Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTại sao gạo Việt bán nhiều sang TQ

Tại sao gạo Việt bán nhiều sang TQ

Từ thời Pháp thuộc, Pháp đã xuất khẩu gạo lúa mùa chất lượng cao của Việt Nam đi khắp thế giới.

Thế mạnh

Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp mới đây khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu gạo sang Pháp bởi Pháp có trên 30 triệu người sử dụng gạo hàng ngày.

Đồng tình với nhận định của đại diện thương mại Việt Nam tại Pháp, PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành cho hay, Việt Nam có lợi thế nếu xuất khẩu gạo sang Pháp. Theo đó, khi Việt Nam là thuộc địa, Pháp đã xuất khẩu gạo Việt Nam đi khắp thế giới. Trong thời kỳ đó, người Việt chỉ trồng 1 vụ lúa trong năm, đây là loại lúa có chất lượng gạo rất ngon và khi ấy không ai sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên trong gạo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Đáng lưu ý, trong những năm xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ 2, những người lính thợ Việt Nam đã đem đến cho nước Pháp kỹ thuật trồng lúa nước của Việt Nam, đưa vùng Camargue của Pháp trở thành cái nôi sản xuất lúa gạo. Khi ấy rất ít nước ở châu Âu trồng được lúa gạo nên gạo trở thành thứ đặc sản quý hiếm.

Bây giờ, Việt Nam ít đất nên không thể trồng lúa mùa trên diện tích rộng như Thái Lan, Campuchia. Tuy nhiên, Việt Nam có những giống lúa cao sản nhưng chất lượng rất cao như giống Lộc Trời số 18, hạt gạo dài trên 8mm, ăn ngon không thua kém gì gạo mùa. Đó là thế mạnh mà Việt Nam có thể khai thác để xuất khẩu sang Pháp cũng như các nước châu Âu.

Vị chuyên gia nông nghiệp lưu ý, tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp cũng như tại châu Âu nên nắm bắt nhu cầu nhập khẩu gạo của Pháp và các quốc gia khác trong EU. Nếu các nước này có nhu cầu, họ sẽ nhập khẩu loại gạo có chất lượng rất cao, chứ không phải loại gạo trộn lẫn bán 200-300 USD/tấn như Việt Nam vẫn xuất khẩu với chất lượng lớn. Đặc biệt, gạo này phải đảm bảo không có dư lượng chất bảo vệ thực vật.

“Vấn đề là Chính phủ, Bộ Nông nghiệp cũng như Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cần chọn ra một số công ty mạnh ở Việt Nam trồng lúa có vùng nguyên liệu, kiểm soát từ đầu chí cuối, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Các công ty đó sẽ gửi mẫu gạo sang Pháp để chào hàng để các siêu thị nấu ăn thử, coi người dân Pháp có thích loại gạo đó không. Nếu họ thích thì phía Việt Nam mới tổ chức xuất khẩu được. Tôi nghĩ gạo Việt Nam nên đi theo hướng chất lượng cao, an toàn nhưng ban đầu chỉ với số lượng nhỏ. Chúng ta xuất khẩu ít nhưng chất lượng để gây uy tín rồi mới tính những chuyện khác”, ông nói.

Dù có nhiều cơ hội để bước vào những thị trường khó tính như Pháp nhưng thực tế gạo Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào Trung Quốc khi thị trường này vẫn chiếm 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam (cả chính ngạch và tiểu ngạch).

Lý giải điều này, PGS.TS Dương Văn Chín cho rằng, đó là do doanh nghiệp Việt thích ăn xổi và lười chứ không phải không thể tiếp cận các thị trường khó tính.

“Từ trước đến giờ Việt Nam chỉ chú trọng số lượng mà ít quan tâm đến chất lượng, cũng không phân biệt được trong số 140 doanh nghiệp thuộc VFA doanh nghiệp nào có vùng nguyên liệu kiểm soát được hạt gạo của mình mà không đấu trộn nhiều giống lúa với nhau. Bởi vậy các doanh nghiệ cứ mạnh ai nấy chạy, tìm được nhà nhập khẩu nào thì cứ xuất, miễn là có lời.

Doanh nghiệp Việt không quan tâm đến chuyện xuất như vậy thì sang năm có xuất được nữa hay không, họ chỉ nghĩ đến chuyện xuất một mẻ dăm ba nghìn tấn lời được bao nhiêu tiền bỏ túi chứ không nghĩ đến tương lai lâu dài của hạt gạo Việt Nam”, ông Chín chỉ rõ.

Nhưng vấn đề của Pháp lại là câu chuyện hoàn toàn khác, PGS.TS Dương Văn Chín nhấn mạnh. Họ không nhập khẩu ồ ạt hàng triệu tấn gạo để chống đói như Trung Quốc, họ ăn để thưởng thức vị ngon, vị ngọt của hạt gạo. Thế nên Việt Nam cần xuất khẩu ít nhưng chất lượng và số ngoại tệ thu về sẽ nhiều không thua gì bán cho Trung Quốc.

Tiếp cận thị trường khó tính thế nào?

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam (Lộc Trời, Viễn Phú, Công Bình…) đã xuất khẩu được gạo vào các thị trường khó tính như Nhật, Úc, Anh, Mỹ, New Zealand… Đánh giá cao cách làm của các doanh nghiệp này, PGS.TS Dương Văn Chín cho hay, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp làm được gạo chất lượng tốt nhưng chỉ bán được lượng rất nhỏ.

“Nhà nước nên bỏ ra một khoản kinh phí nhất định từ ngân sách để quảng bá các thương hiệu gạo mà Nhà nước đánh giá là thực sự tốt để thế giới biết đến. Điều này thương mại quốc tế không cấm. Nhà nước hãy chọn các sản phẩm đặc sắc của doanh nghiệp nào có khả năng tổ chức vùng nguyên liệu và có khối lượng lớn để bán cho thế giới. Khi được giới thiệu như vậy, nhiều nước sẽ nhập khẩu gạo Việt Nam và nó khích lệ dooanh nghiệp Việt mở rộng thêm vùng nguyên liệu trong nước. Khối lượng gạo chất lượng cao sẽ càng ngày càng lớn và dần dần hình thành thương hiệu gạo quốc gia”, ông Chín bày tỏ.

Vị chuyên gia nông nghiệp dẫn ví dụ, sau khi Tập đoàn Lộc Trời gửi mẫu gạo của giống Lộc Trời số 1 đi đấu xảo ở Malaysia và đoạt giải 3 gạo ngon thế giới, nhiều khách hàng trên thế giới đã biết đến và đặt hàng tập đoàn. Đó là cơ hội rất tốt để  thế giới biết đến gạo Việt Nam. Ngay cả với thị trường trong nước, sau thành tích trên, loại gạo Thiên Long của Tập đoàn Lộc Trời cũng bán được rất tốt. Điều này đã khích lệ nhà sản xuất sản xuất nhiều gạo chất lượng hơn để tiêu thụ trong nước và trên thế giới.

“Điểm mấu chốt là làm sao để người tiêu dùng trong nước ở các vùng miền, các dân tộc cũng như các nước trên thế giới biết được những loại gạo nào thực sự tốt ở Việt Nam để tiêu thụ”, ông nhấn mạnh.

Dù vậy, ông Chín cũng lưu ý, khâu làm thương hiệu và xúc tiến thương mại của doanh nghiệp Việt hiện rất yếu.

“Bây giờ không phải chụp vài tấm hình gạo rồi đưa lên website là xong. Như vậy chưa đủ, phải làm nhiều việc hơn nữa. Ví dụ, tham tán thương mại ở các  nước phải  tạo điều kiện nhận các mẫu gạo trong nước, tổ chức nấu cho người bản xứ, các nhà nhập khẩu gạo lớn ở nước đó ăn thử gạo của mình, người ta biết gạo như thế nào, giá cả ra sao…

Nhà nước hỗ trợ và các doanh nghiệp cũng phải bỏ tiền ra để giới thiệu sản phẩm  của mình đến các siêu thị trên khắp thế giới. Việc này tốn kém hơn rất nhiều so với làm thương hiệu trong nước vì khoảng cách địa lý xa xôi, ai trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp, doanh nghiệp có đảm bảo với siêu thị là hạt gạo của mình không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn của nước đó hay không… Một loạt vấn đề liên quan đến quảng bá thương hiệu mà doanh nghiệp phải tính chứ không phải gửi mẫu gạo đi là xong. Doanh nghiệp phải nỗ lực, không phải từng doanh nghiệp mà nên hình thành nhóm doanh nghiệp tiên phong, ưu việt kết với nhau để hình thành, quảng bá gạo ra quốc tế”, PGS.TS Dương Văn Chín gợi ý.

RELATED ARTICLES

Tin mới