Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ-Trung chuẩn bị khai hỏa Đại chiến thế giới thứ III? (Kỳ...

Mỹ-Trung chuẩn bị khai hỏa Đại chiến thế giới thứ III? (Kỳ 4)

Tạp chí The Economist từng đăng loạt bài phân tích với chủ đề “The dangers of rising China”, bàn về những ảnh hưởng đang gia tăng của Bắc Kinh và phản ứng của Mỹ cũng như các nước khác đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Kỳ IV: Những kế hoạch dự phòng

Khi mới quay lại nắm quyền và tiến hành cải cách nền kinh tế vào cuối năm 1978, Đặng Tiểu Bình đề cao vấn đề hòa bình, tập trung phát triển kinh tế bởi tại thời điểm này Trung Quốc quá yếu cả quân sự lẫn kinh tế để có thể thách thức Mỹ. Nhưng hiện Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, là cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, nên Bắc Kinh có thể ra tay với bất cứ nước nào, nếu muốn.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan khi vừa nhậm chức (thượng tuần tháng 11/2015) đã tuyên bố, sẽ nỗ lực xây dựng một quân đội giàu sức mạnh, đặc biệt là lực lượng hải quân lớn hơn, đồng thời cho rằng, việc mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông là mối đe dọa tiềm tàng và Washington sẽ phải bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở khu vực này.

Ông Paul Ryan cũng cho rằng, việc cắt giảm chi tiêu đồng nghĩa với việc Mỹ có một lực lượng hải quân yếu nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ I. Giới quân sự cho rằng, Mỹ lo ngại bị tàu Trung Quốc bủa vây ở Biển Đông. Được biết, hải quân Mỹ đang xem xét tăng cường sức mạnh tấn công cho chiến hạm tác chiến ven bờ LCS-1 và LCS-4, bằng cách nâng cấp và trang bị tên lửa hạm đối hạm OTH.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng cảnh báo, giảm chi tiêu quốc phòng của Mỹ sẽ phát đi “thông điệp sai lầm vào thời điểm sai lầm”, bởi diễn ra trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đều phát triển các công nghệ quốc phòng. Do đó, Mỹ cần thay đổi chiến lược quân sự nếu Lầu Năm Góc không thể tăng ngân sách để đối phó với các mối đe dọa đang nổi lên. 

Trong bài viết trên tờ The National Interest của Mỹ, nhà nghiên cứu Ryan Pikrell thuộc Đại học Sư phạm Hoa Trung ở Vũ Hán, Trung Quốc cho rằng, quan hệ Mỹ-Trung chắc chắn sẽ dẫn tới bùng phát, cho dù 2 nước có thể sẽ có cách giải quyết các xung đột hoặc về quân sự hoặc về ngoại giao. Và nếu Mỹ tiến hành “chiến dịch tự do hàng hải” ở Biển Đông có thể xảy ra chạm trán lần đầu tiên giữa các cường quốc tại một trong những điểm nóng nhất thế giới.

Trung tâm nghiên cứu RAND Corporation đã so sánh tương quan quân sự Mỹ-Trung trong một cuộc chiến giả định dài 430 trang, và cuộc chiến giả định sẽ diễn ra trong năm 2017 tại 2 vùng lãnh thổ là Trường Sa và Đài Loan.

Theo đó, tại thời điểm năm 1997, Trung Quốc chỉ sở hữu ít tên lửa tấn công tầm gần, nhưng con số này đã tăng đột biến và kho tên lửa của Bắc kinh hiện có gần 1.400 đơn vị, có thể dễ dàng phá tan căn cứ không quân Kadena của Mỹ ở Okinawa (Nhật Bản). Trong khi đó, các loại vũ khí tầm xa của Mỹ có khả năng khống chế khoảng 40 căn cứ không quân của Trung Quốc trong vòng 8 tiếng (nếu hoạt động từ Đài Loan) và tại thời điểm 2017, sẽ tăng lên 2-3 ngày.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã bổ sung một số lượng lớn hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) kể từ năm 1997 và với gần 200 đơn vị SAM cùng các hệ thống radar phòng không đang sở hữu, máy bay Mỹ sẽ gặp khó khăn trong tác chiến do khoảng cách từ Đài Loan đến Đại lục khá gần. Nhưng trong kịch bản Trường Sa thì máy bay tàng hình Mỹ có thể chiếm ưu thế vì quần đảo này cách Trung Quốc khoảng 800 dặm. Khi đó Washington sẽ phải sử dụng tàu sân bay nếu cuộc chiến nổ ra ở Biển Đông và tên lửa chống hạm (ASBM) của Trung Quốc sẽ là mối đe dọa lớn. Và súng laser năng lượng cao của Mỹ có thể áp đảo chương trình không gian của Trung Quốc. Cuối cùng là lực lượng hạt nhân – kho vũ khí hạt nhân của Mỹ so với Trung Quốc là 13/1. Đó là so sánh của giai đoạn 1997-2007, và những thông số kể trên hiện đã có thay đổi. Tuy nhiên, nếu xảy ra chiến tranh, cả 2 đều thiệt hại nặng nề, do đó họ đều phải cân nhắc kỹ trước khi khai hỏa.

Giới chuyên môn cho rằng, Trung Quốc có thể dùng đảo nhân tạo ở Biển Đông để ngăn cản Mỹ. Và Bắc Kinh đang cải tổ quân đội theo mô hình giống Mỹ. Theo đánh giá của nhà phân tích quân sự Nga Konstantin Sivkov, hệ thống phòng không của Trung Quốc chỉ có thể đánh chặn được từ 4 đến 5 tên lửa chống hạm và nếu thực chiến, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ chỉ có thể đánh chặn được khoảng 3 tên lửa chống hạm của Mỹ. Và nếu các tàu khu trục Mỹ khai hoả từ 30 đến 40 tên lửa chống hạm ở khoảng cách 600km thì cụm tàu sân bay Liêu Ninh chỉ phóng được 30 tên lửa. Khả năng Trung Quốc tránh được các đợt tấn công của Mỹ là 20%-30%, trong khi Mỹ chỉ thiệt hại 7%-15% nếu bị tấn công.

(Xem tiếp kỳ sau)

RELATED ARTICLES

Tin mới