Cuối cùng thì sau những đợt tấn công dài ngày, được hỗ trợ bởi những phi vụ không kích dữ dội của không quân Nga nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất, quân chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát thành phố cổ Palmyra từ tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng…
Quân Chính phủ Syria ăn mừng sau khi chiếm lại được Palmyra. Ảnh AFP
Là một thành phố cổ tương đối nhỏ nằm ở trung tâm Syria và không có vị trí chiến lược như thủ đô Damascus hay Aleppo, nhưng Palmyra đã vượt ra khỏi ý nghĩa của cuộc đánh chiếm rồi tái chiếm một thành phố. Nó là một biểu tượng!
Gần một năm trước đây, ngay sau những thất bại liên tiếp của IS ở các thành phố thị trấn gần biên giới như Kobany, Al Hassakah, việc tổ chức này chiếm được Palmyra và cả thành phố Ramadi bên Iraq – cho thấy, IS hoàn toàn có khả năng gượng dậy và phục hồi một cách nhanh chóng. Nó chẳng khác nào một cú tát trái nảy đom đóm vào liên quân chống IS do Mỹ cầm đầu sau khi bản thân IS đã phải nhận những cú đánh trực diện.
Nói cách khác, chiếm thành phố cổ Palmyra, IS cho thấy lực lượng này có thể chủ động tung ra những chiến dịch quân sự lớn để giành thắng lợi về chính trị, ngay cả khi Mỹ đã tham chiến cùng các lực lượng đối lập với chính quyền Syria để, theo như tuyên bố của Mỹ, diệt “căn bệnh ung thư” IS!
Nay thì việc quân chính phủ Syria giành lại Palmyra từ tay IS với sự hỗ trợ của Nga, lại là một sự kiện mang tính biểu tượng khác: Quân chính phủ Syria không còn thụ động nhắm mắt chịu đòn (từ phía IS và cả từ lực lượng đối lập) nữa mà đã chuyển sang thế chủ động để giành lại những vị trí chiến lược trên lãnh thổ của mình.
Nó mở ra một công thức mới cho một mục tiêu cũ: Thu hẹp khoảng không gian sinh tồn của IS, như cô lập những tế bào ung thư, tiến tới loại bỏ khối u này trong đời sống chính trị ở Syria.
Khi Tổng thống Liên bang Nga V.Putin bất ngờ ra lệnh cho các lực lượng không quân Nga (sau đó có thêm sự tham gia của các tàu chiến phóng tên lửa) tiến hành những vụ không kích dữ dội nhằm vào IS ở Syria hồi cuối tháng 9 năm ngoái, trong những hành lang quyền lực phương Tây, đã vang lên không ít những bình luận soi mói, nghi ngờ.
Cũng phải thôi, bởi Nga là một đồng minh của chính quyền Tổng thống Bashar al Assad và luôn chống lại bất cứ một cuộc lật đổ chính quyền hợp hiến nào, như đã từng xảy ra ở Iraq trước đây hay Libya sau đó.
Nhưng với thời gian, những cuộc không kích của Nga đã tỏ ra có tác dụng. Thế cân bằng chiến lược dần được xác lập lại ở Syria, khi IS chịu những tổn thất to lớn về nhân lực vật lực, trong khi các lực lượng đối lập, được phương Tây hỗ trợ, cũng không còn đủ sức để chỉ nhăm nhe đánh vào lực lượng chính phủ nữa.
Sự hiệu quả của các chiến dịch không kích mà phía Nga tiến hành ở Syria đã không chỉ dừng lại qua sự thừa nhận “tâm phục khẩu phục” công khai của nhiều tướng lĩnh, nhà quân sự Mỹ và phương Tây trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Sự hiệu quả này còn mang ý nghĩa lớn hơn nhiều, khi không ai có thể phủ nhận một thực tế là chúng đã mang các đại diện của chính phủ Damascus và lực lượng đối lập, hai đối thủ chính tranh chấp nhau suốt nhiều năm qua trên bàn cờ chính trị Syria, tới bàn đàm phán ở Geneve. Bị cả Nga và Mỹ ép đâu ra đấy, hai bên buộc phải tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn, dẫu là gượng gạo, kể từ 27-2.
Như thế, những đòn tiến công quân sự của Nga đã mang đến một giải pháp chính trị hiển nhiên ở Syria.
Đến lượt mình, thỏa thuận ngừng bắn này lại dẫn tới một hệ quả địa-chính trị khác; cả quân chính phủ lẫn lực lượng đối lập giờ đây có thể rảnh rang để nhằm vào một kẻ thù chung nhưng “không được phép” tham gia thỏa ước ngừng bắn: IS.
Kể từ khi thoát thai ra từ cuộc nội chiến Syria mấy năm trước đây, IS đã rất biết cách len vào khoảng hở chết người giữa chính phủ Syria với lực lượng đối lập, tận dụng mâu thuẫn tôn giáo giữa hai dòng Sunny và Shiite, để lớn mạnh không ngừng.
Khó có thể phủ nhận một điều là cuộc xung đột dữ dội giữa chính quyền với lực lượng đối lập chính là thứ phân bón hữu hiệu để vun trồng loại cây độc IS. “Kẻ thù của kẻ thù là bạn” lẽ ra phải là phương châm xử thế của hai đối thủ chính ở Syria thì ngược lại, cả quân chính phủ lẫn phía đối lập lại chỉ lo hằm hè đánh nhau, còn IS thì tranh thủ mở những đòn tiến công giành đất giành dân mà việc mất Palmyra vào tay IS hồi năm ngoái là một ví dụ đau xót nhãn tiền.
Tình thế chỉ thay đổi mang tính bước ngoặt khi Nga tham chiến và rồi hòa đàm Geneve kết thúc với một thỏa thuận ngừng bắn, mang lại cơ hội không thể tốt hơn cho hai lực lượng đối nghịch bắt tay nhau để cùng diệt IS.
Giờ đây, cả quân chính phủ (được sự hỗ trợ của Nga) và lực lượng đối lập (được sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây), phải hối hả thi đua đánh chiếm càng nhiều càng tốt những phần đất mà IS đang chiếm giữ để mở rộng vùng lãnh thổ do mình kiểm soát. Vừa mới Palmyra, liệu phía trước sẽ là thủ phủ Al Raqqah, thành trì của IS?
Phải chăng, từ Palmyra, một “công thức hóa trị” để “điều trị” căn bệnh ác tính IS đã được xác lập: Bằng mọi giá, quân chính phủ Syria và lực lượng đối lập phải duy trì được lệnh ngừng bắn mong manh, để cùng nhau tiến đánh IS với sự hỗ trợ của các lực lượng ủng hộ bên ngoài, ở đây là Nga và liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu?
Lẽ tất nhiên, bị dồn vào chân tường, bị thu hẹp đáng kể những vùng lãnh thổ chiếm được trước đây, IS sẽ không đời nào thúc thủ chịu bại trận mà không phản ứng.
IS hiểu quá rõ rằng, khó có thể đương cự lại được những cuộc không kích của lực lượng không quân hiện đại nên phương cách mà tổ chức này lựa chọn sẽ là “chuyển hơi nóng” chiến tranh đến chính những trung tâm đầu não, những điểm yếu nhạy cảm về an ninh của những quốc gia đang có vai trò then chốt trong cuộc chiến.
Vụ đánh bom chiếc máy bay hành khách Nga ở bán đảo Sinai của Ai Cập cuối tháng 10 năm ngoái cũng như dây chuyền chết chóc mà chúng gây ra ở Paris, ở Brussels mới đây cho thấy rõ điều này…
Nhưng đó lại là một câu chuyện khác.