực sự là kẻ khổng lồ đầy đe dọa.

RELATED ARTICLES

Tin mới