Nếu Indonesia thực sự không có biện pháp cứng rắn đối phó chỉ vì muốn bảo vệ quyền lợi hẹp hòi của riêng mình, Bắc Kinh sẽ được đằng chân, lân đằng đầu.
Aaron L. Connelly, một nhà nghiên cứu Đông Á tại Viện Lowy ngày 21/3 có bài bình luận trên cổng thông tin tư liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) Hoa Kỳ về Biển Đông.
Theo ông, cuộc đối đầu giữa tàu thực thi pháp luật Indonesia với tàu Cảnh sát biển Trung Quốc ngay trong vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Natuna, Indonesia phía Nam Biển Đông hôm Chủ Nhật 20/3 có thể đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách của Jakarta.
Tổng thống Indonesia ông Joko Widodo có lẽ đã tới lúc phải lựa chọn một trong hai yếu tố làm chính sách đối ngoại ưu tiên hàng đầu: Thu hút đầu tư từ Trung Quốc để tài trợ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của mình, hoặc bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Natuna, chống lại các hoạt động bành trướng của Trung Quốc.
Từ lâu chính quyền Indonesia đã tìm cách tránh phải lựa chọn một trong hai điều này, nhưng các hành động gần đây của Cảnh sát biển Trung Quốc đã chạm đến giới hạn mà các quan chức chính phủ Indonesia thực sự lo ngại: Đường lưỡi bò Trung Quốc trực tiếp “gặm” vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Ngày 20/3 một tàu tuần tra, kiểm ngư của Indonesia đã bắt giữ một tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Natuna. Các quan chức Trung Quốc không phủ nhận điều này, và nói rằng tàu cá đó đang đánh bắt trong “ngư trường truyền thống của Trung Quốc”.
Nghiêm trọng hơn, trên đường lai dắt tàu cá này về bờ xử lý, một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã tông vào tàu kiểm ngư Indonesia để giải cứu tàu cá vi phạm. 8 ngư dân trên tàu cá này vẫn bị phía Indonesia bắt giữ và tuyên bố sẽ đưa ra truy tố trước tòa theo luật pháp nước mình.
Bắc Kinh vẫn luôn nói rằng chủ quyền quần đảo Natuna thuộc Indonesia và không tranh chấp gì, nhưng một phần vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo này nằm trong đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra năm 1947.
Khi Trung Quốc thúc đẩy mạnh hơn việc hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò bành trướng, lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc thỉnh thoảng lại quấy rối lực lượng chức năng Philippines ở bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Natuna và bảo kê cho các hoạt động đánh bắt trộm của tàu cá Trung Quốc.
Trong năm 2010, Indonesia đã yêu cầu Trung Quốc làm rõ bản chất yêu sách đường lưỡi bò, nhưng Trung Quốc lặng thinh. Trong khi Bộ Ngoại giao Indonesia chờ đợi câu trả lời từ Bắc Kinh, các thành viên khác của Nội các đã không khoanh tay ngồi chờ.
Bộ trưởng Bộ Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti, người quyết liệt nhất trong việc chống lại các hành vi bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: SCMP. |
Những thành viên phản đối hành vi bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông dưới sự dẫn dắt của Bộ trưởng Thủy sản Susi Pudjiastuti đã thúc đẩy các hoạt động tuần tra, truy quét và xử lý các tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia yêu sách. Trong khi đó, quân đội Indonesia tăng cường phòng thủ trên các căn cứ ở Natuna.
Tuy nhiên, những thành viên khác còn lại trong Nội các cũng kiềm chế bà Susi Pudjiastuti khi xử lý các tàu cá Trung Quốc vi phạm. Một tàu cá Trung Quốc đã bị nhà chức trách Indonesia “lặng lẽ đánh chìm”, các đồng nghiệp đã ngăn cản bà Pudjiastuti cung cấp ảnh đánh đắm tàu cá Trung Quốc vi phạm cho báo giới, vì lo sợ phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh.
Cảm nhận được cơ hội của mình đã đến sau cuộc đối đầu, can thiệp thô bạo của tàu Cảnh sát biển Trung Quốc hôm 20/3, bà Susi Pudjiastuti đã nhanh chóng tổ chức cuộc họp báo quốc tế lên án hành vi ngạo mạn của Trung Quốc, xâm phạm quyền chủ quyền của Indonesia.
Thậm chí bà Susi Pudjiastuti còn tuyên bố sẽ triệu kiến Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta, một đặc quyền dường như chỉ dành riêng cho Bộ Ngoại giao. Cũng chính bà Susi Pudjiastuti tuyên bố với báo giới, Indonesia sẽ xem xét kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển về hành vi vi phạm này.
Không chịu kém đồng nghiệp, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã triệu tập đại diện đại sứ quán Trung Quốc ngày hôm sau để phản đối Bắc Kinh phá hoại các nỗ lực hòa giải Biển Đông của Jakarta.
Trước những hành động leo thang hiện thực hóa đường lưỡi bò bành trướng từ phía Trung Quốc, nếu Indonesia thực sự không có biện pháp cứng rắn đối phó chỉ vì muốn bảo vệ quyền lợi hẹp hòi của riêng mình, Bắc Kinh sẽ được đằng chân, lân đằng đầu.
Nếu chỉ vì những khoản cam kết cho vay hay đầu tư từ Trung Quốc mà Jakarta chấp nhận im lặng hay phớt lờ thực tế Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông, leo thang quân sự hóa, và bây giờ trực tiếp thách thức quyền chủ quyền, quyền tài phán của Indonesia ở Natuna, thì cái giá phải trả sẽ khó đo được bằng tiền.
Cá nhân người viết cho rằng, vay Trung Quốc, vay Nhật Bản hay Hoa Kỳ thì cũng là đi vay, và có vay là có trả. Mặt khác, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại Indonesia là hoạt động kinh tế sinh lời đối với các nhà thầu, do đó không nước này đầu tư thì còn nước khác.
Nhưng một khi quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình bị Trung Quốc thoải mái xâm phạm mà vẫn phải ngậm bồ hòn, không vấp phải lực cản nào đáng kể, những cái giá mà Indonesia phải trả sẽ không thể lường hết được.