Friday, May 3, 2024
Trang chủĐiểm tin4 lý do Nga không tham dự Thượng đỉnh hạt nhân ở...

4 lý do Nga không tham dự Thượng đỉnh hạt nhân ở Mỹ

Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần thứ 4 đang diễn ra tại Washington của Mỹ. Tuy nhiên, Iran, Triều Tiên và Nga không tham dự. Vì sao Nga lại vắng mặt tại một hội nghị quan trọng như vậy?

Theo trả lời chính thức từ phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 30/3, thì Nga không đến hội nghị này vì “thiếu sự hợp tác lẫn nhau” trong việc định ra chương trình nghị sự.

Mỹ phản bác lại rằng việc Nga không tham gia hội nghị lần này là cách họ tự cô lập và đánh mất cơ hội. Moskva và Washington, chiếm 90% các loại vũ khí hạt nhân của thế giới.

Thực sự thì ai mới bị đánh mất cơ hội ở đây? Tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 3 cách đây 2 năm được tổ chức tại Hà Lan, giữa những bất đồng vô cùng căng thẳng liên quan đến vấn đề Crưm, các cường quốc trong đó có Nga và Mỹ vẫn có thể gạt bỏ tất cả để đưa ra một cam kết chung về giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến hạt nhân hay tăng cường an ninh hạt nhân.

Giới phân tích đưa ra 4 lý do khiến Nga không tới Mỹ để tham dự hội nghị hạt nhân lần này. Và qua những lý do này chúng ta có thể thấy được ai đang bị thiệt.

Thứ nhất, căng thẳng Nga-Mỹ, ngoài mặt là những tuyên bố hàn gắn quan hệ, nhưng thực chất là có sóng ngầm bên trong. Mới đây, Giáo sư Stephen Cohen thuộc đại học Princeton của Mỹ nhận định, việc Mỹ tăng gấp 4 lần chi phí cho các lực lượng của nước này và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có mặt gần biên giới Nga, đang đẩy thế đối đầu Nga – Mỹ vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Thậm chí, nguy cơ này sẽ leo thang thành chiến tranh hạt nhân.

Để đáp lại, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga – Thượng tướng Sergei Karakayev hôm 19/2 cũng công khai tuyên bố Nga đã đưa vào trực chiến hơn 50 tên lửa đạn đạo liên lục địa hoàn toàn mới. Có nghĩa, nước này đã hoàn thành trang bị tên lửa đạn đạo như tuyên bố của Tổng thống Putin hồi tháng 6 năm ngoái.

Qua lời từ chối lần này, Tổng thống Nga Putin chắc chưa sẵn sàng vui vẻ đến dự một sự kiện hạt nhân do Mỹ đăng cai, kể cả khi quan hệ Nga – Mỹ gần đây cải thiện đáng kể. Với Nga, việc không tham dự hội nghị không phải là “tự cô lập” mà thể hiện cái thế của người chiến thắng. Theo giới quan sát, sự có mặt hay vắng mặt của phái đoàn Moskva đều có ý nghĩa quan trọng bởi Nga là một trong những cường quốc sở hữu kho vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới. Thậm chí có ý kiến cho rằng, việc Nga vắng mặt sẽ làm phương hại đến sáng kiến do Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và nguyên liệu phóng xạ. Bởi các quốc gia có thể sẽ hoài nghi về ý tưởng của Mỹ và phản đối tăng cường giám sát quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân của mình.

Thứ hai, Nga không đến Mỹ lần này để tránh rơi vào thế khó xử. Bởi Nga không muốn ủng hộ Mỹ trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Thứ 3, Nga không tham gia Thượng đỉnh tại Washington là do còn lo ngại Mỹ tìm cách hạn chế quyền sở hữu hạt nhân hợp pháp của các quốc gia. Theo các nhà phân tích, Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân dẫn tới việc Mỹ có thể can thiệp ngày càng sâu hơn vào chính sách hạt nhân của các quốc gia được phép sở hữu hạt nhân.

Trong hơn một thập kỷ qua, chính sách ngoại giao của Mỹ chủ yếu tập trung vào việc buộc các chế độ mà Mỹ coi là nguy hiểm phải giải giáp vũ khí hạt nhân. Vậy, ai sẽ đóng vai trò giám sát và đảm bảo rằng, những tổ chức mà Mỹ dựng lên không lấy lý do chống “khủng bố hạt nhân” làm cái cớ để tấn công nước khác như đã xảy ra từ 70 năm trước. Cho đến nay, Nga chỉ coi Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân là nơi để Mỹ và Nga đối thoại riêng.

Hội nghị năm 2012 và 2014 được cho là nhằm duy trì các cuộc đối thoại nhằm kiểm soát vũ khí hạt nhân. Kể từ đó, cả Nga và Mỹ đều quyết định đóng băng mọi cuộc đàm phán chiến lược và không có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc đàm phán này sẽ được tái khởi động. Chính vì thế Nga không muốn tham gia các cuộc đàm phán chỉ đem lại những lợi ích cho Mỹ.

Nga đang gửi đi rất nhiều tín hiệu đến Mỹ và thế giới rằng họ cũng quan trọng, là một cường quốc và họ tự vạch ra con đường của riêng mình. Nga chưa bao giờ ủng hộ đối với Hội nghị này. Họ thích những cơ chế quốc tế rộng lớn hơn.

Cuối cùng, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đến cuối năm nay, ông Obama hết nhiệm kỳ, không ai có thể đảm bảo Tổng thống kế nhiệm sẽ vẫn coi an ninh hạt nhân là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự, nên có thể, hội nghị này chỉ đến đây là kết thúc và không mang lại kết quả đột phá. Điều này vừa được minh chứng. Trả lời đài MSNBC hôm 30/3, ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donal Trump cho biết không loại trừ khả năng cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân tại châu Âu và châu Á nếu ông đắc cử. Có lẽ biết trước hội nghị sẽ thất bại, Nga quyết định không tham dự là vì thế.

RELATED ARTICLES

Tin mới