Với một người có tầm nhìn tốt, có dũng khí như ông Đinh La Thăng, TS Võ Kim Cương hy vọng TP.HCM có thể tạo ra sự đột phá.
Bí thư Đinh La Thăng đặt mục tiêu xây dựng TP.HCM thành đặc khu kinh tế như Thượng Hải
Khó nhất là cơ chế
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM tỏ ra thú vị với đề xuất xây dựng TP.HCM trở thành một đặc khu kinh tế như Thượng Hải của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng. Theo ông, hiện nay Việt Nam đang sa vào bẫy thu nhập trung bình và muốn thoát bẫy cần phải có đột phá. Nhưng ở đâu có thể đột phá được? Đột phá ở những lĩnh vực nào?
“Trước đây lãnh đạo TP.HCM có đề xuất thành lập đặc khu kinh tế ở một số khu vực như quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, còn bây giờ Bí thư Đinh La Thăng đề xuất xây dựng cả TP.HCM trở thành đặc khu kinh tế, nghĩa là tầm quy mô khác hẳn. Không chỉ riêng TP.HCM mà cả vùng kinh tế TP.HCM rất thuận lợi về vị trí địa lý, đất đai, tài nguyên, con người… có thể tạo nên đột phá cho sự phát triển của nước nhà. Đặc biệt, nếu đặt nó vào hoàn cảnh đất nước hiện nay, sự đột phá ấy vô cùng quý giá”, ông Cương cho biết.
Nếu trở thành đặc khu kinh tế, TP.HCM sẽ phải có những thay đổi mạnh mẽ về thể chế, được chủ động về luật, điều hành và quản trị… Trước câu hỏi liệu Việt Nam đã sẵn sàng cho sự bứt phá của TP.HCM, TS Võ Kim Cương bày tỏ: Nếu lãnh đạo thấy tầm quan trọng của sự bứt phá của đất nước, thấy được nhu cầu phải cạnh tranh với thế giới, nhu cầu phải phát triển thì không đợi đến lúc TP.HCM xin ở trên, họ sẽ tìm cách tháo gỡ, giải phóng ràng buộc cho TP.HCM
Nếu được chấp thuận xây dựng đặc khu kinh tế, TP.HCM sẽ vấp phải nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất là vấn đề cơ chế, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM lưu ý.
“Phải có cơ chế thông thoáng về tài chính, đất đai, xây dựng để cạnh tranh, hấp dẫn đầu tư. Nếu cơ chế chính sách không đủ thông thoáng, thủ tục hành chính rườm rà, nó có thể kìm hãm sự phát triển và khi ấy không nên lập đặc khu kinh tế.
Đây là vấn đề rất khó, vì muốn thay đổi cơ chế hay thủ tục hành chính phải thay đổi pháp luật, phải vượt qua rào cản từ nhiều cơ quan trung ương- những nơi đã soạn thảo và ban hành hệ thống pháp luật đó.
Mặt khác, nếu tầm nhìn chỉ nằm trong ranh giới của TP.HCM thì tác động của đặc khu kinh tế cũng rất hạn chế. Bởi thế, nếu muốn đột phá thực sự, muốn TP.HCM trở thành đặc khu kinh tế phải có liên kết vùng, thậm chí TP.HCM phải trở thành một siêu đô thị với vài chục triệu dân, chung một cơ chế quản lý, có thể khai thác triệt để các lợi thế”, TS Võ Kim Cương chỉ rõ.
Nói rõ thêm về điều này, TS Võ Kim Cương cho biết, vài chục năm trước các nước rất e ngại căn bệnh “to đầu” trong quy hoạch, nghĩa là một đất nước tập trung phát triển vào một thành phố, thành phố ấy cực lớn, chiếm vài ba chục phần trăm dân số của cả nước. Nhiều nước phát triển lên đều nhờ bệnh “to đầu”. Nó có lợi thế là tập trung được nguồn lực, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sở dĩ có bệnh “to đầu” là vì người ta tập trung vào kinh tế mà quên quy hoạch và quản lý để hài hòa các mục tiêu về môi trường và xã hội.
Nhưng ngày nay, khi dân số thế giới phát triển, người ta lại cho rằng, chính các siêu đô thị lại là cứu cánh cho loài người. Đặc biệt, ngày nay người ta có thể chủ động quy hoạch, quản lý để giữ được môi trường, sự hài hòa trong xã hội ở các siêu đô thị đó. Nếu trước đây nó chỉ phát triển theo kiểu lan tỏa thì giờ, với quy hoạch thành các chùm đô thị, có giãn cách đô thị nhất định để bảo vệ môi trường, bệnh “to đầu” không còn nữa.
Bởi thế, cách tổ chức phát triển sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế, mà trong cạnh tranh, cạnh tranh kinh tế vẫn là số một. Nếu làm gì mà hiệu quả kinh tế thua thì cũng không thể thắng được. Cho nên, để bứt phá được chắc chắn phải nghĩ làm sao để có được hiệu quả đầu tư tốt nhất và điều đó đòi hỏi phải có sự tập trung, TS Võ Kim Cương nhấn mạnh.
“Phải làm sao tạo ra những đô thị lớn mà ở đó có nhiều người giàu, người giỏi để họ tạo ra các giá trị mới thì mới có thể phát triển được.
Ở đây, việc xây dựng TP.HCM thành siêu đô thị là muốn nhấn mạnh vào vấn đề cơ chế, sự phối hợp, làm sao cơ chế quản lý trong một vùng như vậy được thống nhất. Hiện nay vẫn có vùng kinh tế TP.HCM, tuy nhiên trong đó mỗi tỉnh, thành làm một phách, thậm chí cạnh tranh với nhau, khiến nguồn lực tự nhiên bị triệt tiêu”.
Có thể thành số 1
Bí thư Đinh La Thăng khẳng định, TP.HCM đã đứng vị trí số 1 trong khu vực và đặt ra mục tiêu TP.HCM phải trở lại vị trí số 1. KTS Võ Kim Cương cho rằng, việc đó hoàn toàn có thể được.
“Đây là một cuộc cạnh tranh mà lâu nay chưa ai đặt mục tiêu cạnh tranh như Bí thư Đinh La Thăng. Ông nói TP.HCM sẽ ở vị trí số 1, cho thấy sự tự tin, quyết tâm. Có lẽ đây là vị bí thư đầu tiên dám nói thẳng ra điều này.
Nhưng nếu chỉ có Bí thư của TP.HCM thấy được rằng mình phải cạnh tranh và phải làm sao thắng trong cuộc cạnh tranh thì rất khó thành công. Phải có sự ủng hộ từ Trung ương, mọi người phải thấy cạnh tranh quốc tế là sự sống còn từ đó hết sức cố gắng.
Dĩ nhiên, TP.HCM vẫn còn nhiều điều kiện để trở thành thành phố số 1. Ví dụ, về vị trí địa lý, trong khu vực Đông Nam Á, TP.HCM vẫn là trung tâm, là một thành phố có biển và có lục địa, không phải như Singapore, lại ở sát đường hàng hải quốc tế, khác với Bangkok. Do đó, có nhiều điều kiện về vị trí địa lý TP.HCM vẫn hơn các thành phố khác. Ngoài ra, TP.HCM có nhiều điều kiện tốt về con người, đất đai… Chỉ có điều năng lực của con người thế nào, nếu khai thác được năng lực đó thì sẽ thắng, còn nếu chỉ đi làm công mãi sẽ chẳng bao giờ thắng được”, ông Cương lưu ý.
Vị chuyên gia cũng khẳng định, sự đột phá của TP.HCM sẽ mang lại kết quả chung cho cả đất nước, không chỉ các thành phố lân cận. Tất cả các thành phố đều phải cạnh tranh, vươn lên, đều phải tìm sự đột phá của mình nhưng nếu có một vươn lên dẫn đầu thì nó có thể tạo thêm công ăn việc làm, tiến bộ kỹ thuật… từ đó hỗ trợ cho các thành phố khác.
“Mục tiêu đột phá của TP.CM không phải chỉ nhằm mục đích cho nhân dân thành phố mà là phục vụ cho cả nước”, ông lưu ý.
Với sự quyết tâm cũng như tầm ảnh hưởng của Bí thư Thăng, TS Võ Kim Cương kỳ vọng điều đó sẽ thúc đẩy TP.HCM thực hiện được mục tiêu đề ra. Ông ấn tượng với tân Bí thư TP.HCM ở sự chỉ đạo cụ thể, quyết liệt và điều ấy đã tạo ra sự đổi mới cho hoạt động của TP.HCM. Tuy nhiên, ông Thăng cũng là người có tầm nhìn tốt.
“Với một người có tầm nhìn, có dũng khí như vậy, rất hy vọng TP.HCM có thể tạo ra sự đột phá. Dĩ nhiên, để làm được điều này, TP.HCM cần có sự ủng hộ ở trên”, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM bày tỏ.