Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiIndonesia cũng muốn kiện TQ: Cái khó của Việt Nam

Indonesia cũng muốn kiện TQ: Cái khó của Việt Nam

Khi Việt Nam muốn kiện phải tính toán khả năng thắng kiện, 1 vụ kiện với Trung Quốc tạo ra rất nhiều hệ quả nên phải cân nhắc.

Cái khó nếu Việt Nam muốn kiện

Indonesia vừa tuyên bố có thể đưa vụ tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải nước này, trong đó có sự can thiệp của cả một tàu hải cảnh Trung Quốc, ra tòa án quốc tế. Đáng lưu ý, tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài thường trực (PCA) có trụ sở tại La Hay, Hà Lan sắp đưa ra phán quyết liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Đánh giá về động thái này của Indonesia, TS Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, tất cả những vụ kiện trên, nếu có, đều không liên quan đến chủ quyền. Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến 3 vấn đề chính:

Thứ nhất, Philippines yêu cầu tòa xác định Trung Quốc không có quyền lịch sử và đường đứt khúc là đường không có cơ sở pháp lý, vi phạm quy định Công ước.

Thứ hai, nội dung Philippines khởi kiện liên quan đến quy chế của các cấu trúc ở quần đảo Trường Sa (7 cấu trúc). Thực ra trong vụ việc này Philippines yêu cầu tòa xác định nhiều 7 cấu trúc trên.

Thứ ba, Philippines yêu cầu tòa xác định Trung Quốc vi phạm việc thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines.

Quay trở lại động thái của Indonesia, theo TS Nguyễn Toàn Thắng, vấn đề Indonesia định kiện  Trung Quốc sẽ liên quan đến nội dung thứ ba – tức liên quan tới việc xác định vùng biển và trong vùng biển của quốc gia nào thì được thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán.

“Rõ ràng, các vụ kiện không liên quan đến chủ quyền vì nếu liên quan đến chủ quyền thì bây giờ tất cả các cơ quan tài phán quốc tế không có cơ quan nào có thẩm quyền đương nhiên mà phải được sự đồng ý của tất cả các bên tranh chấp”, ông Thắng nhấn mạnh.

Trước câu hỏi trong bối cảnh này Việt Nam có nên cân nhắc kiện, TS Nguyễn Toàn Thắng bày tỏ: “Cái khó ở đây là toàn bộ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là đối tượng tranh chấp, tức những vùng biển bao quanh đó cho đến bây giờ vẫn chưa xác định được là vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa hay không, cả phía Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố có quyền nên những vùng biển bao quanh đó tạo thành vùng chồng lấn, tức là vùng biển tranh chấp.

Nếu là vùng biển của Việt Nam và phía Trung Quốc vào đó đánh bắt trái phép, bắn phá tàu thuyền Việt Nam thì đó là việc hoàn toàn khác. Còn trong vùng biển tranh chấp ai cũng cho rằng mình có quyền, do đó không thể kiện rằng họ sai vì khi ấy họ cũng có thể nói mình sai. Khi ấy, câu chuyện khởi kiện mang tính chất khác.

Khi  Việt Nam muốn kiện phải tính toán khả năng thắng kiện thế nào, một vụ kiện với Trung Quốc tạo ra rất nhiều hệ quả nên phải cân nhắc.

Tôi cho rằng, đối với câu chuyện ở vùng tranh chấp bây giờ tìm kiếm giải pháp kiện không phải là một giải pháp hay. Sẽ rất khó bởi chúng ta đang đứng cạnh một nước đang muốn thực hiện quyền kiểm soát ở Biển Đông. Trước kia tình hình không phức tạp như thế, nhưng bây giờ nó ngày càng phức tạp hơn vì Trung Quốc muốn thực hiện quyền kiểm soát và họ thực hiện quyền đó không phải bằng con đường pháp lý mà bằng sức mạnh.

Trong tương lai sẽ còn xảy ra những vụ việc tương tự như vừa rồi và cường độ sẽ tiếp tục gia tăng”.

Ông cũng nhấn mạnh, vụ việc này đến nay chưa có bên nào khởi kiện và cũng chưa liên quan gì đến tòa. Trước đây, vụ giàn khoan Hải Dương-981 (năm 2014), Việt Nam cũng đã từng định khởi kiện. Nhưng nếu kiện thì Việt Nam sẽ không chỉ sử dụng một vụ việc đó mà sẽ kết hợp, giống như Philippines, khởi kiện luôn cả về đường đứt khúc. Xét về bản chất pháp lý, nếu tính từ đất liền ra biển, giàn khoan đó nằm trong vùng đặc quyền của Việt Nam, cơ sở của Việt Nam đưa ra rất vững chắc. Nhưng nếu nó trở thành một vụ kiện phải tính đến những khả năng khác.

Thực ra giàn khoan Hải Dương-981 cách đảo Tri Tôn chỉ khoảng mười mấy hải lý, nếu tính từ Hoàng Sa thì nó cũng nằm trong vùng biển tranh chấp. Và nếu Trung Quốc ra tòa, họ có thể lý luận rằng, nếu tính từ đảo Hải Nam ra thì giàn khoan đó cũng nằm trong vùng 200 hải lý. Trung Quốc không muốn lấy đó làm cơ sở vì họ không muốn có tranh chấp ở đó, họ muốn khu vực ấy là của họ. Còn Việt Nam không dựa vào Hoàng Sa vì đó là đối tượng tranh chấp, mà dựa vào đất liền, lấy đường cơ sở từ Lý Sơn. Nhưng khi ra  tòa câu chuyện sẽ khác chứ không hề đơn giản”, ông Thắng nói.

Cơ sở pháp lý để dư luận lên tiếng mạnh mẽ

Liên quan đến việc tòa PCA ở Hà Lan sắp ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc, đặt giả thiết tòa tuyên Philippines thắng kiện, Việt Nam có thuận lợi gì nếu muốn kiện Trung Quốc? TS Nguyễn Toàn Thắng nói rằng: “Nếu tòa đã ra phán quyết về nội dung đó tức là đã có cơ sở pháp lý rồi, Việt Nam không cần kiện về nội dung đó nữa. Nếu kiện thì phải kiện luôn cùng Phillipines để dễ thắng.

Chẳng hạn, tòa đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines, tuyên bố yêu  sách về đường đứt khúc là phi lý thì không chỉ riêng Philippines mà tất cả các nước đều được hưởng kết quả đó”.

Ông cũng lưu ý, nếu tòa phán quyết rằng Philippines thắng kiện thì hệ quả lớn nhất không phải là trên thực địa Trung Quốc sẽ lui một bước. Theo quan điểm cá nhân của vị chuyên gia, trên thực địa Trung Quốc sẽ vẫn thực hiện chiến lược của họ, không cần nói mà cứ làm, họ sử dụng sức mạnh trên thực địa.

Dù vậy, nếu Philippines thắng kiện nó sẽ tạo ra một cơ sở pháp lý tương đối vững chắc, không chỉ các quốc gia Đông Nam Á xung quanh Biển Đông có thể dựa vào đó đưa ra những yêu cầu cụ thể, ngay cả Mỹ tiếng nói can thiệp của họ cũng sẽ mạnh hơn rất nhiều. 

“Hệ quả đạt được ở đây chủ yếu là về mặt cơ sở pháp lý để dư luận lên tiếng rằng hành vi của TQ là bất hợp pháp và nếu Trung Quốc vẫn cố tình làm chứng tỏ Trung Quốc không dựa vào pháp lý mà dựa vào sức mạnh, lấy khỏe đẩy yếu. Nó sẽ là cơ sở để sự can thiệp của các nước mạnh mẽ hơn rất nhiều so với trước kia”, TS Phạm Toàn Thắng đánh giá.

RELATED ARTICLES

Tin mới