Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, có thể chi viện những nước tồn tại tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Luật An ninh mới của Nhật Bản ngày 29/3 chính thức được thực hiện, đánh dấu Nhật Bản đang dỡ bỏ quyền tự vệ tập thể, có thể lấy lý do bảo vệ đồng minh để điều quân ra nước ngoài.
Lữ Diệu Đông, chủ nhiệm Phòng nghiên cứu ngoại giao, Viện nghiên cứu Nhật Bản, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã tiến hành đánh giá chi tiết đối với quyết định dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể của Nhật Bản.
Lữ Diệu Đông cho rằng, ảnh hưởng lớn nhất sau khi Luật An ninh mới có hiệu lực chính là Nhật Bản từ một nước chỉ có thể bị động ứng phó chiến tranh đã trở thành một nước có thể chủ động phát động chiến tranh.
Nhật Bản là nước bại trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Hiến pháp của họ quy định Nhật Bản không thể chủ động phát động chiến tranh, mà chỉ sau khi bị tấn công mới có thể tự vệ, đáp trả.
Điều 9 Chương II của Hiến pháp Nhật Bản quy định: “(Nhật Bản) vĩnh viễn từ bỏ lấy chiến tranh được phát động bằng quyền quốc gia, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực làm thủ đoạn giải quyết tranh chấp quốc tế”.
Chính vì chỉ có quyền đáp trả khi bị tấn công, bộ Hiến pháp này cũng được gọi là “Hiến pháp hòa bình”. Hiến pháp hòa bình cũng được coi là cam kết công khai của Nhật Bản đối với thế giới sau khi tổng kết bài học từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Lữ Diệu Đông cho rằng, sau khi thông qua Luật An ninh mới, trong tình hình bản thân chưa bị tấn công, Nhật Bản có thể tự phán đoán đồng minh của họ bị tấn công hoặc các cuộc xung đột ở khu vực xung quanh đã ảnh hưởng hoặc đe dọa đến Nhật Bản, tiến tới điều quân đội ra nước ngoài, đây là “quyền tự vệ tập thể”.
“Nhật Bản đã trở thành một nước có thể chủ động phát động chiến tranh, cho nên đây là một sự thay đổi quan trọng”.
Do đó, Lữ Diệu Đông cho rằng, Nhật Bản có thể phát động chiến tranh chắc chắn đã trái với quy định của Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản, bị một bộ phận dư luận Nhật Bản phản đối.
Theo Lữ Diệu Đông, để tuyên truyền cho bộ luật này, sau khi lên cầm quyền vào năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nỗ lực thông quan phương thức sửa đổi Hiến pháp để xác lập tính hợp pháp của quyền tự vệ tập thể.
Căn cứ vào quy định của luật pháp Nhật Bản, chỉ cần Thượng viện và Hạ viện Nhật Bản đều có hơn 2/3 nghị sĩ đồng ý, sẽ có thể khởi động chương trình sửa đổi Hiến pháp.
Hiện nay, liên minh cầm quyền do ông Shinzo Abe lãnh đạo đã có 2/3 số ghế ở Hạ viện, chỉ cần giành được 86 ghế trong cuộc bầu cử Thượng viện thời gian tới, sẽ có thể phát động thành công chương trình sửa đổi Hiến pháp.
Về ảnh hưởng từ Luật An ninh mới của Nhật Bản chính thức có hiệu lực, Lữ Diệu Đông cho rằng, lần này, Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể chủ yếu thể hiện ở 3 phương diện: “Luật tình trạng vùng xám”, “Luật tình trạng ảnh hưởng quan trọng” và “Luật tình trạng khủng hoảng tồn vong”, trực tiếp liên quan đến vấn đề đảo Senkaku, tình hình eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, thậm chí toàn bộ Biển Đông, có ảnh hưởng quan trọng đối với TQ và cân bằng tình hình toàn bộ Tây Thái Bình Dương.
Thứ nhất là “Luật tình trạng màu xám”, tức là, căn cứ vào Luật An ninh mới, Chính phủ Nhật Bản có thể điều Lực lượng Phòng vệ (quân đội) ra nước ngoài can thiệp khi phán đoán Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (cảnh sát biển) không thể giải quyết vấn đề.
Lữ Diệu Đông cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng tương đối lớn tới quan hệ Trung-Nhật, nhất là liên quan đến các đảo ở hướng tây nam như đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Hiện nay, trong phạm vi 12 hải lý của đảo Senkaku chỉ có Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Trước đây, khi có người Trung Quốc xâm nhập lên đảo đã tạo ra lý do cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản lên đảo.
Trong tương lai, nếu có lý do hợp lý, từ cảnh sát biển cho đến quân đội đều có thể đổ bộ lên đảo. Đây là một bước tiến rất lớn.
Ngoài ra, thủ tục điều quân của Lực lượng Phòng vệ đã được đơn giản hóa. Lữ Diệu Đông cho rằng, trước đây, việc điều Lực lượng Phòng vệ cần được Quốc hội Nhật Bản thảo luận, thông qua;
Hiện nay chỉ cần Hội đồng An ninh Quốc gia đứng đầu là Thủ tướng Shinzo Abe đồng ý là được. Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản gồm có 4 người: Thủ tướng, Chánh văn phòng nội các, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng.
Thứ hai là “Luật tình trạng ảnh hưởng quan trọng” (trước đây là “Luật tình trạng xung quanh”). Tức là, Nhật Bản phán đoán, khi xung đột vũ lực trong cộng đồng quốc tế đã ảnh hưởng đến Nhật Bản, trong các hành động quân sự được Liên hợp quốc cho phép, tiến hành chi viện phía sau.
Lữ Diệu Đông cho rằng, eo biển Đài Loan liên quan đến tuyến đường hàng hải của Nhật Bản. Nếu eo biển Đài Loan xảy ra sự cố, Nhật Bản có thể dựa vào luật này điều quân chi viện hậu cần.
Mặc dù hiện nay Nhật Bản còn chưa thể trực tiếp tiến hành can thiệp vũ lực, nhưng họ chắc chắn muốn làm điều đó.
Lữ Diệu Đông cho rằng, “Luật tình trạng xung quanh” trước đây liên quan đến Đài Loan và bán đảo Triều Tiên, “Luật tình thế ảnh hưởng quan trọng” hiện nay làm cho sự can thiệp của Nhật Bản không chỉ giới hạn ở địa lý, mà là thông qua đánh giá mức độ ảnh hưởng của các sự kiện đối với Nhật Bản, đã mở rộng phạm vi can thiệp của Nhật Bản.
Thứ ba là “Luật tình thế khủng hoảng tồn vong”. Căn cứ vào Luật An ninh mới, nếu đồng minh hoặc quốc gia có liên quan đến an ninh của Nhật Bản bị tấn công, Nhật Bản phán đoán sự tồn vong của mình đã bị đe dọa thì họ có thể thông qua Hội đồng An ninh Quốc gia do Thủ tướng đứng đầu để quyết định, điều Lực lượng Phòng vệ thực hiện quyền tự vệ tập thể.
Lữ Diệu Đông cho rằng, Nhật Bản đặc biệt đề cập đến vấn đề Biển Đông, nếu các nước có liên quan đến Nhật Bản bị tấn công, Nhật Bản sẽ hành động. Thực ra, đây chính là những nước tồn tại tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Nhật Bản đang cân nhắc phối hợp với Mỹ tiến hành tuần tra ở Biển Đông.