Những hoạt động của Trung Quốc ở Hoàng Sa sẽ cho cơ sở để tiên đoán về các hoạt động tương tự ở Trường Sa. Bắc Kinh có thể hành động tương tự như đã làm.
USNI News ngày 30/3 đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua 30/3 công khai xác nhận thông tin trên báo chí tuần trước về việc nước này bố trí (bất hợp pháp) tên lửa chống hạm YJ-62 trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).
Trong vài tháng qua Trung Quốc đã liên tục kéo vũ khí ra Phú Lâm, Hoàng Sa kể từ khi cất quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo này của Việt Nam năm 1956, 1974. Tháng trước, Trung Quốc đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 tại đây.
Chris Carlson, một nhà phân tích hải quân nói với USNI News: “Theo cá nhân tôi, Trung Quốc đang muốn thể hiện rõ rằng, bất cứ nỗ lực nào họ cho là xâm nhập bằng đường không hay trên mặt biển, họ sẽ đáp trả với cái cớ phòng vệ.”
Học giả Bryan Clark từ Trung tâm Phân tích Hải quân và đánh giá ngân sách – chiến lược (CSBA) cho USNI News biết, trong một cuộc xung đột mở, vị trí cố định của Phú Lâm làm cho các hệ thống tên lửa Trung Quốc dễ trở thành mục tiêu tiêu diệt của vũ khí đối phương.
Tuy nhiên các loại vũ khí này lại có tác dụng đe dọa, cưỡng ép các nước láng giềng Trung Quốc hay hoạt động của Mỹ tại khu vực này trong thời bình. Tên lửa Trung Quốc có thể đe dọa lực lượng quân sự Mỹ với một cuộc tấn công bất ngờ.
“Nếu Mỹ triển khai lực lượng tương tự trên một căn cứ quân sự ở đảo Palawan, Philippines gần với Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động của quân đội Trung Quốc” Andrew Erickson, Giáo sư Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ nhận định.
Ông lưu ý: “Những hoạt động của Trung Quốc ở Hoàng Sa sẽ cho cơ sở để tiên đoán về các hoạt động tương tự ở Trường Sa. Bắc Kinh có thể hành động tương tự như đã làm ở Hoàng Sa với cái cớ rằng, họ sẽ triển khai cơ sở hạ tầng và hệ thống mạnh mẽ ở Trường Sa chỉ khi buộc phải làm như vậy, vì Washington bỏ qua thông điệp của Bắc Kinh”.
Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin ngày 30/3 cũng được Sputnik News dẫn lời nhận xét, lực lượng không quân Mỹ sẽ đóng vai trò chính trong sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại 5 căn cứ ở Philippines.
Duy trì sức mạnh không quân đáng kể, thường xuyên sẵn sàng chiến đấu trong khu vực là cách duy nhất để Mỹ bù đắp trước tổn thất lợi thế chiến lược tạo ra sau khi Trung Quốc xây dựng sân bay trên đảo nhân tạo (phi pháp) ở Biển Đông.
Tuy nhiên ông Kashin cũng lưu ý rằng, một hệ quả rõ ràng của việc Mỹ triển khai lực lượng đến 5 căn cứ mới tại Philippines là Trung Quốc sẽ vin cớ kéo kho tên lửa tầm trung ra Biển Đông. Có lẽ dư luận sẽ chứng kiến sự gia tăng nhất định nào đó lực lượng tên lửa Trung Quốc ở Biển Đông với các lữ đoàn DF-21C hoặc DF-26.
Vì vậy bất chấp tuyên bố của các bên về cam kết giải quyết căng thẳng, tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, căng thẳng đang ngày càng leo thang trên Biển Đông. Không bên nào có ý định nhượng bộ, ông Kashin bình luận.
Cùng chung đánh giá về nguy cơ xung đột bùng nổ trên Biển Đông, The New York Times ngày 31/3 cho biết, 2 tuần trước tại Lầu Năm Góc đã diễn ra một cuộc họp của đội ngũ quan chức phụ trách, tham mưu chính sách an ninh quốc gia của ông Obama để thảo luận về hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, Thái Bình Dương.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ tướng Joseph F. Dunford Jr đã hỏi Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương: “Liệu có khả năng đi đến chiến tranh ở bãi cạn Scarborough hay không?”
Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã làm rõ, Mỹ không muốn có một cuộc chiến tranh với Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng Nhà Trắng cũng quyết không để Biển Đông lọt vào tay Trung Quốc. Đó là lý do tại sao các quan chức quân sự Mỹ lo ngại về xu hướng Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.
James Clapper, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ tháng trước đã báo cáo Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng, Trung Quốc sẽ tăng đáng kể năng lực tấn công các nước láng giềng trong khu vực và khả năng nhanh chóng triển khai sức mạnh quân sự trong khu vực vào năm tới.