Friday, April 19, 2024
Trang chủĐàm luận4 kịch bản cho Biển Đông (Kỳ cuối)

4 kịch bản cho Biển Đông (Kỳ cuối)

Tại sao Mỹ không dám ra tay ngăn chặn Trung Quốc, khi Trung Quốc đang từng ngày từng giờ tiến hành các hoạt động xây dựng, tôn tạo, bồi đắp, biến các hòn đảo nhân tạo này thành các căn cứ quân sự khổng lồ, hay thành tàu sân bay không thể đánh chìm.

Hình ảnh về khu trộn bê tông ở bãi đá Chữ Thập

Kỳ 4: Kịch bản thứ ba: Mỹ và Trung Quốc đụng độ nhau ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Trường hợp này chỉ xảy ra nếu như những nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ là những người cứng rắn, và họ quyết tâm duy trì một trật tự thế giới đang hiện hữu và ngăn chặn không cho Trung Quốc lộng quyền, độc chiếm Biển Đông. Nếu kịch bản này xảy ra thì thiệt hại lớn nhất chắc chắn sẽ về phía Trung Quốc, bởi tiềm lực quân sự của Trung Quốc chưa thể đủ đối phó với Mỹ. Trong trường hợp này rất có thể Nhật và Hàn Quốc cũng sẽ hỗ trợ Mỹ với vai trò là đồng minh thân cận.

Tuy nhiên, kịch bản này rất khó có thể xảy ra, bởi lẽ từ trước đến nay, Mỹ luôn luôn là kẻ “nói một đằng, làm một nẻo” và thực chất chính Mỹ đã đồng lõa với Trung Quốc trong nhiều việc.

Năm 1972, Mỹ và Trung Quốc đã thỏa thuận với nhau, và sau đó Trung Quốc ngừng viện trợ cho Việt Nam. Tiếp đó, Mỹ mở chiến dịch đánh phá miền Bắc bằng không quân ác liệt nhất trong lịch sử. Đặc biệt là chiến dịch 12 ngày đêm ném bom rải thảm ở Hà Nội. Năm 1974, Mỹ lại đồng lõa với Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa, trong khi chế độ Việt Nam Cộng hòa là đồng minh, và đang gắn bó một cách “máu thịt” với Mỹ. Tháng 2-1979, chính Mỹ “đi đêm” với Trung Quốc, tạo điều kiện cho Trung Quốc mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Rồi năm 1988, khi Trung Quốctấn công chiếm đảo Gạc Ma, thì Mỹ cũng giữ thái độ im lặng, hay nói một cách khác là Mỹ “làm ngơ”, để cho Trung Quốc khởi đầu việc độc chiếm Biển Đông,bằng việc chiếm đảo Gạc Ma.

Từ năm 2012, Mỹ đã biết rất rõ Trung Quốc tôn tạo các đảo nhưng Mỹ không có động thái nào lên án việc này. Và bây giờ khi Trung Quốc đã quyết tâm quân sự hóa các đảo đã tôn tạo này thì Mỹ cũng lên tiếng một cách “chiếu lệ”, rồi cử tàu đến tuần tra nhưng cũng là một cách để “cho có”. Còn những gì cụ thểtrong việc ngăn chặn Trung Quốc bành trướng xuống phía Nam của Biển Đông thì Mỹ không làm.

Vậy tại sao Mỹ không dám ra tay ngăn chặn Trung Quốc, khi Trung Quốc đang từng ngày từng giờ tiến hành các hoạt động xây dựng, tôn tạo, bồi đắp, biến các hòn đảo nhân tạo này thành các căn cứ quân sự khổng lồ, hay thành tàu sân bay không thể đánh chìm.

Cóhai lý do: Thứ nhất, Mỹ không muốn gây sự với Trung Quốc, bởi lẽ Mỹ quá biết sức mạnh của Trung Quốc, với số lượng người Hoa đang rất đông đảo ở chính nước Mỹ và trên thế giới. Mỹ làm gì từ xưa đến nay cũng nghĩ đến việc bảo vệ lợi ích riêng của mình.Với một Trung Quốc đang trỗi dậy về kinh tế, quân sự và với một kẻ vừa có tiền, vừa có vũ khí và lại luôn ứng xử với thái độ bất chấp luật pháp, thì rõ ràng Mỹ không muốn gây sự với một “thằng liều”; Thứ hai, bản thân Mỹ không đủ sức mạnh để “bao sân” toàn bộ, và khả năng Mỹ và Trung Quốc đã ngấm ngầm bàn tính phân chia thế giới, theo kiểu Mỹ một nửa, Trung Quốc một nửa.

4 – Kịch bản thứ tư: Đó là Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế

Và song song với đó Việt Nam sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc về quân sự, đồng thời xây dựng được một khối liên minh về chính trị, kinh tế và quân sự ở các nước ASEAN. Những việc này sẽ làm chùn tay Trung Quốc, và Biển Đông sẽ giữ nguyên hiện trạng như hiện nay trong một khoảng thời gian dài nữa.

Tuy nhiên, kịch bản này cũng rất khó có thể xảy ra, bởi lẽ các nước ASEAN trừ Philippines, Việt Nam và Singapore, còn tất cả đang nằm trong vòng thao túng của Trung Quốc. Đặc biệt là những nước “anh em” với Việt Nam như Lào, Campuchia, về cơ bản đã bị Trung Quốc thao túng chính quyền, và một tầng lớp lãnh đạo mới của hai quốc gia này cũng bắt đầu quay lưng lại với Việt Nam.

Còn cộng đồng ASEAN, nghe thì có vẻ rất to tát, nhưng thực chất cũng chỉ là “nắm cát trong lòng bàn tay”- nghĩa là khi xòe bàn tay ra, gió sẽ thổi những hạt cát bay mất. Vậy nên, không lấy gì đảm bảo được ASEAN sẽ trờ thành một liên minh về kinh tế, và càng không thể trở thành liên minh về quân sự. Vì vậy, đối với vấn đề Biển Đông, chỉ có Việt Nam và Philippines là có quyền lợi sát sườn, đồng thời là đối thủ trực tiếp với Trung Quốc. Trung Quốc cũng sẽ không dám đụng đến Philippines, bởi lẽ Philippines sẵn sàng trở thành đồng minh với Mỹ và cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự lớn. Trung Quốc sẽ chỉ gây sự được với Phi khi mà Trung Quốc đã thôn tínhmột số đảo quan trọng, mà Việt Nam đang có chủ quyền.

Trước những kịch bản trên đây, vậy Việt Nam nên đi theo chiều hướng nào? Có thể dễ dàng nhận thấy, các chính sách, quan điểm, lập trường về Biển Đông của Việt Nam trong thời gian gần đây là chưa rõ ràng và không nhất quán Ở một chừng mực nào đó, Việt Nam vẫn cố níu kéo cái gọi là “tình hữu nghị và giữ hòa khí” với Trung Quốc. Việc này cũng chẳng khó nhận ra, khi mà trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Việt Nam, các tờ báo lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam hầu như rất ít khi dám đấu tranh trực diện với Trung Quốc.Những tờ báo lên tiếng mạnh mẽ là của các tổ chức đoàn thể, nghề nghiệp hay nói theo cách gọi khác là báo chí loại 2.

Dư luận thì cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang sợ Trung Quốc, thậm chí tỏ ra khiếp nhược, đặc biệt là việc không dám đưa Trung Quốc ra kiện. Việc nín nhịn Trung Quốc bao nhiêu năm nay với mong muốn giữ hòa khí và hữu nghị dường như là một quyết sách, chủ trương sai lầm của các nhà lãnh đạo Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Bởi bây giờ thì họ đã thấy rõ ràng rằng, Trung Quốc không hề coi trọng cái gọi là “tình hữu nghị Việt – Trung”. Họ không cần giữ chữ tín và sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp kể cả hạ đẳng nhất, nhằm độc chiếm Biển Đông.

Để thoát khỏi tình trạng này, rõ ràng Việt Nam cần có một thái độ khác. Một người yếu bị một người khỏe bắt nạt, có thể không chống trả được thì phải “kêu lên” để cho thiên hạ biết.

Trong trường hợp cụ thể này, Việt Nam cần phải kiện Trung Quốc ra tòa. Nhưng Việt Nam lại không dám làm.

Về truyền thông, Việt Nam ngăn cản các cơ quan thông tin báo chí phanh phui những sự thật về Trung Quốc.Trong khi đó, Trung Quốc lại huy động tối đa mọi phương tiện truyền thông để khẳng định cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc có từ xa xưa với Biển Đông”. Trên mặt trận truyền thông, Việt Nam đang thua; mặt trận ngoại giao quốc tế Việt Nam cũng đang thua;còn trong các lĩnh vực kinh tế, quân sự, rõ ràng Việt Nam đang ở thế yếu. Nhiều người Việt Nam, muốn giữ yên với Trung Quốc, để xây dựng đất nước và mong người Trung Quốc mua nông sản thực phẩm của người Việt Nam. Đây là một quan điểm có tầm nhìn hết sức hạn hẹp. Trung bình mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gần 3 triệu tấn gạo. Nhưng 80% số gạo đó người Trung Quốc không ăn, bởi gạo Việt Nam chất lượng thấp,nên họ dùng gạo đó để chế biến thức ăn gia súc. Còn lượng hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc quanh đi quẩn lại chỉ có vài quả thanh long, một vài quả dừa,một ít vải thiều… Trong khi hàng hóa Trung Quốc đổ sang Việt Nam thì từ cái kim sợi chỉ, cho đến cac loại thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng khác, mà tới 70% là hàng kém chất lượng, hàng giả, còn có cả hàng độc hại.

Nếu như Việt Nam không xây dựng được một đất nước có nội lực, và cạnh tranh với Trung Quốc một cách sòng phẳng về lĩnh vực kinh tế. Có quan hệ kinh tế với Trung Quốc một cách bình đẳng thì Việt Nam đã tự thua ngay trên sân nhà. Người Việt Namcó một đặc tính, đó là khi quyền lợi riêng của từng cá nhân chưa bị xâm hại thì người Việt Nam không đoàn kết, mà chỉ đoàn kết được khi nào có kẻ thù đến uy hiếp một cách cụ thể rõ ràng về sinh mạng, của cải. Còn cái gọi là quyền lợi của đất nước thì đó là một khái niệm với người Việt Nam còn khá mơ hồ. Chính vì vậy, mặc dù là rất căm thù Trung Quốc đang âm mưu độc chiếm Biển Đông, nhưng người Việt Nam vẫn hăng hái tiêu dùng hàng kém chất lượng của Trung Quốc, mà không có lòng tự trọng vươn lên để thoát Trung.

Hiện nay tiềm lực của quân sự của Việt Nam đã mạnh hơn trước nhiều, đặc biệt là các loại phương tiện tác chiến trên biển. Cho nên một khi xảy ra đụng độ, dù có yếu hơn nhưng với tinh thần dũng cảm, lòng yêu nước, trình độ chỉ huy tác chiến thì Việt Nam không phải là yếu, tuy nhiên còn xét về tổng thể thì Trung Quốc vẫn đang ở thế thượng phong.

Bây giờ Việt Nam có khởi kiện Trung Quốc ra tòa thì cũng đã hơi muộn nhưng muộn vẫn còn hơn không. Còn nếu chính quyền Việt Nam vẫn cứ giữ cách quan hệ theo kiểu nhún nhường một cách nhu nhược thế này, thì không cần chờ đến năm 2030 mà sớm hơn rất nhiều, Trung Quốc sẽ chiếm xong Biển Đông.

K.S

RELATED ARTICLES

Tin mới