Bức tranh Biển Đông tuần qua nổi lên với việc Việt Nam phản đối Đài Loan đưa phóng viên ra đảo tranh chấp Ba Bình, những cuộc đụng độ giữa các tàu của Trung Quốc với Indonesia và Philippines và việc một số nước xích lại gần nhau để đối phó với tình hình căng thẳng ở Biển Đông.
Ngày 23/3, Đài Loan đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế bằng cách đưa một nhóm phóng viên hơn 20 người do Thứ trưởng Ngoại giao Bruce Linghu dẫn đầu ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền đối với thực thể này, đồng thời thách thức nội dung kiện của Philippines tại Tòa trọng tài quốc tế về quy chế đảo của Ba Bình. Đây là hành động tiếp nối của chuyến thăm đầu năm của Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu ra đảo này. Phát biểu với báo giới, ông Mã cũng cho biết, bên cạnh việc tổ chức đoàn phóng viên đi thực tế, Đài Loan cũng đã chính thức mời Hội đồng trọng tài trong vụ kiện Trọng tài Biển Đông ở La Haye và một số đại diện của Philippines cùng ra Ba Bình. Hành động này đã tạo ra phản đối từ các bên tranh chấp liên quan. Ngày 24/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng phản đối, khẳng định Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhấn mạnh việc Đài Loan bất chấp sự quan ngại và phản đối của Việt Nam tiến hành đưa phóng viên ra đảo Ba Bình là hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, khiến cho căng thẳng leo thang. Về phía Philippines, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose tỏ ra cảnh giác với lời mời ra thăm đảo của Đài Loan, cho rằng tất cả các bên liên quan kiềm chế, không tiến hành các hành động có thể khiến tình hình Biển Đông căng thẳng hơn. Liên quan đến việc Ba Bình là đảo hay đá, ông Charles Jose cũng cho biết, vấn đề này sẽ do Tòa trọng tài quyết định.
Đài Loan vốn là một bên trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, tuy nhiên lại không phải là một quốc gia được công nhận chính thức, không được tham gia vào các cuộc đàm phán với các bên tranh chấp khác. Vì vậy, việc Đài Loan đẩy mạnh các hoạt động trên biển gần đây cho thấy chính quyền Đài Bắc đang lợi dụng tình hình bất ổn ở Biển Đông, tiến hành các biện pháp ngoại giao nhân dân để củng cố cho yêu sách lãnh thổ của mình.
Trong một diễn biến khác, theo tin từ tờ Today Online, ngày 20/3, tàu KP Hiu 11 của Indonesia đã bắt giữ tàu cá Kway Fey 10078 và 8 thuyền viên của Trung Quốc do đánh cá trái phép trong vùng biển cách đảo Natuna của Indonesia chưa đầy 3 hải lý. Tuy nhiên, việc bắt giữ đã không thành do một tàu hải cảnh của Trung Quốc ở gần đó đã xuất hiện và đâm vào tàu Kway Fey 10078 nhằm đưa tàu này trở lại Biển Đông. Một số nhà quan sát đánh giá, việc tàu hải cảnh của Trung Quốc có mặt tại khu vực và ngay lập tức lao vào giải cứu tàu cá cho thấy phía Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng trước cho tình huống này. Vụ va chạm này rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà thực chất là nằm trong âm mưu hiện thực hóa chính sách bá quyền, vừa ăn cướp vừa la làng của Bắc Kinh.
Về mặt ngoại giao, truyền thông, phía Trung Quốc lại đưa ra một phiên bản khác của vụ việc. Ngay tối 20/3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta đã đưa ra tuyên bố cho rằng tàu cá Kway Fey 10078 đang hoạt động “trong vùng đánh cá truyền thống”. Ngày 21/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên tiếng bào chữa, cáo buộc tàu cá Kway Fey 10078 “bị tấn công bởi một tàu có vũ trang của Indonesia” và tàu hải cảnh của Trung Quốc chỉ đơn thuần là tới “bảo đảm an toàn cho cá nhân các thuyền viên”.
Để giải quyết vụ việc, các quan chức của Indonesia đã tiến hành nhiều biện pháp cứng rắn. Ngày 21/3, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi triệu Đại biện Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta Sun Weide để phản đối hành động tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Indonesia. Indonesia từ chối yêu cầu thả người của phía Trung Quốc, khẳng định những ngư dân này sẽ bị đưa ra xét xử, đồng thời cảnh báo Indonesia có thể sẽ kiện Trung Quốc trước tòa trọng tài quốc tế. Trong bối cảnh Trung Quốc và Indonesia vốn có mối quan hệ tốt, phản ứng vừa qua của Indonesia có thể sẽ khiến cho quan hệ hai bên bị ảnh hưởng. Một số nhà phân tích đưa ra dự đoán Indonesia sẽ từ bỏ chiến lược không liên minh, thay đổi chính sách đối với nước láng giềng Trung Quốc khó chơi.
Trong khi căng thẳng xung quanh đảo Natuna leo thang thì tại bãi cạn Scarborough, tàu hải cảnh của Trung Quốc lại xảy ra đụng độ với tàu của Philippines. Báo chí Philippines đưa tin 11 ngư dân của nước này đã bị tàu của Trung Quốc đâm và buộc phải rời khỏi khu vực bãi Scarborough sau khi chống trả bằng một số loại vũ khí thô sơ là dao và giáo mác. Cũng tương tự như kịch bản ở Natuna, Người phát ngôn Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lại lật ngược bản chất vụ việc, cho rằng ngư dân Philippines “vung đao và ném 5 quả bom, thể hiện thái độ gây hấn và tấn công tàu của quan chức và lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc”. Bà Hoa thậm chí còn vin ngay vào lý do này để làm cớ cho việc Trung Quốc sẽ “tăng cường giám sát” vùng biển quanh khu vực này. Tổng thống Philippines Benigno Aquino III ngay sau đó đã ra tuyên bố thành lập Lực lượng đặc nhiệm quốc gia ở Biển Đông nhằm xử lý những tình huống tương tự như vậy.
Trong bối cảnh các bên xung đột lẫn nhau ở Biển Đông, Philippines và Mỹ lại đưa ra tuyên bố về một thỏa thuận kéo dài 10 năm cho phép quân đội Mỹ hiện diện luân phiên tại 5 căn cứ quân sự của Philippines. Mặc dù cả Mỹ và Philippines đều khẳng định việc triển khai quân này “không mang tính gây hấn”, chỉ nhằm “bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả hai nước”, Bắc Kinh vẫn tỏ ra không hài lòng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngờ vực liệu đây có phải là hành động quân sự hóa hay không. Tờ Tân Hoa xã còn đưa ra bài xã luận, trong đó cảnh báo Mỹ “làm đục nước Biển Đông và biến Châu Á-Thái Bình Dương thành Trung Đông thứ hai sẽ không có lợi cho Mỹ”. Trong khi đó, trang IHS Jane’s lại vừa đưa ra các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai và thử nghiệm phiên bản mặt đất của tên lửa chống hạm YJ-62 trên đảo Phú Lâm. Thông tin này càng làm củng cố thêm sự thật chính Trung Quốc mới là kẻ đang tiến hành quân sự hóa, độc chiếm Biển Đông.
Rõ ràng, Trung Quốc không hề muốn Mỹ hay bất cứ nước nào ngoài khu vực chen chân vào Biển Đông. Trong tuần qua, Japan Times đăng tải tin tức cho biết Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ về việc Nhật Bản dự định đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima sắp tới. Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu thậm chí còn đặt ra câu hỏi liệu Nhật có thực tâm muốn đẩy mạnh quan hệ Trung – Nhật hay không. Phản bác lại lời chỉ trích này, Tokyo đã thẳng thắn nói rằng cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận các hoạt động xây dựng và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo bài viết đăng trên Korea IT Times, Choe Nom-Suk đã mạnh mẽ khẳng định Bắc Kinh đang quân sự hóa không chỉ Biển Đông mà cả biển Hoa Đông. Thực tế này khiến cho cộng đồng quốc tế không khỏi hoài nghi về cam kết không quân sự hóa mà Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Washington tháng 9 năm ngoái. Greg Austin đã có bài viết trên The Diplomat ngày 23/3 phân tích về cách hiểu của Tập Cận Bình cũng như chính quyền Trung Quốc về khái niệm “quân sự hóa”. Theo đó, ông Tập cam kết không quân sự hóa Trường Sa không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không đưa binh lính và lập căn cứ đồn trú ở đó. Tập và Trung Quốc sẽ làm cho Biển Đông bị quân sự hóa chớm đến độ chuẩn bị có xung đột quân sự rồi tạm ngừng. Âm mưu này nham hiểm ở chỗ nếu sau đó xảy ra bất cứ sự kiện nào do một bên tranh chấp hay một nước thứ ba nào đó, xung đột quân sự sẽ nổ ra, và khi đó Trung Quốc sẽ thoát được tội châm ngòi chiến tranh. Vì thế, cần phải tỉnh táo, không nên tin vào những lời nói hoa mỹ chỉ đẹp đẽ ở bên ngoài nhưng xấu xa về thực chất mà Trung Quốc đưa ra.
Bàn về những kịch bản sắp tới cho vấn đề Biển Đông, nhiều chuyên gia đưa ra các ý kiến khác nhau. Trong khi Stefan Talmon gợi ý Trung Quốc nên rút khỏi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, Tara Davenport phản bác mạnh mẽ đề xuất này.Nelson Chou trong bài viết “Chiến tranh Lạnh ở Biển Đông” trên tờ Brown Poticial Review đề xuất Mỹ một mặt giữ mối trạng thái không đối đầu trong quan hệ với Trung Quốc nhưng mặt khác nên cung cấp vũ khí cho Việt Nam và Philippines để ngăn chặn Trung Quốc mở rộng tầm kiểm soát. Jeffrey Bader cũng đưa ra 3 lựa chọn chính sách cho Mỹ để đối phó với thách thức mang tên Trung Quốc.
Comments are closed.