Căng thẳng với Jakarta về vụ Indonesia bắt tàu Trung Quốc đánh cá trái phép đang khiến Bắc Kinh “mất đi người bạn duy nhất ở Biển Đông”, tờ Business Insider (Mỹ) bình luận.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc
Trung Quốc gây hấn với “người bạn duy nhất” ở biển Đông
Chính phủ Indonesia thông báo, nhà chức trách nước này hôm 19/3 đã bắt giữ 2 tàu Trung Quốc đánh cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế ở quần đảo Natuna, Indonesia.
Trong khi đó, phía Trung Quốc tuyên bố vùng biển xảy ra vụ bắt giữ thuộc “lãnh hải Trung Quốc” do nằm bên trong “đường chín đoạn” – cái mà Bắc Kinh gọi là “biên giới trên biển” để đưa ra tuyên bố chủ quyền phi lý và không được thừa nhận trên biển Đông.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng địa điểm trên là “khu vực đánh cá truyền thống của Trung Quốc”, nhưng không lý giải được “truyền thống” này tồn tại từ khi nào.
Thứ trưởng Bộ Điều phối hàng hải và Tài nguyên biển Indonesia Arif Havas Oegroseno bác bỏ khẳng định của Trung Quốc và nhấn mạnh “đó là điều bịa đặt”.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã dựa vào cơ sở này để cho tàu hải cảnh tấn công ngăn cản phía Indonesia bắt giữ các tàu cá.
Vụ xích mích đã khiến căng thẳng Bắc Kinh-Jakarta leo thang chưa từng thấy. Tờ Business Insider (Mỹ) bình luận, Trung Quốc vừa gây hấn với “người bạn duy nhất” của mình ở biển Đông, Indonesia – quốc gia không tham dự vào vấn đề tranh chấp trên biển Đông.
Sự kiện hôm 19/3 đã làm co chiến lược gia tăng thái độ cứng rắn của Trung Quốc trên biển Đông trở nên phức tạp hơn.
Theo tờ này, giữa Indonesia và Trung Quốc trước đó không phát sinh xung đột nào liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. Thực tế này cũng khiến tính chất vụ xung đột mới đây trở nên nghiêm trọng hơn.
Jakarta đanh thép cáo buộc Trung Quốc “xâm phạm chủ quyền lãnh hải Indonesia”, đồng thời từ chối yêu cầu thả 8 thuyền viên Trung Quốc bị bắt giữ và khẳng định sẽ khởi tố nhóm người này.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. (Ảnh: Reuters)
Dấu hiệu Bắc Kinh sẽ tăng tốc quân sự hóa?
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh, nước này không can thiệp vào tranh chấp biển Đông và “hy vọng điều tra ngọn ngành vụ việc”.
Business Insider cho rằng, mặc dù bà Marsudi vẫn tỏ thái độ cho thấy Indonesia sẽ nỗ lực hòa giải với Trung Quốc, nhưng vụ xích mích lần này nhiều khả năng sẽ đẩy căng thẳng hai nước leo thang.
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) nhận định, tình hình hiện tại cũng khiến Indonesia rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Jakarta, đồng thời là nhà đầu tư hàng đầu vào hệ thống cơ sở hạ tầng của nước này.
Ngược lại, Indonesia là mắt xích trọng yếu trong chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, một phần của sáng kiến “một vành đai, một con đường” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.
Do mối quan hệ lợi ích hài hòa và ít liên quan đến mâu thuẫn trên biển Đông như vậy, nên chính Indonesia cũng hy vọng duy trì quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, sự việc hôm 19 đang cho thấy những dấu hiệu mới trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc, thúc đẩy Jakarta công khai thông tin về vụ xung đột bởi nhận ra tính nghiêm trọng của nó.
Theo Bloomberg, Indonesia lần này đã có thái độ kiên quyết, bất chấp các quan chức ngoại giao phía Trung Quốc đã xuống nước bằng đề nghị “đừng cung cấp thông tin cho báo chí, hai nước vẫn là bạn của nhau”.
Cùng với việc đẩy quan hệ với thêm một quốc gia Đông Nam Á đến “bờ vực”, Trung Quốc đang tăng tốc trong mưu đồ quân sự hóa biển Đông, hãng tin của Mỹ nhận xét.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) sẽ không để Trung Quốc “lấn lướt” Indonesia? (Ảnh minh họa: Getty Images)
Trung Quốc đã thua Mỹ vì chính sách bành trướng của chính mình
Tạp chí Foreign Affairs (Mỹ) bình luận, tìm kiếm thế cân bằng chiến lược là xu thế phát triển tự nhiên của địa chính trị quốc tế. Mỹ nỗ lực cân bằng chính trị ở khu vực biển Đông, còn Trung Quốc muốn cân bằng về quân sự.
Mặc dù Trung Quốc đang tỏ ra mình là kẻ thắng thế bằng những hành động ngang ngược, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, nhưng chính sách của họ cũng đồng thời đẩy các nước ASEAN đến gần hơn với Mỹ, Australia, Nhật Bản.
Trong 7 năm tiến hành chiến lược “xoay trục châu Á-Thái Bình Dương”, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đầu tư rất nhiều để phát triển quan hệ ngoại giao toàn diện với các nước thành viên ASEAN.
Theo Foreign Affairs, Washington đã nâng cấp quan hệ với ASEAN và sát cánh cùng ASEAN trong vấn đề biển Đông qua các hoạt động tuần tra biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải.
Hoạt động đầu tư chính trị đã đem lại thành quả tốt khi mối quan hệ Mỹ-ASEAN giai đoạn gần đây “tốt đẹp hơn bao giờ hết”, tạp chí Mỹ nhận xét.
Thành công của Mỹ cũng đến từ việc các nước ASEAN đang chuyển biến thái độ và lo ngại nghiêm túc về vấn đề an ninh hàng hải và việc thực thi nghiêm túc luật pháp quốc tế trên biển Đông, những lĩnh vực đang bị đe dọa bởi Trung Quốc.
Trong một số tuyên bố thời gian qua, ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về hoạt động bồi lấp, cải tạo đảo nhân tạo trái phép mà Bắc Kinh tiến hành ở biển Đông, cũng như sự đe dọa mà hoạt động phi pháp này tạo ra đối với an ninh khu vực.
Một số nước ASEAN có tranh chấp đã đơn phương đối đầu, công khai chỉ trích Bắc Kinh hành động quân sự hóa biển Đông.
Bên cạnh đó, vấn đề hạt nhân Triều Tiên diễn biến nghiêm trọng cũng giúp Mỹ giành thêm sự tín nhiệm từ đồng minh Hàn Quốc.
Washington và Seoul mới đây đã đạt được “thỏa thuận mang tính nguyên tắc” về việc bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc. Trung Quốc tiếp tục lên tiếng phản đối động thái này.
Theo Foreign Affairs, để đạt được những lợi ích dài hạn về quân sự của mình dù chưa thấy kết quả, nhưng Trung Quốc gần như đã thua Mỹ ở bình diện cân bằng chính trị.