Saturday, April 27, 2024
Trang chủQuân sự"Nhẹ nhàng" gửi Mỹ nguyên liệu chế 50 quả bom nguyên tử,...

“Nhẹ nhàng” gửi Mỹ nguyên liệu chế 50 quả bom nguyên tử, Nhật khiến TQ “hết hồn”

Tuyên bố hạt nhân mới đây từ một thành viên Nội các Nhật Bản được phía Trung Quốc đánh giá “không phải chỉ là nói chơi”.

(Ảnh minh họa: Huanqiu)

Hôm 18/3, Cục trưởng Cục pháp chế thuộc Nội các Nhật BảnYokohata Yusuke đã tuyên bố trước Thượng viện nước này rằng “Nhật Bản sử dụng vũ khí hạt nhân không vi phạm hiến pháp”.

Ông Yusuke nói: “[Việc sử dụng vũ lực] cần thiết để bảo vệ quốc gia đã bị hạt chế tới mức độ thấp nhất, nhưng tôi không cho rằng có bất kỳ hình thức sử dụng vũ khí hạt nhân nào bị cấm trong Hiến pháp Nhật Bản.”

Thiếu tướng về hưu Từ Quang Dụ, cố vấn cấp cao Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị Trung Quốc trả lời phỏng vấn tờ Nhân dân Nhật báo đánh giá, phát ngôn của ông Yusuke tuy hiếm thấy nhưng không lạ, thậm chí đại diện cho một luồng quan điểm ở Nhật Bản đã tồn tại từ lâu.

“Kể từ sau Thế chiến II, Tokyo vẫn không từ bỏ giấc mơ hạt nhân,”ông này nói.

Tại lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima tổ chức ngày 6/8/2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã “phá lệ” khi không nhắc đến “3 nguyên tắc không hạt nhân”, gồm không chế tạo, không sử hữu, không sử dụng vũ khí hạt nhân.

Theo Nhân dân Nhật báo, động thái trên đã gây nên thái độ quan ngại của các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh.

Tướng Từ Quang Dụ cáo buộc: “Hiện nay Nhật Bản đang chờ đợi cơ hội khi vấn đề hạt nhân Triều Tiên tiếp tục căng thẳng.”


Thiếu tướng Trung Quốc Từ Quang Dụ

Thiếu tướng Trung Quốc Từ Quang Dụ

Nhật Bản hoàn toàn đủ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân

Hồi tháng 10/2015, Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị Trung Quốc (CACDA) và Viện nghiên cứu kinh tế và thông tin công nghệ hạt nhân Trung Quốc đã tổ chức công bố “Báo cáo nghiên cứu vấn đề nguyên liệu hạt nhân Nhật Bản” tại thủ đô Bắc Kinh.

Báo cáo cho rằng, căn cứ theo định nghĩa “nguyên liệu hạt nhân có thể trực tiếp dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân” của Cơ quan năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Nhật Bản đang sở hữu 47.8 tấn plutonium, với 10.8 tấn ở trong nước.

Báo cáo của phía Trung Quốc còn cho rằng Nhật Bản có khoảng 1.2 tấn uranium đã làm giàu.

Hãng AP (Mỹ) cũng đưa ra con số tương tự khi cho hay, Nhật đã làm giàu được lượng plutonium đủ để chế tạo gần 6.000 quả bom nguyên tử.

Trong đó, 11 tấn plutonium ở Nhật và 36 tấn đang được tái xử lý ở Anh và Pháp, chờ đưa về Nhật.

Ông Trần Khải, Tổng thư ký CACDA, chỉ trích lượng nguyên liệu hạt nhân của Nhật Bản “mất cân bằng so với nhu cầu sử dụng” và cho rằng sẽ tạo thành rủi ro về phổ biến hạt nhân, an ninh hạt nhân…

Theo Từ Quang Dụ, các quốc gia trên thế giới có thể chia thành 3 loại: Các nước không sở hữu hạt nhân tin rằng vũ khí hạt nhân không mang lại lợi ích cho nhân loại.

Các nước “tiềm năng” sở hữu hạt nhân có đủ khả năng về nguyên liệu và công nghệ để chế tạo vũ khí hạt nhân. Ông Từ xếp Nhật Bản vào nhóm nước này.

Thứ ba là số ít các quốc gia đang sở hữu công nghệ hạt nhân cũng như vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Ông Từ cho biết, Trung Quốc cũng như nhiều nước trên thế giới hiểu rất rõ Nhật Bản hoàn toàn nắm trong tay công nghệ cũng như điều kiện để chế tạo vũ khí hạt nhân.


Tàu Pacific Heron (trái) và tàu Pacific Egret của Anh tới Nhật hôm 21/3 để vận chuyển 331kg plutonium sang Mỹ. (Ảnh:web.vdw.co.za)

Tàu Pacific Heron (trái) và tàu Pacific Egret của Anh tới Nhật hôm 21/3 để vận chuyển 331kg plutonium sang Mỹ. (Ảnh:web.vdw.co.za)

“Mỹ sẽ cản trở Nhật”

Nói về “gần 48 tấn plutonium có thể chế tạo vũ khí hạt nhân” của Nhật, James Acton, chuyên gia hạt nhân của Trung tâm Carnegie đánh giá trong bài diễn thuyết mới đây ở Tokyo, cho rằng số lượng nguyên liệu hạt nhân này có thể làm gia tăng căng thẳng ở châu Á.

Các quốc gia khác trong khu vực có thể sẽ “học tập” Nhật Bản và tích trữ nguyên liệu hạt nhân.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã bày tỏ mối lo ngại của Bắc Kinh trước “mối đe dọa tiềm tàng về an ninh hạt nhân và rủi ro phổ biến hạt nhân từ lượng nguyên liệu của Nhật Bản”, đồng thời đòi hỏi Tokyo “có hành động thiết thực để giải quyết lo ngại của quốc tế”.

Tuy nhiên, tướng Từ Quang Dụ cho rằng, với sự ràng buộc của hàng loạt trình tự pháp luật, cộng với vai trò thành viên trong Hiệp ước không phổ biến hạt nhân, Nhật Bản khó có thể tiến tới chế tạo hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ông Từ nhận định, Mỹ sẽ duy trì kiểm soát đối với Nhật Bản để ngăn các ý định hạt nhân trong tương lai của Tokyo.

“Mặc dù Mỹ không ngăn cản Nhật Bản trong các động thái như dỡ bỏ quyền tự vệ tập thể, sửa đổi hiến pháp… nhưng sở hữu hạt nhân là một ‘ranh giới đỏ’ mà Washington không cho phép,” ông này bình luận.

Trang Sohu (Trung Quốc) ngày 23/3 phân tích, trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào mùa hè này, chính quyền của Thủ tướng Abe đang nhắm tới mục tiêu sửa đổi hiến pháp.

Việc Tokyo bị đánh giá là “có ý định phát triển vũ khí hạt nhân” trong thời điểm này có thể sẽ gây ra trở ngại đối với mục tiêu trên.

Hãng AP hôm 22/3 đưa tin, hai tàu chiến của Anh đã tới làng duyên hải Tokai, phía đông bắc Tokyo, nơi có Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật vào ngày 21/3 để vận chuyển 331kg plutonium – số nguyên liệu đủ sản xuất 50 quả bom nguyên tử – sang Mỹ.

Hoạt động này tiến hành theo cam kết của Nhật năm 2014. Số nguyên liệu hạt nhân cũng được nước này sử dụng cho mục đích nghiên cứu.

Các tàu sẽ vận chuyển số plutonium trên tới Savannah River Site – cơ sở của chính phủ Mỹ ở bang South Carolina.

Theo Sohu, việc chuyển giao nguyên liệu hạt nhân về Mỹ là động thái “bắn tín hiệu” đến thế giới rằng Tokyo vẫn kiên định với “3 nguyên tắc không hạt nhân”, tránh gây ra hiểu lầm về chính trị.

Tuy nhiên, động thái này không hề làm truyền thông Trung Quốc bớt lo ngại. Báo chí nước này tuyên bố 331kg plutonium chỉ là “muối bỏ bể” và yêu cầu Tokyo “xử lý số nguyên liệu hạt nhân sẵn có, cũng như cam kết không gia tăng”.

RELATED ARTICLES

Tin mới