Gần đây, đoạn video “du khách Trung Quốc hốt tôm trong nhà hàng tự chọn ở Thái Lan” được chia sẻ rộng rãi trên mạng và đặc biệt gây chú ý. Nhiều người đặt vấn đề không biết có phải vì những du khách này sống trong một xã hội quá thiếu thốn vật chất hay không?
Từ hình ảnh trong video “đại chiến ẩm thực” của du khách Trung Quốc trong nhà hàng tự chọn ở Thái Lan cho thấy, ý thức trách nhiệm cộng đồng của người Trung Quốc hiện nay suy thoái khủng khiếp thế nào. Đáng bàn là sau khi những du khách này ăn xong và bỏ đi thì trên bàn ăn của họ còn lại đầy đồ ăn thừa, tình cảnh làm nhiều người Thái Lan không khỏi ngán ngẩm.
Khu kinh doanh thuế King Power ở Thái Lan đã xác nhận, sự kiện này xảy ra tại nhà hàng Ramayana, khu ăn tự chọn, nhưng đã xảy ra cách đây khoảng hơn một năm.
Một phụ nữ ở Trung Quốc cho biết, chị đi cùng đoàn đến Bangkok, điểm dừng chân cuối cùng là các cửa hàng miễn thuế của Hoàng gia Thái Lan, vì thế cũng được đưa đến nhà hàng này ăn tối.
Đoạn video này cho đến nay còn làm nhiều người Trung Quốc cảm thấy xấu hổ. Những tranh luận về sự kiện “xúc tôm” của du khách Trung Quốc ở Thái Lan ngày càng nóng, có học giả bình luận, hành vi chụp giựt tôm phản ánh tình trạng cạn kiệt về văn hóa tinh thần “chia sẻ” trong xã hội Trung Quốc ngày nay.
Ông Trần Phá Không, nhà văn Trung Quốc đã di cư đến Mỹ bình luận: “Hình ảnh người Trung Quốc sống tại Đại Lục ngày càng xấu xí trước con mắt bạn bè quốc tế, nguyên nhân chính là do thể chế mà ra. Thể chế này làm đẩy lùi các giá trị của xã hội văn minh, không chỉ cản trở mà còn gây nguy hại đối với xây dựng và phát triển nhân cách con người”.
Bài viết “Tại sao du khách thấy tôm to Thái Lan thì mất ý thức về tính trật tự” đăng trên truyền thông Trung Quốc đã bình luận rằng, một trong những nguyên nhân xảy ra thảm họa này là do hiện nay đa số người Trung Quốc không tin “tuân thủ trật tự sẽ mang lại công bằng cho họ”, rõ ràng nguyên nhân gây ra thảm cảnh này bắt nguồn từ tình trạng bất công xảy ra rộng khắp trong xã hội Trung Quốc.
Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc là Chương Thiên Lương cho biết: Thực tế, luật pháp của các quốc gia đều bắt nguồn từ một hệ thống niềm tin. Ví dụ như Trung Quốc cổ đại dựa trên nền tảng tiêu chuẩn thiện ác theo Nho giáo để đánh giá một vấn đề nào là đúng hay sai, từ đó chế định pháp luật. Sau năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện “Cách mạng Văn hóa”, hủy hoại văn hóa truyền thống Trung Quốc với tiêu chuẩn đo lường đạo đức cao. Còn chế định ra pháp luật dựa trên thuyết vô thần khiến người Trung Quốc không còn tín ngưỡng, làm xã hội Trung Quốc biến thành một xã hội bạo lực, khi dục vọng bị thả cửa thì mọi quy tắc bị phá hoại, làm việc ác không cần sợ có báo ứng.
Có bình luận cho rằng, tinh thần nhường nhịn chia sẻ của người Trung Quốc ngày càng hiếm hoi, chỉ khi nào khôi phục được văn hóa truyền thống “Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín” thì mới có hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn ở Trung Quốc Đại Lục.