Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngCuộc chiến “tàu vỏ trắng” trên Biển Đông

Cuộc chiến “tàu vỏ trắng” trên Biển Đông

Trong bài phân tích mang tựa đề “Cuộc chiến tranh “tàu vỏ trắng” trên Biển Đông” đăng trên Tạp chí The National Interest (Mỹ) mới đây, tác giả Koh Swee Lean Collin –  một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam có trụ sở tại Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore, đã đánh giá khá đầy đủ tương quan lực lượng giữa các tàu tuần duyên Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trên Biển Đông. Theo đó, “tàu trắng” Trung Quốc đã trở thành “hung thần” ở Biển Đông và đang có một cuộc chiến không cân sức giữa các tàu tuần duyên của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Dẫn lý luận của Harold Kearsley viết trong cuốn Maritime Power and the Twenty-First Century (Sức mạnh hàng hải và Thế kỷ XXI) năm 1992, tác giả cho biết, trên biển khơi, người ta thường phân biệt hai lực lượng: “Tàu trắng” – tức là các chiếc tàu tuần duyên hay cảnh sát biển và “tàu xám” – tức là lực lượng hải quân. Lực lượng tàu trắng được cho là ôn hòa và không đại diện cho vũ lực, trong lúc tàu xám được gắn với khái niệm chiến tranh. Tuy nhiên, thực tế có thể khác xa lý thuyết, “bồ câu nhiều khi có thể biến thành diều hâu” tùy vào quan điểm và cách mỗi quốc gia sử dụng các lực lượng đó ra sao. Trung Quốc là một trường hợp như vậy. Những sự cố trên Biển Đông trong những năm gần đây đã cho thấy “tàu trắng” có thể trở nên hung dữ trong lúc Hải quân thì lại tương đối ôn hòa.

Nói về thực lực, hạm đội “tàu trắng” Trung Quốc, mang tên chính thức là Hải cảnh, tức là Cảnh sát biển, hậu thân của các lực lượng Hải giám và Ngư chính nước này, hùng hậu hơn nhiều so với các đội tàu yếu hơn nhiều của các đối thủ Đông Nam Á tại Biển Đông.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng không cân sức này là việc các chính phủ Đông Nam Á nói chung đã dành nguồn lực vốn đã hạn chế tập trung cho hải quân và chi quá ít cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, thậm chí còn khá thờ ơ đối với ngành này. Phải đến những năm 2000, khi khu vực chứng kiến một sự bùng lên của nạn cướp biển và tội phạm hàng hải xuyên quốc gia thì các lực lượng kiểu như cảnh sát biển mới được thành lập và mở rộng để đối phó với tình trạng này. Malaysia thành lập Cơ quan Thực thi pháp luật hàng hải Malaysia (MMEA) vào năm 2005, trong lúc Indonesia đổi tên cơ quan điều phối của mình thành BAKAMLA vào năm 2014. Tại Việt Nam, lực lượng Ngư chính mới thành lập đã góp mặt cùng với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hình thành năm 2013.

Trên nguyên tắc, các cơ quan cảnh sát biển có nhiệm vụ giảm bớt gánh nặng cho lực lượng Hải quân trong thời bình và tạo điều kiện cho việc thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển, được ghi trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Tuy nhiên, theo dữ liệu trong bản báo cáo Cán cân quân sự mới nhất năm 2016 (Military Balance 2016), so với con số 326 tàu của Hải cảnh Trung Quốc (trong đó có cả 100 tàu có khả năng tuần tra trên biển khơi), lực lượng cảnh sát biển của các nước Đông Nam Á có quy mô khiêm tốn hơn nhiều.

Tàu thuyền của cảnh sát biển Đông Nam Á chủ yếu cũng chỉ bao gồm các loại hoạt động gần bờ, thiếu trang bị, có thể đủ để chống tội phạm lặt vặt trên biển, nhưng cơ bản là bất lực khi phải chống lại những đối thủ to lớn hơn, được trang bị tốt hơn, trong một môi trường xa bờ. Sự kiện một tàu cảnh sát biển Trung Quốc ngang nhiên can thiệp “giải cứu” một tàu cá Trung Quốc bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ ở ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia là một sự cố minh chứng cho những hạn chế nghiêm trọng của lực lượng tuần duyên Đông Nam Á.

Tính chất yếu kém của lực lượng cảnh sát biển tại 4 quốc gia Đông Nam Á được tác giả phân tích như sau:

Indonesia

Lực lượng tuần duyên BAKAMLA của Indonesia chỉ có hơn 100 chiếc tàu trực thuộc nhiều cơ quan cấp dưới khác nhau. Vấn đề là đại đa số những phương tiện này chỉ thích hợp cho các nhiệm vụ gần bờ hay ven biển mà thôi, chẳng hạn như chiếc tàu tuần tra ngư nghiệp Hiu-011, đã can dự vào sự cố với tàu Trung Quốc hôm 19-3 vừa qua. Indonesia chỉ có không đầy 10 chiếc tàu có khả năng tuần tra ngoài biển khơi (OPVs).

Hải quân Indonesia vẫn còn được huy động vào các nhiệm vụ cảnh sát, nhưng số lượng tàu hoạt động được ngoài khơi xa chẳng thấm vào đâu so với diện tích quá lớn của quần đảo Indonesia khổng lồ. Mặt khác, chỉ có 3 trên tổng số 7 chiếc tàu Hải quân Indonesia là túc trực tại vùng quần đảo Natuna, còn phần lớn công việc thực thi luật pháp thì được giao cho cơ quan BAKAMLA thiếu phương tiện.

Malaysia

Tại Malaysia tình hình khá hơn một chút. Hạm đội của cơ quan MMEA có khoảng 190 chiếc tàu. Thế nhưng cũng chỉ có 2 tàu có khả năng thực thi tuyên bố chủ quyền của Malaysia ngoài khơi xa và cả 2 tàu này đều đã khoảng 30 tuổi. Tóm lại, Malaysia có quá ít “tàu trắng”.

Chính vì lý do đó mà trong sự cố ở cụm bãi cạn Nam Luconia hồi tháng 9-2013, Hải quân Malaysia là lực lượng đầu tiên phản ứng với sự xâm nhập của Trung Quốc. Theo biên bản của một kỳ họp Quốc hội Malaysia trong tháng
12-2015, Hải quân và MMEA đã tiến hành 191 và 78 cuộc tuần tra tương ứng, để giám sát các tàu Trung Quốc ở cụm bãi cạn này vào năm 2014. Hai lực lượng này cũng đã tiến hành 241 và 104 cuộc tuần tra tương ứng để thực thi nhiệm vụ này vào năm 2015.

Rõ ràng là cơ quan MMEA rất cần các phương tiện hoạt động ngoài khơi xa. Cho dù sắp tới cơ quan này sẽ được tiếp nhận 7 chiếc tàu mới nữa nhưng chúng cũng sẽ còn mất nhiều thời gian nữa mới đi vào hoạt động, vả lại cũng sẽ vẫn không đủ cho vùng biển rộng lớn của Malaysia.

Philippines

Lực lượng tuần duyên Philippines thì cũng chỉ có 72 chiếc tàu, trong đó có 5 chiếc có khả năng ra ngoài khơi xa. Do đó, lực lượng Hải quân Philippines phải gánh vác trách nhiệm thực thi luật pháp trên Biển Đông, trong khi lực lượng này lại được đánh giá là yếu kém về trang thiết bị nhất so với Hải quân các nước khác trong khu vực. Hệ quả là Hải quân Philippines thường phải chịu phần thua thiệt khi đối đầu với các tàu trắng Trung Quốc.

Tại bãi cạn Scarborough vào tháng 4-2012, tàu tuần duyên Trung Quốc, dù nhỏ hơn, đã ngăn cản được không cho tàu Hải quân Philippines BRP Gregorio del Pilar bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Kể từ đó, cảnh sát biển Trung Quốc canh giữ thường trực vùng bãi cạn này, trong lúc Manila tránh đưa tàu hải quân đến can thiệp.

Rõ ràng là lực lượng tuần duyên Philippines đã bị đối thủ Trung Quốc đè bẹp và như vậy, đã mặc nhiên nhường quyền kiểm soát bãi Scarborough cho Bắc Kinh.

Việt Nam

Việt Nam ở một tư thế khá hơn, với gần 50 tàu Cảnh sát biển, bao gồm hơn 10 chiếc có thể hoạt động ngoài khơi xa. Tuy nhiên, Việt Nam đã thực sự cảm nhận sâu sắc sự thiếu hụt phương tiện của mình qua cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 với Trung Quốc từ tháng 5 đến tháng 7-2014.

Trước hết, do việc tàu của mình thuộc loại nhỏ, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thiếu độ bền cần thiết để bám trụ tại hiện trường và vì vậy cần phải được liên tục luân phiên để duy trì một sự hiện diện thường trực của Việt Nam. Một ví dụ: tàu tuần tra ngoài khơi xa của Trung Quốc có độ bền tương đương với 2 chiếc tàu Việt Nam luân phiên thay thế nhau.

Về cơ bản, năng lực bảo vệ bờ biển của Việt Nam đã bị “căng ra” đến mức tối đa khiến cho các phương tiện phải làm việc quá mức, ảnh hưởng đến thói quen bảo trì bình thường.

Về phần Trung Quốc, Bắc Kinh đã hiểu rõ thế yếu của Đông Nam Á và đang lợi dụng điều này để lấn lướt các đối thủ trong cuộc chiến giành chủ quyền và kiểm soát Biển Đông. Lực lượng tàu trắng nổi trội cả về quy mô lẫn sức mạnh của Trung Quốc chẳng những có thể tạo ra ưu thế gần như tuyệt đối cho Bắc Kinh trong các cuộc đối đầu với lực lượng cảnh sát biển của các nước Đông Nam Á, mà còn tạo ra một “vỏ bọc” che đậy bản chất cho câu chuyện “nạn nhân” của họ trong tranh chấp ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới