Chúng ta không nên mang đôi mắt thù hằn vào rạp hát nhưng cũng đừng thần tượng hóa tấm áo từng vấy máu đồng bào.
Hậu Duệ Mặt Trời có lẽ là từ khóa hot nhất trên các diễn đàn, trang mạng xã hội hiện nay, nhất là các trang dành cho mẹ bỉm sữa và giới nữ tuổi teen. Đây là tên của bộ phim Hàn Quốc dài 16 tập, chủ yếu nói về quân đội Hàn trong sứ mệnh bảo đảm hòa bình thế giới.
Chưa chính thức công chiếu, phát sóng, song, bộ phim đã thu hút hơn 1 tỉ khán giả Trung Quốc tìm xem trực tuyến. Ở Việt Nam, con số này cũng lên tới hàng trăm nghìn người.
Việc một bộ phim Hàn gây bão ở Việt Nam chẳng có gì lạ. Song, mấy ngày qua, đã có những ý kiến phê phán về việc “cuồng” phim này của khán giả trẻ.
Nhất là khi một số ca sĩ, sao showbiz hớn hở khoe những bức ảnh mặc quân phục Hàn, giống của diễn viên họ thần tượng trên Facebook. Có hẳn những ứng dụng trên App Store, CH Play để có thể ghép ảnh mình vào những bộ quân phục Hàn Quốc.
Các ý kiến phê phán chủ yếu nhắc nhở lại những nỗi đau kinh hoàng mà lính Đại Hàn đã gây ra cho nhân dân ta tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Chúng được coi là những kẻ khát máu, dã man hơn bất cứ kẻ thù xâm lược nào từ trước tới nay khi hãm hiếp phụ nữ, người già, phanh thây trẻ em. Có làng chỉ còn một người may mắn sống sót trước sự tàn độc của lính Hàn.
Bia căm thù giờ vẫn còn đứng kể tội giặc Hàn ở nhiều làng Trung Bộ. Vì những lý do đó, mà một số người thấy bất bình khi giới trẻ đang tung hô bộ phim về quân đội Hàn Quốc hiện nay.
Trước sự phê phán ấy, đã có nhiều lời phản biện lại. Đa số đều cho rằng, đó là chuyện của lịch sử, quá khứ. Nghệ thuật chỉ nói tiếng nói của nghệ thuật.
Ảnh nhiều ngôi sao showbiz Việt (Hồ Ngọc Hà, Trấn Thành, Hoàng Thùy Linh, Sơn Tùng – MTP) được ghép vào bộ quân phục Hàn Quốc tràn lan trên mạng internet. |
Tôi cũng đồng ý với quan điểm cho rằng, phim ảnh chỉ là giải trí, là nghệ thuật. Chiến tranh đã xa rồi. Chúng ta không nên mang đôi mắt của sự thù hằn đem vào rạp hát.
Chưa kể, dù sao thì Hàn Quốc cũng là đối tác tin cậy của ta trên nhiều lĩnh vực, họ giúp đỡ ta nhiều trong quá trình hội nhập. Hiện nay, đất nước họ vẫn là thị trường an toàn và màu mỡ cho lao động Việt Nam.
Nhưng, thích phim, ngưỡng mộ diễn xuất của diễn viên khác hẳn với việc chúng ta bỏ quên lịch sử. Bỏ quên rằng, bộ quân phục của quân Đại Hàn nhuốm đầy máu của người Việt Nam. Vẫn còn không ít người dân Trung Bộ đang chịu nỗi đau do lính Đại Hàn gây ra.
Tất nhiên, những bộ quân phục dính máu kia không phải quân phục mà các diễn viên đang mặc. Các diễn viên không có tội. Bộ quần áo họ đang mặc đang mang thông điệp rất tốt. Nhưng dù tốt đến đâu, thì việc người trẻ Việt bỏ quên lịch sử, hớn hở khoác lên mình chiếc áo ấy, cũng có chút gì đó lố lăng, phản cảm.
Tôi tin, bộ quân phục của những người lính Cụ Hồ còn đẹp hơn nhiều. Dĩ nhiên, nó chỉ đẹp với những người có lòng tự tôn dân tộc, trân trọng lịch sử đất nước và biết điều hòa giữa quá khứ – hiện tại – tương lai.
Còn việc không hiểu lịch sử, lỗi lớn nhất thuộc về người làm giáo dục, văn hóa. Nhưng đừng nói giới trẻ chúng ta vô can.
Ám ảnh nhất với tôi lúc này, có lẽ là câu hỏi: Tại sao chúng ta ko có được những bộ phim làm khán giả trong nước bỏ cả phim Hàn để xem? Và bao giờ chúng ta mới có phim gây bão trên khắp thế giới?
Còn với các bạn trẻ, các ngôi sao showbiz thì tôi cũng chỉ muốn nhắc lại thêm một lần: Chúng ta không mang đôi mắt thù hằn vào rạp hát nhưng đã là người của công chúng thì cũng không nên thần tượng hóa tấm áo từng vấy máu đồng bào.