Friday, July 26, 2024
Trang chủBiển nóngVẫn chuyện “ao nhà” của ông Tập

Vẫn chuyện “ao nhà” của ông Tập

Mới đây tại cuộc gặp gỡ Tổng thống Barack Obama diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ 4 được tổ chức tại Washington hôm 31-3, ông Tập Cận Bình đã không úp mở nói trắng ra rằng, Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ hành vi nào dưới danh nghĩa tự do hàng hải mà lại vi phạm chủ quyền và gây tổn hại đến lợi ích an ninh của nước này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama bất đồng về tình hình Biển Đông

Ô hay, vẫn bổn cũ soạn lại. Rằng từ lâu Trung Quốc đã coi Biển Đông là cái ao nhà của mình, với đường lưỡi bò phi lý, không hề có kinh độ, vĩ độ, không có bất cứ một cơ sở pháp lý nào, nuốt gần hết 80% Biển Đông. Thử hỏi các chủ quyền ấy là chủ quyền nào, khi mà bất chấp sự phản đối của các quốc gia, Trung Quốc vẫn ngang nhiên biến trái thành phải, biến các vùng không tranh chấp thành có tranh chấp. Và gần đây là hàng loạt các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông. Chiến lược này nhằm lấn từng bước, nhằm tiến tới độc chiếm hoàn toàn khu vực này.

Nhớ lại cách đây chưa lâu, hồi tháng 9-2015, trong chuyến thăm Mỹ, ông Tập lớn tiếng tuyên bố, nước này “không theo đuổi việc quân sự hóa ở Biển Đông”. Trong khi người đứng đầu nhà nước đang cao giọng nhân nghĩa thì trên Biển Đông, quân lính của họ đang hối hả làm đường băng dài tới 3000 mét, đủ để máy bay dân sự hạ cánh trên bãi đá Vành Khăn ở Trường Sa. Còn ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa họ đưa tên lửa HQ-9, có tầm bắn lên tới 230 km, đủ khả năng khống chế cả một vùng rộng lớn trên biển. Và rồi, cùng với tên lửa là các loại máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-11 và máy bay ném bom Tây An JH-7 tiếp tục được đưa ra đảo này.

Những hành động tương tự chắc chắn không dừng lại. Sẽ còn những gì diễn ra nữa? Theo các nhà quan sát, tháng 6-2016 là thời điểm Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra phán quyết dựa trên đơn kiện của Philippinne.Vậy nên từ nay đến đó, ông Tập và các bộ óc bành trướng ở Trung Nam Hải muốn đặt mọi thứ vào chuyện đã rồi.

Mặc dù không có tranh chấp trên Biển Đông, nhưng Mỹ luôn luôn nhấn mạnh lợi ích hàng hải tại khu vực này và đã tiến hành nhiều hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ có cuộc trao đổi thẳng thắn về các lĩnh vực mà chúng tôi có sự khác biệt, là các vấn đề như nhân quyền, không gian mạng và các vấn đề tranh chấp hàng hải”, thế nhưng trước thái độ của ông Tập, B.Obama lại dường như chưa tỏ thái độ cứng rắn. Phải chăng Mỹ yếu thế vì còn có nhiều phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế? Bởi sự phụ thuộc về kinh tế sẽ dẫn tới những thương lượng ràng buộc lẫn nhau để cùng tồn tại hòa bình. Theo các nhà phân tích, thời điểm hiện tại, Mỹ đang phụ thuộc Trung Quốc nhiều hơn. Kể từ khi Mỹ và đồng minh lập ra tổ chức thương mại Thế giới (WTO) vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước và mời Trung Quốc tham gia, sự phụ thuộc lẫn nhau trong những ngành công nghiệp do WTO xúc tiến đã khiến cho Trung Quốc có thêm quyền lực về kinh tế. Điều này khác xa so với thời kỳ Chiến tranh lạnh. Bấy giờ Mỹ luôn quan tâm vấn đề bảo đảm cùng tồn tại với các đồng minh như Nhật Bản, Anh, Đức. Lầu Năm góc hoàn toàn không phụ thuộc vào các đồng minh thân cận, dù đó là những loại hàng hóa quan nào. Thời một mình một chợ đã qua. Hiện tại, Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc ngày càng nhiều, bởi phần lớn sản phẩm dân Mỹ dùng được sản xuất tại quốc gia này, chẳng hạn có tới gần 100% linh kiện điện tử và hóa chất ở Mỹ được làm từ Trung Quốc. Chưa kể, một số chất hóa học do Trung Quốc sản xuất được dùng để sản xuất những loại dược phẩm quan trọng nhất ở Mỹ.

Trung Quốc còn lợi thế hơn nhiều so với Mỹ về địa chính trị ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Đây là tuyến đường biển vận chuyển hàng hóa rất lớn trên thế giới. Và đây cũng là tuyến đường hàng hải quan trọng, mỗi ngày có khoảng 10 triệu thùng dầu được vận chuyển qua Biển Đông. Vì những lý do nêu trên, các nhà nhận định, phân tích tình hình cho rằng, Mỹ sẽ phải tính toán rất kỹ khi dùng vũ lực với Trung Quốc, nhất là trước tham vọng biển khôn cùng, và những hành động gây hấn liên tục của Trung Quốc.

Người Tầu xưa nay có nhiều mưu sau kế hiểm, trong đó có kế: “vô trung sinh hữu, vô hữu sinh trung”, nghĩa là không có làm thành có, có mà biến thành không. Biến những vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp. Ngang ngược tuyên chủ quyền ở những khu vực thuộc chủ quyền lãnh thổ,lãnh hải của quốc gia khác. Rồi ráo riết đẩy tới các hoạt động quân sự trên Biển Đông…

Hãy chờ xem Tổng thống Mỹ “trao đổi thẳng thắn” về những tranh chấp hàng hải như thế nào! Nếu Mỹ không tỏ thái độ cứng rắn thì Trung Quốc sẽ còn giở nhiều mưu kế khác. Như kế “đả thảo kinh xà” (đập cỏ cho rắn sợ). Đến Ông lớn như Mỹ còn kiềng mặt, thì các ông nhỏ khác có là gì trước con mắt của kẻ có máu bành trướng từ mấy nghìn năm nay. Đừng để ‘giấc mơ Trung Hoa” trở thành ác mộng cho nhân loại.

RELATED ARTICLES

Tin mới