Trao đổi với phóng viên Báo điện tử PetroTimes, ông Nguyễn Văn Tốn – TGĐ Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco) khẳng định đã chọn nhà thầu đáp ứng được yếu tố kỹ thuật và quá trình đấu thầu được thực hiện nghiêm túc.
Liên quan đến việc nhà thầu Trung Quốc trúng thầu đường ống nước Sông Đà số 2, sáng 23/3, phóng viên Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tốn – TGĐ Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex.
Theo lời ông Tốn, việc lựa chọn nhà thầu có uy tín, kinh nghiệm được xác định từ khi bắt đầu lập dự án nước Sông Đà giai đoạn 2. Dự kiến trong tuần này sẽ ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu. Thời gian dự kiến hoàn thành dự án là 180 ngày. Tổng mức đầu tư cho hạng mục này khoảng 1.200 tỷ đồng, nguồn vốn vay thương mại và vốn tự có của công ty.
Về những “lùm xùm” xảy ra tại dự án đường ống nước sông Đà số 1, ông Tốn xin phép không đề cập vì cơ quan điều tra đang làm việc…
“Về mặt kỹ thuật, các loại ống vẫn thường sử dụng đều có ưu nhược điểm và đã được kiểm nghiệm chất lượng. Yếu tố thứ hai là loại ống đó đã sử dụng ở Việt Nam. Khi thi công, lắp đặt phải dễ dàng, yếu tố cuối cùng là về kinh tế. Chúng tôi chọn loại ống gang vì đây là vật liệu kỹ thuật tốt và dễ lắp đặt, đã được sử dụng ở Việt Nam rất nhiều. Các công trình nước sạch đa số sử dụng ống gang” – ông Tốn nói.
Khi được hỏi đơn vị nào đã tư vấn cho Công ty chọn loại ống này và Vinaconex có tham khảo ý kiến Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng Việt Nam hay không? Ông Tốn nói: “Đơn vị tư vấn chọn loại ống gang là công ty Thiết kế cấp thoát nước Việt Nam, họ đã làm việc với Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng Việt Nam.
Công nghệ ống gang có từ thời Pháp, ngay từ khi lập gói thầu đã quyết định là chọn ống gang. Theo ông Tốn, ống gang ít xảy ra sự cố, ở Việt Nam hầu như là không có. Ống bê tông thì nặng. Ống thép sẽ bị ăn mòn, hơn nữa khi hàn mối hàn ở ngoài công trường rất khó. Còn ống gang thì lắp ráp nhanh”.
Về phần đấu thấu, ông Tốn khẳng định đã thuê một công ty thuộc trường Đại học Xây dựng lập hồ sơ mời thầu, sau đó lại thuê một đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng làm hồ sơ mời thầu rồi mới đến quá trình chấm thầu.
“Chúng tôi thành lập tổ chấm thầu theo đúng quy trình, tổ chấm thầu có chuyên gia và cả người của mình. Trong quá trình mời thầu có 18 đơn vị mua hồ sơ nhưng khi nộp thì chỉ còn 4 đơn vị (1 nhà thầu của Pháp nhưng trụ sở công ty ở Trung Quốc, một nhà thầu ở Ấn Độ và 2 nhà thầu ở Trung Quốc). Theo luật quốc tế, một gói thầu phải có hai túi hồ sơ. Một túi về kỹ thuật, một về tài chính” – ông Tốn nói.
Về thứ tự chấm thầu, TGĐ Viwasupco cho biết sẽ chấm gói hồ sơ kỹ thuật trước, đơn vị nào đạt thì mới sang đến gói tài chính chứ không thể nói là vì đắt hay rẻ mà chọn nhà thầu ngay được.
Vinaconex thuê trung tâm hỗ trợ đấu thầu thẩm định lại quá trình đấu thầu xem có đúng theo quy định không.
Kết thúc quá trình chấm gói kỹ thuật, khi mở gói tài chính đơn vị chấm thầu có mời cơ quan báo chí, Công an đến chứng kiến để thể hiện quá trình đấu thầu là khách quan.
Về chất lượng ống gang, ông Tốn cho biết: Rút kinh nghiệm từ những lần làm trước sẽ nhập đường ống ở ngoài công trình để tránh trường hợp ống không đảm bảo. Khi nhập hàng về, mình thuê một công ty cắt mẫu để kiểm tra, nếu hàng đảm bảo thì lúc đó mới nghiệm thu, trả tiền.
Còn về mặt giám sát thi công, đại diện Vinaconex cho biết chủ đầu tư sẽ phải giám sát chung còn công ty được thuê giám sát sẽ chịu trách nhiệm trong quá trình thi công.
“Tất cả đều được quy định trong hợp đồng, khi hoàn thành xong mình giữ lại 10% và họ phát hành bảo hành 20% có nghĩa là mình giữ lại 30%.”