Chi tiêu quốc phòng năm tài khóa 2016 của Nhật Bản cao kỷ lục, Lực lượng Phòng vệ có thể tham chiến ở nước ngoài, chi viện quân sự cho nước khác.
Ngày 29/3, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua phương án ngân sách năm tài khóa 2016 cao kỷ lục là 96.720 tỷ yên (khoảng 851,1 tỷ USD), trong đó 31.970 tỷ yên (khoảng 281,3 tỷ USD) dành cho an sinh xã hội như tăng hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, mở rộng các dịch vụ chăm sóc trẻ em và hỗ trợ các chương trình chăm sóc y tế khác.
Ngoài ra, ngân sách quốc phòng Nhật Bản năm nay cũng lần đầu tiên trên 5.000 tỷ yên (khoảng 44,6 tỷ USD), tăng 1,5% so với năm 2015. Đây là lần đầu tiên chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản vượt qua con số 5.000 tỷ yên, cũng là năm thứ tư liên tiếp tăng trưởng sau khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền lần hai.
Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe nhiều lần tuyên bố, tăng chi tiêu quân sự có lợi cho tăng cường khả năng răn đe của Nhật Bản đối với bên ngoài. Về ngân sách mới của Nhật Bản, Tân Hoa xã – hãng tin nhà nước Trung Quốc ngày 31/3 cho rằng, chính quyền ông Shinzo Abe đã lộ rõ ý đồ biến Nhật Bản thành một “cường quốc quân sự”.
Một phần ngân sách quốc phòng sẽ được Nhật Bản tập trung cho tăng cường phòng thủ các đảo nhỏ, nhất là ở hướng tây nam, đối phó Trung Quốc, đồng thời mua sắm các tàu khu trục Aegis có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Trung Quốc và Nhật Bản đang tồn tại tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku / Điếu Ngư và quyền lợi ở biển Hoa Đông. Trung Quốc tìm mọi cách tạo ra ưu thế quân sự áp đảo để thúc đẩy các “yêu sách quá mức” trong khu vực như người Mỹ đã chỉ rõ.
Tranh chấp Trung-Nhật ở vùng biển đảo Senkaku |
Hiện nay, Nhật Bản cũng có tiềm lực quốc phòng khá mạnh. Thủ tướng Shinzo Abe đang thúc đẩy thực thi “chủ nghĩa hòa bình tích cực”, phát huy vai trò của Nhật Bản trong các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, ngày 29/3/2016, Nhật Bản đã chính thức thực thi Luật An ninh mới. Luật này chủ yếu mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ ở nước ngoài và thực thi quyền phòng vệ tập thể. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ có quyền tham chiến để bảo vệ các đồng minh khi họ bị tấn công vũ trang, cho dù khi đó Nhật Bản không bị đe dọa trực tiếp.
Nhật Bản có thể triển khai lực lượng ở mức tối thiểu cần thiết trong trường hợp một nước mà Nhật Bản có quan hệ gần gũi bị tấn công và khi có các điều kiện như đe dọa sự sống còn của Nhật Bản, có mối nguy cơ rõ ràng phá hoại quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân, khi không còn sự lựa chọn nào khác.
Trong tương lai, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn cầu, tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và tham gia chi viện cho các hành động quân sự của đồng minh.
Dư luận quốc tế có nhiều quan điểm cho rằng, Nhật Bản thực hiện chính sách an ninh mới là một bước đi cần thiết trong bối cảnh Trung Quốc đang ra sức mở rộng các hoạt động quân sự ở khu vực, nhất là trên các vùng biển ở Tây Thái Bình Dương, trong đó có quân sự hóa Biển Đông.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong Lễ duyệt binh tròn 60 năm của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản |
Hãng tin Reuters Anh dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, Luật An ninh mới “rất quan trọng trong việc ứng phó với các thách thức mới” của Nhật Bản, “bao gồm sự trỗi dậy của Trung Quốc”.
Không bằng lòng với chính sách của Nhật Bản, Trung Quốc sử dụng bộ máy truyền thông đẩy mạnh chỉ trích chính sách quốc phòng-an ninh của Nhật Bản, cho rằng, chính sách mới này đang thúc đẩy chạy đua vũ trang, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực.
Ngày 29/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng kêu gọi Nhật Bản “rút ra bài học lịch sử, đi con đường phát triển hòa bình, thận trọng trong chính sách quân sự, an ninh”.