Theo tờ National Interest, từ năm 2017, hải quân Mỹ sẽ thực hiện giai đoạn hai của chương trình Gia tăng Sức mạnh Tấn công Mục tiêu nổi (OASuW II) để triển khai một loại tên lửa chống hạm mới, tiên tiến hơn, thay thế cho tên lửa Boeing RGM-84 Harpoon hiện có
Kỳ V: Những điểm “nổ”
Phó đô đốc Joseph Aucoin cho biết, chương trình OASuW II sẽ so sánh tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) với loại tên lửa Tomahawk Block IV mới. Giới quân sự cho rằng, bất kể Tomahawk Block IV hay LRASM có ưu thế hơn trong cuộc thử nghiệm thì mục tiêu mà hải quân và không quân Mỹ mong muốn vẫn là giành lại thế chủ động chiến thuật và sức mạnh áp đảo về tên lửa so với đối thủ nặng ký nhất ở Thái Bình Dương.
Nữ tiến sĩ nghiên cứu tại trường Đại học Quốc tế Mỹ Eleni Ekmektsioglou cho rằng, kế hoạch phát triển và triển khai tên lửa siêu thanh giữa Washington và Bắc Kinh, đang đặt ra những thử thách lớn trong khu vực. Đồng thời nhấn mạnh, cuộc đua tên lửa siêu thanh có thể mở đầu cho leo thang căng thẳng giữa các bên trong khu vực Đông Á, gây bất ổn và nguy cơ bùng nổ chiến tranh. Và mấu chốt nằm ở việc theo đuổi công nghệ định vị toàn cầu (CPGS) có độ chính xác cao – có thể tấn công mục tiêu tại bất cứ nơi nào trên thế giới trong khoảng 60 phút. Bắc Kinh coi chương trình của Washington nhằm kiềm chế nước này; và để cân bằng Trung Quốc đã khởi động dự án tên lửa siêu thanh của mình.
Ông Peter Singer, một nhà tương lai học ở Quỹ Nước Mỹ mới cảnh báo, chiến tranh thế giới thứ 3 đang đến gần – Washington có thể phải đối mặt với các cuộc không chiến và những xung đột trên biển hoàn toàn khác biệt với những gì Mỹ đã từng chứng kiến kể từ Thế chiến thứ II. Và một trong những lỗ hổng lớn nhất của Mỹ là không gian mạng – nguy cơ về một “Trân Châu cảng trên mạng” ngày càng hiện hữu.
Theo một khảo sát do Fox News tiến hành hồi hạ tuần tháng 6/2015 cho thấy, người dân Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa thứ hai, sau IS. Trung Quốc trở thành mối lo ngại thứ hai đối với an ninh quốc gia Mỹ bởi những động thái gần đây tại Biển Đông và an ninh mạng liên tục bị tấn công và đánh cắp thông tin mật.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Walker cũng từng tiết lộ, Lầu Năm Góc chuẩn bị thiết lập một trung tâm chỉ huy liên hợp mới để phối hợp tốt hơn khi các tài sản quân sự vũ trụ của Mỹ bị tấn công. Trung tâm này thuộc một phần của chương trình an ninh vũ trụ trị giá 5 tỷ USD do Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu tăng trong ngân sách tài khóa năm 2016.
Giới truyền thông cho rằng, mối quan tâm của Washington về khả năng xảy ra chiến tranh với Trung Quốc đã lặng lẽ làm thay đổi suy nghĩ của quân đội Mỹ – trên nhiều phương diện, quân đội Mỹ đã khôi phục trạng thái giống như “sự kiện 11-9-2001”.
Theo đó, hải quân tiếp tục phát triển tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp Gerald Ford thế hệ mới, máy bay chiến đấu F-35 sẽ gia nhập không quân, hải quân và thủy quân lục chiến trước năm 2019. Không quân Mỹ sẽ mua khoảng 100 máy bay ném bom tầm xa, có thể tấn công các mục tiêu mặt đất và trên biển ở cự ly xa. Máy bay tiếp dầu trên không thế hệ mới KC-46 sẽ gia tăng phạm vi tác chiến trên không của Mỹ ở Âu-Á và Thái Bình Dương. Xe bọc thép Stryker mua sắm trong thời gian chiến tranh Iraq đang được nâng cấp, thay súng 12,7 mm bằng pháo 30 mm…
Trong khi đó, Trung Quốc đang đều đặn tăng cường trang thiết bị quân sự cho các lực lượng vũ trang, đặc biệt là hải quân và có thể sẽ đóng 415 tàu hải quân (99 tàu ngầm, 4 tàu sân bay, 102 tàu khu trục hạm và khu trục nhỏ, 26 tàu hộ vệ, 73 tàu tấn công đổ bộ và 111 tàu tên lửa dẫn đường) cho đến năm 2030. Và đây là đợt tăng cường sức mạnh hải quân lớn của Trung Quốc. Giới quân sự cho rằng, Trung Quốc thách thức Mỹ bằng chiến lược quân sự hướng ra biển.
Tờ Thời báo Hoàn cầu từng tuyên bố, chiến tranh là không thể tránh khỏi giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu Washington tiếp tục cản trở Bắc Kinh tại Biển Đông. Còn trong một bài viết cho tờ The Commentator, Giáo sư Michael Auslin, từng đưa ra 3 tình huống có thể dẫn tới xung đột Mỹ-Trung.
Thứ nhất, tai nạn máy bay trên không phận Biển Đông, tương tự như vụ một chiến đấu cơ Trung Quốc và một máy bay trinh sát của hải quân Mỹ đụng nhau ngoài khơi đảo Hải Nam trước đây. Thứ hai, Trung Quốc cố tình tạo điều kiện cho một vụ đối đầu bằng cách để máy bay theo sát máy bay Mỹ, tăng nguy cơ xảy ra xung đột. Thứ ba, Trung Quốc chặn đầu máy bay đồng minh của Mỹ như Philippines. Cách tiếp cận của Mỹ và Trung Quốc từng được 1 quan chức cấp cao Indonesia than thở rằng: Đừng bỏ rơi, nhưng đừng bắt chúng tôi phải lựa chọn.
(Xem tiếp kỳ sau)