Nước xả từ thủy điện Cảnh Hồng, Trung Quốc đã về đến Lào, cách biên giới Việt Nam khoảng 800 km, dự kiến ngày 4/4 sẽ về đến Việt Nam.
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết tại phiên họp Chính phủ vào sáng ngày 26/3.
Theo thông tin trên trang Diễn đàn Doanh nghiệp, tại phiên họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ngành nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng của tình trạng thời tiết thất thường, hạn hán, xâm nhập mặn, nặng nề là Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Ở nhiều nơi, đất trồng lúa phải bỏ không như Ninh Thuận 45% diện tích, Bình Thuận là 30%. Toàn Nam Trung Bộ có tới 26.500 ha đất lúa để không. Gần 1 triệu tấn lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại. Ở Tây Nguyên, 42.500 ha đất bị hạn nặng….
Trước đó, Đại Kỷ Nguyên đã đưa tin, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, vào ngày 23/3, ông Khammany Inthirath – Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cho biết, nước này sẽ tiến hành xả nước từ các đập thủy điện với lưu lượng khoảng 1.136 m3/s từ ngày 23/3 đến cuối tháng 5.
Theo ông Khammany Inthirath, đây là quyết định của Chính phủ Lào nhằm giúp các nước láng giềng đang chiụ ảnh hưởng nặng nề của nạn hạn hán, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Hôm ngày 15/3, đáp lại yêu cầu từ phía Việt Nam, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay ““Chúng tôi sẽ xả nguồn cung cấp nước khẩn cấp từ Nhà máy Thuỷ điện Cảnh Hồng từ ngày 15/3 tới ngày 10/4″.
Cùng với lượng nước xả từ đập thủy điện của Trung Quốc và từ một số con sông khác của Thái Lan, ước tính tổng cộng lượng nước từ sông Mekong qua Lào, Campuchia vào Việt Nam vào khoảng 3.611 m3/s.
Hiện tại, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng hạn, mặn nghiêm trọng, kéo dài, và trên diện rộng. Tính đến đầu tháng 3/2016, hơn 160.000 ha lúa đông xuân ở vùng này bị thiệt hại.
Dự báo nếu mặn xâm nhập kéo dài đến tháng 6/2016, sẽ có 500.000 ha lúa vụ hè thu bị ảnh hưởng lớn, chưa kể số tổn thất về cây ăn trái, thủy sản, nguy cơ cháy rừng. Trước mắt, mất mùa lúa sẽ khiến 1 triệu hộ (khoảng 5 triệu người) gặp khó, thiếu nợ, trắng tay; 150.000 hộ thiếu nước sinh hoạt, theo VOV đưa tin.
Nông dân Phan Ngọc Trận (xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) trên bãi đất khô khốc bên những vạt lúa cháy khô vì hạn, mặn, tháng 3/2016. (Ảnh: danviet.vn)
Theo báo cáo cập nhật cuối tháng 2/2016, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định tình trạng nước mặn xâm sâu, nước ngọt khan hiếm hiện tại là do dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Kông đang xuống ở mức thấp lịch sử, kết hợp yếu tố nền nhiệt tăng (cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C) khiến gia tăng bốc hơi, đồng thời làm tăng xâm nhập mặn và làm tăng nhu cầu nước cho cây trồng.