Thursday, January 23, 2025
Trang chủBiển nóngBắc Kinh không biết giữ lời hứa

Bắc Kinh không biết giữ lời hứa

Ngày 19-3, tờ Business Insider có bài liệt kê những thực thể được Trung Quốc cải tạo trái phép với tốc độ và quy mô lớn trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

 Theo đó, quy mô và mức độ đáng báo động nhất là ở bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi và hành động của Trung Quốc đã và đang vấp phải sự phản đối của các nước hữu quan, cũng như cộng đồng quốc tế. Mặc dù Bắc Kinh cải tạo và xây dựng ở bãi đá Chữ Thập được hơn 2,74km2, gấp gần 3 lần đảo tự nhiên lớn nhất Trường Sa là Ba Bình, nhưng vẫn không bằng những gì Trung Quốc đang tiến hành tại bãi đá Vành Khăn và Xu Bi.

Không thể coi nhẹ vai trò của ASEAN

Theo tờ The Age, trước tình hình Trung Quốc ngày càng có những động thái ngang ngược, gây hấn tại Biển Đông, một số nước Đông Nam Á đang chủ động tăng cường quan hệ quốc phòng với Australia. Và hợp tác quốc phòng giữa Australia với các quốc gia Đông Nam Á ngày càng trở nên cần thiết hơn khi Mỹ cảnh báo, tòa trọng tài quốc tế sẽ ra phán quyết về vụ kiện “đường lưỡi bò” của Philippines với Trung Quốc, có thể thúc đẩy Bắc Kinh “làm bậy”.

Theo kế hoạch, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein sẽ hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne trong tuần này để thảo luận về việc Trung Quốc đưa khí tài quân sự ra những khu vực Bắc Kinh chiếm đóng trái phép tại Biển Đông. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng có kế hoạch tới Australia trong tháng 5 để thảo luận về các hiệp ước song phương, trong đó có thỏa thuận về tăng cường hợp tác quốc phòng.

Ngày 18-3, sau cuộc họp tại Sydney, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã tuyên bố, 2 nước cùng cam kết bảo vệ quyền của các nước trong việc tự do đi lại trên biển và trên không ở Biển Đông. Bà Julie Bishop và ông Vivian Balakrishnan cũng khẳng định, tàu thuyền và máy bay của Australia và Singapore có toàn quyền qua lại Biển Đông.

Tư lệnh Không quân Hoàng gia Australia Leo Davies từng coi sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ như diễn tiến tự nhiên khi liên minh chiến lược giữa 2 nước phải đương đầu với tình trạng căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông. Đồng thời nhận định, quân sự hóa trong khu vực đã tăng tốc với mức khó theo kịp, nhưng các cuộc tuần tra của Australia không hề thay đổi.

Không thể coi nhẹ vai trò của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, là nhận định của giới truyền thông sau khi “Đối thoại ASEAN về luật pháp quốc tế: Tăng cường các quy định của pháp luật trong khu vực đối với luật quốc tế về biển”, được tổ chức hôm 17-3, tại Jakarta, Indonesia. Đa số các đại biểu tham dự đều nhất trí cho rằng, Biển Đông là vấn đề liên quan đến an ninh khu vực và là mối quan hệ giữa nhiều quốc gia.

Giáo sư, Tiến sĩ Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore khẳng định, trước hết phải dựa vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), dựa vào DOC và sớm đạt được COC, để giải quyết các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông theo cơ sở pháp lý.

Ông Arif Havas Oegroseno, Thứ trưởng Bộ Điều phối hàng hải và Tài nguyên biển của Indonesia cho rằng, tất cả các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và chia sẻ lợi ích cùng nhau hơn là gây ra những tranh chấp, ảnh hưởng tới môi trường an ninh của khu vực, cũng như sự thịnh vượng chung.

bac kinh khong biet giu loi hua
Kurt Campbell, nguyên Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Châu Á -Thái Bình Dương

Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa toàn cầu

Đài TNHK vừa dẫn thông tin của bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc Tập đoàn The Economist (Anh) cho rằng, khả năng xảy ra một cuộc đụng độ vũ trang ở Biển Đông vì sự bành trướng của Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa toàn cầu. Mặc dù theo đánh giá những rủi ro toàn cầu do EIU xếp, nguy cơ chiến tranh tại Biển Đông đứng vị trí thứ 8, nhưng giới chuyên môn rất quan tâm tới vấn đề này.

Bởi bất kỳ sự tranh cãi xấu đi nào cũng có thể làm tổn hại nghiêm trọng tới mối quan hệ kinh tế trong khu vực và có nguy cơ gây trở ngại dòng chảy thương mại thế giới. Trước đó (16-3), tờ Thời báo Hàn Quốc đã viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế để chứng minh, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông thông qua “đường lưỡi bò” là hoàn toàn tùy tiện và không có căn cứ pháp lý.

Theo tờ Thời báo Hàn Quốc, chưa bao giờ Trung Quốc đưa ra lý giải nào về tính hợp pháp của “đường lưỡi bò” theo UNCLOS.

Ngày 16-3, trong bài viết trên tờ Thời báo Tài chính, ông Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, Trung Quốc đang mắc sai lầm nghiêm trọng khi theo đuổi chính sách quyết đoán ở Biển Đông. Cũng trong ngày 16-3, Hãng Reuters dẫn lời Cục trưởng Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc Vương Hoành, ngang nhiên thông báo Trung tâm Cảnh báo sóng thần do Trung Quốc thành lập trái phép ở Biển Đông đã bắt đầu hoạt động, cho dù đang trong quá trình xây dựng.

Và dư luận lập tức coi đây là âm mưu bành trướng mới của Bắc Kinh nhằm độc bá Biển Đông. Cùng ngày 16-3, tờ The Diplomat có bài “Cái gì phía sau Trung tâm Cảnh báo sóng thần mới của Trung Quốc ở Biển Đông?”, trong đó vạch rõ mưu đồ của Bắc Kinh trong vấn đề này – muốn bành trướng ở Biển Đông.

bac kinh khong biet giu loi hua
Đô đốc Scott Swift – Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ

Cùng ngày 16-3, tờ Business Standard đưa tin, khi chủ trì cuộc họp báo sau khi kết thúc lưỡng hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố với báo giới rằng, Bắc Kinh sẽ không do dự trong quyết tâm bảo vệ cái gọi là “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Và điều này cho thấy, Bắc Kinh vẫn tiếp tục chính sách leo thang, áp đặt luật chơi kẻ cả ở Biển Đông.

Ngày 17-3, trang Strategy Page cho rằng, vì muốn thực hiện âm mưu bành trướng nên Bắc Kinh đã âm thầm phát triển lực lượng đổ bộ chiếm Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc vừa biên chế thêm 3 tàu đổ bộ xe tăng Type 072B và các tàu chiến cùng loại khác đang được chế tạo.

Và hiện Bắc Kinh có 3 tàu vận tải đổ bộ, hơn 100 tàu đổ bộ cỡ trung bình và tàu đổ bộ xe tăng, cùng gần 200 thuyền đổ bộ. Giới quân sự cho rằng, Trung Quốc có đủ khả năng vận chuyển hơn 300 tiểu đoàn bộ binh và cơ giới (xe tăng và bộ binh cơ giới), tương đương với khoảng 24 sư đoàn.

Mối quan ngại của Mỹ

Ngày 18-3, Hãng PTI dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (khi phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện) cho rằng, quan hệ Mỹ – Trung đang phức tạp và còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, trong đó có Biển Đông và sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford cũng cho rằng, Trung Quốc mở rộng sự hiện diện tại châu Á làm gia tăng nguy cơ “tính toán sai lầm”.

Cũng phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Phó tổng tham mưu trưởng không quân Mỹ, tướng David Goldfein khuyến cáo, không quân Mỹ đang bị đánh giá yếu nhất trong lịch sử, cả về quy mô, tuổi đời của máy bay, cũng như sự sẵn sàng chiến đấu.

“Chúng ta chỉ có 55 phi đội chiến đấu cơ và quy mô tất cả quân đội đã nhỏ đi 33%, xuống con 660.000 người, tuổi trung bình của máy bay là 27, trong khi chưa đến một nửa lực lượng không quân sẵn sàng cho các chiến dịch quy mô lớn và tổng lực”, tướng David Goldfein nhấn mạnh.

Theo ông David Goldfein, sự suy yếu tại thời điểm hiện nay là vô cùng nguy hiểm bởi Mỹ đang có nhiều căng thẳng với Trung Quốc, đối đầu với Nga ở Đông Âu, Syria… Tướng David Goldfein còn cho rằng, với ngân sách năm 2017, không quân Mỹ sẽ phải cân bằng giữa yêu cầu nhiệm vụ quốc tế và giới hạn nguồn lực.

Trong khi đó, trang Sputniknews.com cho biết, ngày 16-3, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo, hải quân nước này đã chi 1,3 tỉ USD để bảo dưỡng và hiện đại hóa tàu chiến với 3 xưởng đóng tàu tại San Diego do Hãng General Dynamics, Tập đoàn quốc phòng BAE Systems và Hãng Continental Marine điều hành. Và công tác này dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4-2021.

Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Kurt Campbell cũng có nhận định giống Đô đốc John Richardson. Tờ Washington Post cũng vừa phỏng vấn ông Kurt Campbell, trong đó cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, cuộc đối đầu Mỹ – Trung ở Biển Đông đã bắt đầu từ 3 năm trước khi Bắc Kinh xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, triển khai radar và tên lửa tại đây.

Đồng thời cho rằng, cuộc đối đầu này đang ngày càng trở nên căng thẳng khi Bắc Kinh không giữ lời hứa của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Nhà Trắng hồi tháng 9-2015 về việc không quân sự hóa Biển Đông. Ông Kurt Campell cũng cảnh báo, dù kế hoạch đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông có thế nào thì Mỹ cũng phải thận trọng bởi Biển Đông không phải là Trân Châu Cảng.

Theo ông Kurt Campell, hướng đi thông minh nhất của Mỹ là hợp tác với các nước Đông Nam Á thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi đó, Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nhận định, nếu Washington đánh mất quyền tiếp cận vùng biển quốc tế mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, sẽ gây ra những tác động sâu rộng không chỉ về vấn đề quân sự.

Tờ Washington Post (Mỹ) và tờ Independent (Anh) vừa dẫn thông tin từ trang web Trung Quốc Vô Giới (có chủ là Tập đoàn Truyền thông SEEC, Alibaba và chính quyền khu tự trị Tân Cương) đăng bức thư kêu gọi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình từ chức “vì tương lai và vì nhân dân Trung Quốc”.

Bức thư được ký bởi “các đảng viên Cộng sản trung thành”, đã phê phán ông Tập Cập Bình “từ bỏ nguyên tắc lãnh đạo tập thể”, thu vén quyền lực và “nuông chiều bọn nịnh bợ”. Bức thư kể trên sau đó đã bị gỡ xuống, nhưng Washington Post vẫn tìm thấy bản ẩn của Vô Giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới