Monday, January 6, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTự sát trở thành trào lưu gây rúng động chính trường TQ

Tự sát trở thành trào lưu gây rúng động chính trường TQ

“Thà gặp Diêm Vương, đừng gặp Bí thư Vương” là câu nói ở Trung Quốc khi hình dung trào lưu tự sát của quan chức nước này tăng mạnh kể từ chiến dịch “đả hổ” của Tập Cận Bình.

Trào lưu tự sát “gây bão” quan trường Trung Quốc

Những năm gần đây, khi chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) Vương Kỳ Sơn ngày càng tỏ ra uy lực thì số vụ tự sát của quan chức nước này cũng gia tăng.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) thống kê, tỷ lệ tự sát của quan chức Trung Quốc còn cao hơn cả tỷ lệ tự sát của tổng số dân trung bình trong một thị trấn ở Trung Quốc khoảng 30%.

Tờ Fiancial Times (Anh) cho biết, quan chức Trung Quốc chết vì tự sát trong 3 năm 2012, 2013 và 2014 lần lượt là 12, 7 và 39 người. 2014 là năm số vụ tự sát của các quan chức Trung Quốc tăng đột biến.

Theo thống kê chưa đầy đủ của trang tin Tin tức tài chính (Trung Quốc), số lượng quan chức tự sát trong giai đoạn từ năm 2015 đến đầu 2016 lên đến hai con số.


Cú bắt tay của Tập Cận Bình với trùm an ninh Vương Kỳ Sơn (trái) đã khiến các tham quan Trung Quốc chao đảo. Ảnh: Getty Images

Cú bắt tay của Tập Cận Bình với “trùm an ninh” Vương Kỳ Sơn (trái) đã khiến các tham quan Trung Quốc chao đảo. Ảnh: Getty Images

Có bình luận cho rằng, tình trạng tham quan Trung Quốc tự sát đã trở thành một trào lưu. Điều này chứng tỏ chính sách chống tham nhũng trong ván bài thâu tóm quyền lực của ông Tập đã tạo ra sự sợ hãi rất lớn trong giới quan chức.

Thông thường, các cán bộ Trung Quốc khi đã vi phạm kỷ luật, họ sẽ có vài phương án: Chủ động tự thú, “sống trong sợ hãi” hoặc tự sát để không lọt vào tay CCDI.

Giới truyền thông cho rằng, điều này hoàn toàn phù hợp với khẩu hiệu “Không động tay thì thôi, động tay ắt sẽ bị bắt” của ông Tập đã nêu ra tại phiên họp lần thứ 3 Hội nghị CCDI vào tháng 1/2014.

Mới đây nhất là vụ tự sát tại nhà riêng vào ngày 24/3 vừa qua của cựu Bí thư đảng ủy, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn gang thép khu vực Đông Bắc, Trung Quốc, Dương Hoa.

Trước đó 2 ngày là vụ nhảy lầu tự sát của cựu Phó thị trưởng thành phố Thâm Quyến, Trần Ứng Xuân đã khơi lại nỗi ám ảnh về trào lưu tự sát của quan chức Trung Quốc trong 2 năm qua.

Trước đây, cựu Bí thư thành ủy Nam Kinh, Giang Tô Dương Vệ Trạch khi bị bắt cũng có ý định tự sát.

Cụ thể, sau khi kết thúc cuộc họp tại thành ủy Nam Kinh vào tháng 1/2015, Dương nhận được cuộc điện thoại mời tham gia tiếp cuộc họp đảng bộ tại tỉnh ủy Giang Tô.

Trước khi đi, ông này đã gọi điện cho những lãnh đạo khác để xác nhận cuộc họp. Sau đó, người ta thấy ông ngồi im lặng, bần thần hút thuốc lá trong 15 phút liền.

Cuối cùng, khi đến dự cuộc họp và nhìn thấy các nhân viên của CCDI, Dương ngay lập tức chạy ra phía cửa sổ với ý định nhảy lầu nhưng bị giữ lại.

Khi đó, mạng xã hội Trung Quốc rầm rộ chia sẻ hình ảnh Dương Vệ Trạch đeo khẩu trang che mặt, bị 6 nhân viên CCDI áp giải tại một ga tàu hỏa.

Ngay sau khi ông này bị bắt thì những người bên cạnh ông như thư ký, vợ con thậm chí cả bồ nhí cũng bị “hỏi thăm”.

Theo China Daily, ngày 13/112014, Phó Chính ủy Hải quân Trung Quốc Mã Phát Tường đã tự sát bằng cách nhảy lầu từ tầng 15 trụ sở Hải quân ở Bắc Kinh. Trong cùng tháng, ít nhất 2 quan chức cấp cao khác cũng quyết định tự vẫn.

Cá biệt, theo báo Thanh niên Trung Quốc, có trường hợp 4 cán bộ Cục Tài nguyên huyện Dĩnh Thượng, tỉnh An Huy sau khi tham gia cuộc nhậu với một doanh nghiệp trong huyện đều đã về nhà nhảy lầu tự sát ngay sau đó.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương đến nay vẫn chưa công bố nguyên nhân cái chết của các ông này.

Đặc biệt hơn, có trường hợp nhận hối lộ, bị truy nã, bỏ trốn gây tai nạn dẫn đến tử vong như trường hợp của cựu Cục trưởng Cục Công nghiệp và thông tin Hà Bắc, Thôi Sơn Lâm.

Vào tháng 6/2013, sau khi bị truy nã vì nhận hối lộ hơn 10 triệu NDT, Thôi đã thuê xe chạy trốn. Đi được nửa đường, ông này bất ngờ nhảy ra khỏi xe dẫn đến tử vong.


Hình ảnh trong cuốn truyện tranh Đả hổ gây sốt trên thị trường Trung Quốc vào dịp tết Âm lịch 2015.

Hình ảnh trong cuốn truyện tranh “Đả hổ” gây sốt trên thị trường Trung Quốc vào dịp tết Âm lịch 2015.

Ngoài ra, có thể kế đến một loạt những vụ tự sát liên tiếp của các quan chức Trung Quốc trong năm 2014.

Trong 4 ngày liên tiếp, từ 7 đến 10/7/2014, đã có 4 quan chức tự sát: cựu Viện trưởng Tòa án huyện Hà Nguyên, Chung Tuấn Vũ (7/7); cựu Cục trưởng Cục Y tế quận Bình Kiểu, Tín Dương, Hà Nam, Trương Bách Thành (8/7); cựu Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Nhân đại thành phố Lý Cảm, Hồ Bắc, Lý Hải Hoa (9/7) và cựu Phó cục trưởng Cục Tài Chính thành phố Thanh Viễn, Quảng Đông, La Lương Phẩm (10/7).

Tuy nhiên, tự sát không phải là hành vi phản kháng duy nhất của các quan chức Trung Quốc khi đối diện với CCDI.

Họ có thể sợ hãi đến nỗi ngã quỵ, cần thêm 4 nhân viên CCDI dìu đi như cựu Phó bí thư khu tự trị dân tộc Di, Sở Hùng, Vân Nam, Dương Hồng Vệ.

Hoặc “tỉnh táo” hơn như cựu Phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, Lý Xuân Thành. Trên đường áp giải, ông này đã mượn cớ đi toilet hòng bẻ sim điện thoại, nhằm phi tang vật chứng nhưng bất thành.

Tự sát không phải do sợ chết bởi chết còn “tốt” hơn sống

Tự sát trở thành nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những cái chết bất minh của quan chức Trung Quốc. Hình thức tự sát được các quan lựa chọn nhiều nhất vẫn là nhảy lầu hoặc dùng súng.

Trang Đa chiều (Mỹ) cho hay, dư luận Trung Quốc đến nay vẫn tự hỏi không biết từ khi nào, tự sát là là “bến đỗ cuối con đường” của các quan chức nước này. Việc cán bộ tự tử từ lâu đã không còn là chuyện lạ ở đất nước đông dân nhất thế giới này.

Do tính đặc thù nên thông tin quan chức tự sát sẽ khiến dư luận liên tưởng đến tham nhũng. Nhưng các thông báo của nhà chức trách Trung Quốc đưa ra đa phần đều là nguyên nhân bệnh tâm lý như trầm cảm dẫn đến tự sát.

Ví như trường hợp Tổng giám đốc doanh nghiệp đường sắt Trung Quốc Bạch Trung Nhân tự sát tại nhà riêng vào tháng 1/2014.

Đây là vụ tự vẫn thứ 4 trong chuỗi án tham nhũng của ngành đường sắt Trung Quốc sau vụ án của cựu Bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân.


Bạch Trung Nhân. Ảnh: Huaien

Bạch Trung Nhân. Ảnh: Huaien

Thông tin từ gia đình và đồng nghiệp Bạch Trung Nhân cho hay ông này do trầm cảm vì áp lực nợ quá lớn nên dẫn đến hành động nhảy lầu tự sát.

Theo Báo Đô thị Tam Tương (Hồ Nam,Trung Quốc), khi trả lời câu hỏi “Vì sao tham quan lại tự sát?”, một cán bộ tư pháp thành phố Trùng Khánh (giấu tên) đã trả lời: “Thường có hai khả năng xảy ra, một là không thể sống tiếp, hai là chết còn ‘tốt’ hơn sống”.

Người này cho rằng, đối với tham quan, tự sát là một sự giải thoát.

“Thà gặp Diêm Vương, đừng gặp Bí thư Vương”

“Thà gặp Diêm Vương, đừng gặp Bí thư Vương” là câu nói được rỉ tai nhiều nhất trong hệ thống quan chức Trung Quốc.

Bí thư Vương ở đây chính là ông Vương Kỳ Sơn, “bàn tay sắt” đắc lực của ông Tập Cận Bình trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Dư luận Trung Quốc đã đặt ra rất nhiều nghi vấn quanh các vụ tự sát của các quan chức này. Liệu các ông này tự sát do bệnh lý hay sợ tội khi đối mặt với CCDI? Và tại sao họ thà rút súng hoặc nhảy lầu còn hơn rơi vào tay CCDI?

Trang Phượng Hoàng (Trung Quốc) dẫn lời của Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc gia, giáo sư Học viện Kinh tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc Nhiếp Huy Hoa để lý giải thắc mắc trên.

Theo ông Nhiếp, quan chức Trung Quốc chấp nhận cái chết có thể được tổng kết bằng ba lý do sau:

Thứ nhất, phi tang bằng chứng, bảo vệ phe cánh. Do pháp luật và chính sách chống tham nhũng của Trung Quốc ngày càng được thắt chặt, một quan chức muốn tham nhũng mà không bị bắt thường rất khó xảy ra.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã hình thành nên khái niệm “tập đoàn tham nhũng”, “gia tộc tham nhũng”. Trong cả một bộ máy dây chuyền tham nhũng, kẻ chóp bu sẽ khó bị bắt nhất bởi quyền lực càng lớn thì khả năng che đậy cũng lớn.

Nếu CCDI muốn điều tra đều chỉ có thể bắt đầu từ những tình tiết nhỏ lẻ. Căn cứ theo Bộ luật Hình pháp Trung Quốc, nếu đương sự vụ án đã chết, cơ quan thi hành án sẽ không tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự của đương sự đó nên vụ án sẽ bị hủy bỏ.

Do đó, chỉ cần một mắt xích trong dây chuyền tham nhũng tự sát hoặc bị ám sát, ngay lập tức sẽ vụ án sẽ bị gián đoạn, vì thế nên chỉ “đập chết ruồi” mà “sổng hổ lớn”.

Một tham quan tự sát, các tham quan khác trong đường dây sẽ được lọt lưới. Đây chính là hình thức “thí tốt giữ xe”.

Thứ hai, bảo vệ lợi ích của người thân. Tham quan tự sát đương nhiên người thân họ sẽ đau khổ nhưng tự sát lại là cách để họ bảo vệ thân nhân.

Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc người chết rất được coi trọng nên dù cho người chết là tham quan thì dư luận cũng sẽ “thương tình mà bỏ quá cho”. Nếu nhà chức trách muốn điều tra đến cùng thì sẽ vấp rào cản “hợp lý mà không hợp tình”.

Phượng Hoàng dẫn lời của Chủ nhiệm phòng Nghiên cứu hành chính công, Học viện Hành pháp quốc gia Trung Quốc, Trúc Lập Gia: “Một quan chức chết là hết, làm thế nào truy cứu trách nhiệm của người thân, bạn bè họ? Tốt nhất là… bỏ qua!”.

Điều này có nghĩa, nếu sinh thời, tham quan có để lại tài sản cho con cái hoặc dùng danh nghĩa người thân để gửi tài khoản ngân hàng thì cơ quan tư pháp cũng sẽ khó thu hồi số tài sản phi pháp này.

Thậm chí, nếu quan tham chết thì những tội danh liên quan của người thân họ cũng sẽ được xem xét bỏ qua do lo sợ lại dẫn đến án mạng, khó “thu dọn tàn cục”.


Cựu Bí thư thành ủy Quảng Châu, Vạn Khánh Lương khóc khi nói lời cuối cùng trước toàn. Ảnh: Lizhiwang

Cựu Bí thư thành ủy Quảng Châu, Vạn Khánh Lương khóc khi nói lời cuối cùng trước toàn. Ảnh: Lizhiwang

Thứ ba, do xấu hổ, hối hận và muốn bảo toàn thanh danh. Do các tham quan biết mình khi đã bị CCDI bắt thì cơ hội thoát tội là bằng không.

Ngoài ra, trong quá trình thẩm vấn khó tránh khỏi hiện tượng bức cung, thậm chí hiện tượng vu oan hoặc ép cung nhận tội cũng có thể xảy ra.

Cựu Hiệu trưởng Đại học Nam Xương (Giang Tây, Trung Quốc) Chu Văn Vũ khai tại toà cho biết, bản thân bị bắt do “đắc tội” với cựu Bí thư tỉnh ủy Giang Tây, Tô Vinh và cho rằng bản thân đã bị hăm dọa trong quá trình lấy khẩu cung.

Có thể do tiên liệu trước được điều này nên một số tham quan “nhát gan” chấp nhận tự sát chứ không muốn đối mặt với phòng thẩm vấn của CCDI.

Hoặc cũng có thể tham quan do cảm thấy xấu hổ, tội lỗi khi đối diện với người thân, đồng nghiệp và dư luận nên dẫn đến hành động tự sát như một phản ứng.

Dư luận Trung Quốc chẳng còn lạ gì với việc tham quan Trung Quốc sợ đến tái mét mặt, ngất xỉu sợ hãi, rút súng, nhảy lầu khi bị bắt hoặc khóc lóc, bạc trắng đầu sau khi bị bắt.


Chu Vĩnh Khang hầu tòa với mái tóc bạc trắng. Ảnh: Xunteng

Chu Vĩnh Khang hầu tòa với mái tóc bạc trắng. Ảnh: Xunteng

Đương nhiên không loại trừ trường hợp một số quan tham trước khi bị CCDI “sờ gáy” đã dự cảm được sự việc bị lộ nên chọn cái chết để che giấu tội lỗi.

Ví như trường hợp của cựu Phó tư lệnh hải quân Vương Thủ Nghiệp (2005) khi nghe đọc lệnh bắt giữ, Vương đã lập tức mở túi công văn và rút súng muốn tự sát nhưng ngay sau đó bị cướp súng và khóa còng tay.

Qua kiểm tra, phát hiện trong túi công văn của ông mang theo có hai khẩu súng lục vô thanh của Đức đều đã lên đạn. Điều này cho thấy Vương Thủ Nghiệp đã dự cảm ngày tận số của mình đã đến.

Ngoài ra, đối những quan tham tự sát do liên quan đến tham nhũng, cơ quan họ cũng vì muốn bảo vệ danh tiếng chung mà sẽ tìm lý do giúp họ che giấu nội tình.

Như trên đề cập, bệnh trầm cảm hay nan y là lý do được lặp đi lặp lại nhiều nhất mỗi khi các quan chức Trung Quốc tự tử.

Dư luận bên ngoài sẽ không biết rõ chân tướng vụ tham nhũng mà lại vừa che giấu tội cho tham quan, cũng như sẽ bảo vệ được danh dự của chính quyền địa phương.

RELATED ARTICLES

Tin mới