Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHọ vào Quốc hội làm gì?

Họ vào Quốc hội làm gì?

* Đi họp Quốc hội để thảo luận các vấn đề “nóng” của nền kinh tế nhưng đến rồi thì ngồi đọc báo, xem Ipad… và thậm chí là ngủ.
* Thông tin về những ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV là ca sĩ tự do, cụ ông 91 tuổi hay chị bán bán bánh mỳ… đang dấy lên nhiều lo ngại về chất lượng đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ tới.

Những ngày gần đây, dư luận cả trong và ngoài nước đang dành sự quan tâm đặc biệt tới kết quả hiệp thương lần 2 danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV. Sự đa dạng về thành phần, tuổi tác cũng như nghề nghiệp của các ứng viên là điểm nổi bật nhất trong bản danh sách các ứng viên này. 

Đáng chú ý trong đó, ngoài những đại biểu được các cơ quan Đảng, nhà nước giới thiệu, các doanh nhân, công chức nhà nước tự ứng cử thì người ta còn thấy xuất hiện cả những ứng viên là ca sĩ tự do, bán bánh mỳ, lao động phổ thông, trẻ có mà già đến cỡ 91 tuổi cũng có.

Nhưng cũng chính sự đa dạng này lại đang dấy lên nhiều lo lắng về “chất lượng” của những vị đại biểu Quốc hội này nếu được bầu vào Quốc hội khoá tới. 

Ở đây, chúng ta không bàn đến chuyện họ ứng cử vào Quốc hội vì mục đích chống phá, bị xúi giục… gì đó mà chỉ xin nhấn mạnh đến vấn đề “chất lượng” tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận các vấn đề lớn của quốc gia, dân tộc.

Theo Hiến pháp năm 2013, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng nhất của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước.

Với vị trí, vai trò như vậy, Quốc hội có nhiệm vụ làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; quyết định các chỉ tiêu, mục tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; quyết định các chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo nhà nước…

Có thể thấy đây đều là những vấn đề, những nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn với vận mệnh dân tộc, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tai, phát triển của đất nước…

Vậy nên, để đảm bảo thực hiện sứ mệnh này, Luật Tổ chức Quốc hội 2013, Điều 22 về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội thì ngoài các quy định như trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt… thì phải là người có trình độ văn hoá, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khoẻ, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội như vậy phải là những công dân ưu tú trong các lĩnh vực hoạt động của nhà nước và xã hội, được nhân dân cả nước tín nhiệm bầu ra bằng tổng tuyển cử tự do, thay mặt nhân dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Đại biểu Quốc hội vì thế còn là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước, là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

Với sứ mệnh như vậy, trong khi làm nhiệm vụ, đại biểu Quốc hội phải xuất phát từ lợi ích chung của cả nước và đồng thời cũng phải quan tâm đến lợi ích thích đang của địa phương đã bầu ra mình, phải căn cứ vào pháp luật của nhà nước và những quy định của chính quyền nhà nước ở địa phương.

Nói vậy không phải để khẳng định những ứng viên là ca sĩ tự do, cụ ông 91 tuổi hay người bán bánh mỳ… không đủ tiêu chuẩn tự ứng cử đại biểu Quốc hội mà đơn giản ở đây, như đã nói ở trên là để cập đến vấn đề “chất lượng” của đại biểu Quốc hội.

Chúng ta thử hỏi, với những con người như vậy thì trước những vấn đề sống còn của dân tộc, quyết sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, họ sẽ đóng góp được gì?

Một ca sĩ không tên, không tuổi, hành nghề tự do thì chắc gì đã hiểu biết được hết những kiến thức chuyên môn, các quy định về việc hành nghề ca hát?

Một người bán bánh mỳ thì liệu có biết gì đến Luật Lao động, Bảo hiểm xã hội…?

Một cụ ông 91 tuổi có thể có kiến thức chuyên môn, lại có cả kinh nghiệm nhưng sức khoẻ liệu có đảm bảo không, trí tuệ còn minh mẫn không?

Vậy họ vào Quốc hội để là gì?

Nhìn lại những kỳ họp Quốc hội thời gian qua chúng ta không khó nhận ra, những người hay phát biểu, hay chất vấn, hay đặt vấn đề với các vấn đề “nóng” của nền kinh tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và một điều đáng chú ý, phần lớn trong số này đều đã có quá trình trải nghiệm lâu dài trong một hoặc nhiều lĩnh vực công tác.

Vậy nên, khi một vấn đề đặt ra, họ hiểu ngay và đặt vấn đề chất vấn, góp ý, thậm chí sẵn sàng tranh luận “tay bo” với lãnh đạo ngành, lĩnh vực ấy.

Thế còn những đại biểu Quốc hội khác họ làm gì? Họ như thể đến cho có mặt. Cả một nhiệm kỳ không thấy phát biểu, chất vấn, đóng góp ý kiến lấy một câu.

Đi họp Quốc hội để thảo luận các vấn đề “nóng” của nền kinh tế nhưng đến rồi thì ngồi đọc báo, xem Ipad… và thậm chí là ngủ. Cử tri bức xúc, địa phương có vấn đề cần kiến nghị họ nghe, tiếp thu nhưng rồi chẳng làm gì.

Đại biểu Quốc hội vì thế cũng thật đa dạng!

Tự do ứng cử là một trong những quyền cơ bản nhất được quy định tại Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng không phải vì thế mà lợi dụng để tự ứng cử.

Người tự ứng cử phải xác định rõ vào Quốc hội để làm gì? Mình sẽ đóng góp gì trong cả một nhiệm kỳ tới, cho những quyết sách, đường hướng phát triển của đất nước?…

Xác định được như vậy thì chất lượng đại biểu Quốc hội mới nâng lên được!

RELATED ARTICLES

Tin mới