Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ không để TQ độc chiếm Biển Đông

Mỹ không để TQ độc chiếm Biển Đông

Ngày 18-3, tờ Nhân Dân nhật báo có bài bình luận về phát biểu của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift khi ông chỉ trích (không nêu đích danh Trung Quốc) có thái độ “cường quyền là công lý” trong vấn đề Biển Đông.

Theo ông Hàn Húc Đông, Giáo sư của Đại học Quốc phòng Trung Quốc, Mỹ đang thổi phồng “vấn đề Biển Đông”. Trước đó, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cũng cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách thực hiện bá quyền Đông Á.

Còn trong bài viết “Thách thức của Mỹ nhằm vào Trung Quốc có thể biến thành đối đầu – vũ khí hạt nhân sẽ là lá bài cuối cùng”, tờ Thời báo Hoàn Cầu cũng phản ứng lại chỉ trích hôm 16-3 của Đô đốc Scott Swift, khi Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố, việc chiến hạm Mỹ đi vào các vùng biển có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông không phải là hành động quân sự, mà là để bảo đảm tự do hàng hải.

Đô đốc Scott Swift còn coi hành động bồi lấp đảo, bố trí tên lửa phòng không của Bắc Kinh tại Biển Đông là hành vi “chà đạp luật pháp quốc tế”. Nhưng tờ Thời báo Hoàn Cầu lại coi đây là “những chỉ trích nằm trong chuỗi âm mưu kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc”, đồng thời đe dọa, vũ khí hạt nhân sẽ là lá bài cuối cùng mà Bắc Kinh sử dụng nếu bị Washington “gây sức ép quá mức chịu đựng” ở Biển Đông.

Ngoài ra, tờ Thời báo Hoàn Cầu còn kêu gọi Trung Quốc xây dựng năng lực quân đội đạt mức khiến Mỹ hiểu rằng, chiến hạm của Washington sẽ bị Bắc Kinh tấn công nếu “diễu võ giương oai” ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cùng ngày 18-3, hội thảo quốc tế về “Vấn đề địa – chính trị đang nổi lên ở Ấn Độ Dương”, do Hội Nghiên cứu Ấn Độ Dương (SIOS) tổ chức, đã khai mạc tại trung tâm thủ đô Ấn Độ và Biển Đông là một phần quan trọng được các đại biểu tham luận.

Giáo sư Baladas Ghoshal, học giả nổi tiếng của SIOS cho rằng, Biển Đông đang nổi lên là một điểm nóng chủ yếu, không những liên quan tới các nước trong khu vực, mà còn ngoài khu vực bởi Trung Quốc đang xây dựng ồ ạt và quân sự hóa vùng biển này, đồng thời tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, một trong những tuyến đường biển quan trọng trên thế giới.

Thiếu tướng Hải quân Sharma còn dẫn các khái niệm và luật pháp quốc tế để khẳng định, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông là không theo luật pháp quốc tế và không theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc cũng là một thành viên.

my khong de trung quoc doc chiem bien dong
Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ

Còn theo trang Breaking Defence, Tướng Dennis Via, chỉ huy Bộ Tư lệnh Hậu cần Lục quân Mỹ vừa tiết lộ kế hoạch lập một số kho hậu cần ở khắp khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, để cho phép Washington triển khai nhanh hơn khi cần.

Và nếu việc này diễn ra, sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc – hành động quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh sẽ gặp phải phản ứng mạnh mẽ của Mỹ và các quốc gia láng giềng. Theo tờ Business Insider, Philippines là một trong những lựa chọn khả dĩ để đặt kho hậu cần của Mỹ.

Bởi trước đó (17-3), Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson cho biết, Bắc Kinh dường như đang chuẩn bị cải tạo đất tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Đô đốc John Richardson nhấn mạnh, Mỹ chứng kiến Trung Quốc điều tàu khảo sát xung quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham và việc này đe dọa tự do hàng hải, đồng thời đặt ra quy tắc buộc tàu thuyền của các nước liên quan phải “xin phép” trước khi qua lại khu vực này.

Ông John Richardson còn cảnh báo, Trung Quốc có thể đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông nếu Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bất lợi cho Bắc Kinh trong vụ kiện “đường lưỡi bò” mà Philippines đang theo đuổi.

Thượng nghị sĩ Senator Dan Sullivan đến từ bang Alaska yêu cầu lãnh đạo Hải quân Mỹ giải thích, tại sao không thể tiến hành các hành động tự do hàng hải thường xuyên hơn ở “khu vực 12 hải lý” của các thực thể tranh chấp ở Biển Đông?

Theo giới quan sát, những hành động nhất quán của Mỹ tại Biển Đông cho thấy, Washington quyết không để Bắc Kinh thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Ngày 19-3, tờ Tin tức tham khảo Trung Quốc dẫn lại thông tin từ tờ The National Interest của Mỹ cho rằng, Washington không lo ngại tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, cho dù đây là niềm tự hào dân tộc của đất nước đông dân nhất thế giới. Bởi tàu Liêu Ninh không thể so sánh với bất cứ cụm tàu sân bay tấn công nào của Mỹ khi chúng tuần tra ở biển Hoa Đông hoặc Biển Đông.

Tuy nhiên, nếu tàu sân bay Liêu Ninh hoạt động theo hình thức hạm đội, có sự hộ tống của nhiều tàu chiến và các loại máy bay quân sự thì sẽ trở thành mối đe dọa và điều này đang trở thành hiện thực.

Trước đó (15-3), tờ Washington Post cho rằng, vấn đề Biển Đông ngày càng “nóng” không chỉ vì tranh chấp giữa các nước tuyên bố chủ quyền, mà còn bởi cuộc đọ sức giữa Tổng thống Mỹ với Chủ tịch nước Trung Quốc.

Theo giới bình luận, thế đối đầu Mỹ – Trung ở Biển Đông đã rõ ràng, đậm nét từ 3 năm trước khi ông Tập Cận Bình nhậm chức Chủ tịch nước Trung Quốc (tháng 11-2012). Thế đối đầu này ngày càng tăng khi Trung Quốc liên tục bồi đắp đảo nhân tạo, triển khai tên lửa và radar bất hợp pháp ở Biển Đông, bất chấp cảnh báo của Mỹ.

Và theo tờ Washington Post, thế đối đầu kể trên có thể sẽ càng đậm nét hơn khi ông Barack Obama và ông Tập Cận Bình gặp nhau trong khuôn khổ hội nghị An ninh hạt nhân ở Mỹ ngày 31-3.

Ngày 18-3, Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra đã bày tỏ hy vọng vụ tàu cá Trung Quốc bị lực lượng cảnh sát biển nước này bắn chìm ngoài Đại Tây Dương không làm ảnh hưởng tới quan hệ song phương. Trước đó, Argentina đã tính việc phạt thuyền viên Trung Quốc trên tàu Lỗ Yên Viễn Ngư 010 hơn một triệu USD vì tội đánh bắt cá trộm.

Trong khi đó, đơn vị chủ quản của tàu Lỗ Yên Viễn Ngư 010 lại coi cáo buộc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Argentina không đúng sự thực, đồng thời phủ nhận tàu cá Trung Quốc đâm tàu tuần duyên Argentina.

Theo giới truyền thông Argentina, mỗi năm có khoảng 400 chiếc tàu cá thường xuyên đánh bắt trái phép, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế nước này, nhưng từ năm 1990 đến năm 2013, Argentina mới bắt giữ 4 tàu cá Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới