Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiBài học từ con ốc bươu vàng

Bài học từ con ốc bươu vàng

Sự “xâm lăng” của văn hóa ngoại lai sẽ làm triệt tiêu tiêu sức sống của văn hóa bản địa. Nó cũng giống như câu chuyện về con ốc bươu vàng, con rùa tai đỏ hủy hoại môi trường tự nhiên vậy!

Trên thực tế, việc một số bạn trẻ phát cuồng với Hậu duệ mặt trời hay một số hình tượng, nhân vật trong một bộ phim nào đó, nhất là với kiểu phim thần tượng Hàn Quốc là điều tồn tại có thật từ khá lâu nay. Không chỉ riêng với phim ảnh Hàn Quốc, trước đây đã từng có nhiều những trào lưu văn hóa từ phim ảnh nghệ thuật ngoại du nhập vào nước ta, như trào lưu phim cổ trang lịch sử Trung Quốc, phim tình cảm tâm lý Đài Loan, phim hành động Mỹ…

Sự “cuồng” này nói lên điều 2 điều. Một là, nó gián tiếp thừa nhận nền điện ảnh nước nhà chưa đủ hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả. Kế đến, người Việt Nam có thái độ tương đối cởi mở trong việc tiếp nhận các trào lưu văn hóa của nước ngoài.

Trong thời đại toàn cầu hóa, việc tiếp cận, giao lưu với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới là điều tất yếu. Nhiều nền văn hóa thế giới đang có sự giao lưu, du nhập vào văn hóa bản địa qua những tác phẩm nghệ thuật như những bộ phim, những chương trình văn nghệ giải trí vốn đang được trình chiếu rầm rộ trên các đài truyền hình hiện nay.

Công bằng mà nói, việc tiếp thu cái hay cái đẹp có chừng mực, có chọn lọc phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển xã hội là một điều tốt. Khi đó, văn hóa nước nhà được “đa phương hóa”, có lợi cho sự lựa chọn tinh hoa văn hóa dân tộc.

Song, vấn đề đặt ra ở đây là giới hạn tiếp nhận văn hóa ngoại để văn hóa bản địa không bị triệt tiêu sức sống?

Cách đây chưa lâu, khi thực hiện chuyên đề về Hàn lưu (sức ảnh hưởng của văn hóa Hàn), một tiến sĩ chuyên nghiên cứu Văn hóa phương Đông đã chia sẻ với chúng tôi rằng, giới hạn tiếp nhận đó được hiểu đơn giản rằng: chúng ta không được “ngủ quên” khi thưởng thức nghệ thuật quốc tế, phải xem bằng tâm thức sáng suốt. Và mỗi người đều phải có một trái tim suy nghĩ về dân tộc mình, về bản sắc văn hóa nước nhà, về sự tiến bộ dân tộc thì khi đó, văn hóa dân tộc sẽ phát triển mạnh mẽ, hòa nhập mà không hòa tan.

Tất nhiên, đó là những chia sẻ thiên về lý thuyết, một lời nhắc nhở, cảnh tỉnh cần thiết, nhưng ngoài thực tế đôi khi rất khác. 

bai hoc tu con oc buou vang
Một số bạn trẻ phát cuồng vì thần tượng

Đó là có một bộ phận giới trẻ đã thần tượng phim ảnh, các sao nước ngoài một cách thái quá, vô tâm. Bằng chứng là dư luận đã từng lên án rất nhiều những hành vi như: hôn lên ghế thần tượng ngồi, khóc lóc sướt mướt khi gặp thần tượng, săn đuổi thần tượng, cầm băng rôn, cờ phướn chạy khắp ngoài phố,…

Đến việc họ vô tư ghép hình mình vào bộ đồ binh lính Hàn trong khi bộ đồ đó là một ám ảnh, một vết đau không hề nhỏ của không ít thế hệ đi trước, như trường hợp với phim Hậu duệ mặt trời hiện nay.

Sự thần tượng thái quá còn biểu hiện ở chỗ nhiều người đi theo phong trào văn hóa đại chúng một cách cực đoan. Cụ thể đó là phong trào “không đụng hàng” trong lĩnh vực thời trang của giới nghệ sĩ, những người được gọi là “sao” và có ảnh hưởng lớn tới công chúng. Họ chạy theo mốt, chạy theo hàng hiệu, bất chấp là nó có đẹp, có phù hợp với thẩm mỹ chung của xã hội hay không.

Nhiều bộ phim Hàn được Việt Hóa bởi những nhà làm phim ăn xổi, những bộ phim hợp tác Việt – Hàn ra đời bất chấp việc nó có phản ánh được đời sống văn hóa tinh thần người Việt hay không hay đang tạo ra những giá trị thẩm mỹ ngoại lai không phù hợp…

bai hoc tu con oc buou vang
Phim hợp tác Việt – Hàn Tuổi thanh xuân

Đó là những vấn đề mặt trái của Hàn lưu đối với văn hóa Việt, một bộ phận đang có biểu hiện đánh mất yếu tố tự lực tự cường khi họ sử dụng những thứ được du nhập vào mà quên rằng mình là một cá thể rất khác.

“Khi người ta tự “ru ngủ” khả năng đánh thức năng lực của dân tộc mình do du nhập, lắp ráp cơ học, thì khi đó người ta sẽ phải chạy theo, sẽ trở thành “nô lệ” của việc tiêu thụ sản phẩm văn hóa ngoại lai. Đó gọi là hành động “diệt văn hóa Việt”, một nhà văn hóa đã cảnh báo như vậy trước làn sóng Hàn lưu!

Câu chuyện về việc tiếp nhận những sản phẩm văn hóa, phim ảnh ngoại lai này đã gợi ta nhớ tới câu chuyện của con ốc bươu vàng, con rùa tai đỏ.

Những động vật ngoại lai đó đã nhanh chóng phổ biến và trở thành thảm họa của môi trường tự nhiên Việt Nam. Tương tự, nếu như những bộ phim ngoại lai cứ tiếp tục được nuôi dưỡng trong môi trường điện ảnh ăn xổi; hay sự thần tượng thái quá cứ vô tư phát triển khi cho rằng đó là hành động mang tính chủ thể thì tất cả cũng sẽ nhanh chóng trở thành một trào lưu nguy hại đến môi trường văn hóa. Bởi sự “xâm lăng” của văn hóa ngoại sẽ dần góp phần làm triệt tiêu sức sống của văn hóa bản địa.

Bài học từ con ốc bươu vàng, con rùa tai đỏ là như vậy!

RELATED ARTICLES

Tin mới