Với phần lớn thế giới, lịch sử ghi bằng hình ảnh của cuộc chiến tranh Việt Nam đã được định hình qua một số ít các tác phẩm kinh điển: Bức ảnh của Eddie Adams chụp khoảnh khắc một người lính biệt động bị hành quyết trên đường phố Sài Gòn, ảnh em bé napalm Kim Phúc của Nick Út, ảnh nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu của Malcolm Browne.
1972, Võ Anh Khánh: Các cán bộ cách mạng gặp nhau trong rừng Năm Căn. Họ phải che mặt để giấu kín thân phận, không cho người khác biết về mình, nhằm đề phòng tình huống bị bắt giữ và thẩm vấn. Theo nhiếp ảnh gia Võ Anh Khánh, chuyển ảnh từ nơi này ra miền Bắc là công việc rất khó khăn. Đôi khi các bức ảnh bị thất lạc hoặc bị tịch thu trong lúc đang trên đường ra Bắc.
Rất nhiều bức ảnh nổi tiếng đó là tác phẩm của các phóng viên ảnh, hãng tin phương Tây, hoạt động bên cạnh lính Mỹ và lính Việt Nam Cộng hòa. Nhưng quân giải phóng cũng có hàng trăm phóng viên ảnh chiến trường của riêng họ và những người này đã ghi lại nhiều góc cạnh của cuộc chiến, dưới những điều kiện nguy hiểm nhất.
Gần như các tay máy của quân giải phóng đều tự học và họ làm việc cho Thông tấn xã Việt Nam, Mặt trận giải phóng dân tộc, quân đội hoặc nhiều tờ báo khác nhau. Nhiều người đã giấu tên hoặc dùng tên giả khi gửi về các cuốn phim, với suy nghĩ rằng mình cũng chỉ là một phần nhỏ bé của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vốn lớn hơn nhiều.
Tháng 7/1967, Bảo Hạnh: Tân binh kiểm tra sức khỏe ở Hải Phòng. Hệ thống tuyển quân dựa trên sự tình nguyện của miền Bắc đã chuyển thành chế độ nghĩa vụ quân sự vào năm 1973, khi tất cả nam giới có khả năng chiến đấu đều phải nhập ngũ. Từ một lực lượng chỉ 35.000 người vào năm 1950, quân giải phóng đã tăng số lượng lên hơn nửa triệu người vào giữa những năm 1970. Đây là lực lượng được chính quân đội Mỹ thừa nhận là thuộc hàng tinh nhuệ bậc nhất thế giới.
Trang thiết bị và nguồn vật liệu tạo ảnh rất hiếm hoi. Hóa chất xử lý ảnh thường được trộn trong các ấm trà, cùng với nước suối. Phim đã chụp chỉ được rửa vào ban đêm. Một phóng viên ảnh, ông Trần Ấm, chỉ có một cuộn phim duy nhất, với 70 bức ảnh, để sử dụng trong suốt thời gian chiến tranh diễn ra.
Đối mặt với nguy cơ thiệt mạng do trúng phi pháo, trúng đạn hay từ môi trường độc hại, các nhiếp ảnh gia ấy vẫn không ngại khó khăn, vượt qua hiểm nguy gian khổ để ghi lại đời sống chiến đấu dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh; các phong trào kháng chiến ở đồng bằng sông Mekong và tác động đẫm máu từ cuộc chiến lên dân thường vô tội.
1973, Lê Minh Trường: Một cô du kích đứng gác ở đồng bằng sông Mekong. Nhiếp ảnh gia Lê Minh Trường cho biết: “Bạn có thể tìm thấy những người phụ nữ như thế này ở gần như mọi nơi trong chiến tranh. Cô ấy mới 24 tuổi, nhưng đã mất chồng 2 lần. Cả 2 người chồng của cô ấy đều là quân nhân. Tôi thấy cô ấy là hiện thân của một nữ du kích lý tưởng, người đã có những hy sinh vĩ đại cho đất nước”.
Một số chụp ảnh để ghi lại lịch sử và số khác dùng máy ảnh của họ làm vũ khí trong cuộc chiến tuyên truyền. Do phải chụp ảnh trong bí mật ở miền Nam, phóng viên ảnh Võ Anh Khánh đã không thể đưa ảnh ra Hà Nội. Nhưng ông triển lãm các bức ảnh ngay trong những cánh rừng đước ở đồng bằng sông Mekong để truyền cảm hứng cho lực lượng kháng chiến.
Nhiều bức ảnh trong số này hiếm khi được nhìn thấy ở Việt Nam, chưa nói tới thế giới. Trong những năm 1990, các phóng viên ảnh lừng danh Tim Page và Doug Niven đã bắt đầu lần theo những nhiếp ảnh gia của quân giải phóng còn sống.
1970, Lê Minh Trường: Một người du kích chèo thuyền trên sông qua rừng đước ở đồng bằng sông Mekong. Người Mỹ dùng các loại chất độc diệt cỏ để phá hoại lớp vỏ che chắn tự nhiên của đối phương. Nhiếp ảnh gia Lê Minh Trường đã cảm thấy kinh khủng trước những gì ông chứng kiến, bởi người Việt coi các cánh rừng đước là khu vực có tiềm năng tốt cho hoạt động nông nghiệp và đánh bắt cá.
Một trong số đó vẫn còn giữ một chiếc túi lầm bụi, chứa các cuốn phim âm bản chưa từng được rửa ảnh. Người khác thì giấu các cuộn phim dưới chậu rửa mặt trong buồng tắm. Võ Anh Khánh giữ các thước phim của ông trong một hộp đạn Mỹ, có sử dụng gạo để chống ẩm.
Khoảng 180 bức ảnh chưa từng công bố đó và câu chuyện về những con người can đảm đã làm ra chúng vừa được tập hợp trong cuốn sách Another Vietnam: Pictures of the War from the Other Side (tạm dịch Một Việt Nam khác: Các bức ảnh về cuộc chiến tranh chụp từ phía bên kia).
1974, Lê Minh Trường: Phụ nữ vất vả kéo lưới trên thượng nguồn sông Mekong. Họ đảm nhận một công việc thường chỉ do đàn ông thực hiện.
9/1972, Đoàn Công Tính. Dân quân lục soát tại bãi xác một chiếc máy bay của Hải quân Mỹ bị bắn rơi ở ngoại ô Hà Nội. Đây có vẻ như là mảnh vỡ của chiếc A-7C Corsair II do phi công, Đại úy Hải quân Stephen Owen Musselman điều khiển. Chiếc máy bay này đã trúng tên lửa phòng không (SAM) ngay tại khu vực phía Nam Hà Nội khi đang bay hỗ trợ một nhiệm vụ ném bom của máy bay B-52 trong ngày 10/9/1972. Musselman đã nhấn nút phóng khẩn cấp ra khỏi máy bay trước khi nó đâm xuống đất. Anh bị đưa vào diện mất tích trong lúc làm nhiệm vụ cho tới ngày 1/3/1978, khi bộ trưởng Hải quân phê chuẩn văn bản cho rằng anh đã chết. Ngày 7/7/1981, di cốt được cho là của Musselman đã được chính phủ Việt Nam trao trả lại cho phía Mỹ.
Trong cuốn sách, các phóng viên ảnh đã chia sẻ khá nhiều về công việc của họ. Ông Lâm Tấn Tài cho biết: “Cánh rừng tối đen đó chính là phòng tối khổng lồ của tôi. Vào buổi sáng, tôi thường rửa ảnh tại một con suối rồi phơi chúng trên cây cho khô. Vào buổi chiều, tôi sẽ cắt ảnh và viết chú thích. Sau đó tôi bọc các bức ảnh và phim âm bản trong giấy rồi để gần thân mình. Làm như thế, ảnh sẽ luôn được khô ráo và có thể dễ dàng được tìm thấy nếu tôi bị giết”.
“Tại thời kỳ Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, tôi đã chụp được các bức ảnh đáng nhớ nhất của mình. Tôi chụp được cảnh chiếc máy bay của Thượng nghị sĩ John McCain rơi trên bầu trời Hà Nội. Tôi rất tự hào về bức ảnh đó và muốn nó chuyển tải thông điệp về lòng yêu nước trước mối đe dọa ngoại xâm”, ông Vũ Ba nói.
1972, Lê Minh Trường. Du kích canh gác một tiền đồn trên biên giới Việt Nam – Campuchia, được bảo vệ bởi các ống tầm vông tẩm độc. Tầm vông thường được vót nhọn rồi làm cho cứng lại bằng lửa, trước khi được ngụy trang để bẫy kẻ thù. Những cái bẫy như thế chỉ nhằm gây thương thích chứ không giết chết nạn nhân, bởi người lính bị thương sẽ làm chậm tốc độ của đồng đội và hoạt động cứu thương sẽ làm lộ vị trí của đơn vị.
“Chúng tôi thậm chí còn sáng tạo ra một dạng chụp ảnh bằng đèn flash mới để mô tả những người lính và dân làng của chúng tôi đang sống trong các hầm, hào tránh bom. Chúng tôi chế đèn flash bằng cách đổ thuốc súng vào một thiết bị cầm tay nhỏ rồi dùng diêm đốt thuốc súng. Khi cháy, thuốc súng sẽ tạo đủ lượng ánh sáng mà chúng tôi cần”, phóng viên ảnh Mai Nam chia sẻ.
Nhiếp ảnh gia Dương Thanh Phong thì chia sẻ: “Tôi không chụp ảnh vì giá trị thẩm mỹ. Tôi không nghĩ về vẻ đẹp. Những ngôi nhà cháy nham nhở và các xác chết rõ ràng không đẹp. Bất kỳ giá trị thẩm mỹ nào đó xuất hiện đều sẽ bị thay thế bởi các mục đích của chúng tôi trong việc ghi lại cuộc chiến”.
Ngày không rõ, Hoàng Mai. Quân giải phóng chiến đấu mặt đối mặt với đối phương, tại khu vực dường như là đồng bằng sông Mekong. Bức ảnh hiếm hoi này cho thấy cả hai bên trong chiến trận, với bóng dáng lính Việt Nam Cộng hòa ở góc trên của ảnh và quân giải phóng ở phía dưới. Những người lính giải phóng đã tấn công đối phương từ cả hai cánh trái và phải, có nghĩa đơn vị này của Việt Nam Cộng hòa sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Tháng 9/1965, Minh Đạo. Sử dụng bia tự chế, một đơn vị dân quân đang tập bắn máy bay ở Thanh Trì. Dù sử dụng các khẩu súng trường cổ lỗ có từ thời Thế chiến 2 như thế này, người Việt Nam vẫn có thể bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Đơn vị dân quân này, thuộc Đại đội 6 của làng Yên Mỹ, đã giành danh hiệu Lực lượng Dân quân xuất sắc trong 3 năm liên tiếp.
1973, nhiếp ảnh gia vô danh. Công nhân xây dựng đang thảo luận cách sửa chữa cầu Hàm Rồng. Do đây là tuyến đường duy nhất để máy móc và xe tải hạng nặng đi qua sông Mã nên nó được bảo vệ rất gắt gao. Vài chiếc máy bay Mỹ đã bị bắn rơi gần đó. Một đội tìm kiếm người mất tích của Mỹ đã tìm thấy một số di cốt của các phi công tại đó.
1966, Lê Minh Trường. Binh lính hành quân trên đường mòn Hồ Chí Minh trong dãy Trường Sơn chạy dọc theo Việt Nam. Với quân giải phóng, đường mòn Hồ Chí Minh còn được gọi là đường Trường Sơn.
Tháng 3/1971, Đoàn Công Tính. Du kích Lào dùng voi và sức người kéo hàng tại khu vực gần đường 9 ở Nam Lào, trong thời kỳ chính quyền Việt Nam Cộng hòa tìm cách kiểm soát cung đường này. Màn tấn công của quân đội Việt Nam Cộng hòa, trong chiến dịch Lam Sơn 719, nhằm kiểm tra khả năng của lực lượng này trong bối cảnh sự hỗ trợ từ Mỹ đang giảm dần. Tuy nhiên chiến dịch đã kết thúc trong thảm họa, với nhiều người lính Việt Nam Cộng hòa bỏ chạy trong hoảng sợ.
15/9/1970, Võ Anh Khánh. Một nạn nhân của hoạt động ném bom do Mỹ thực hiện, anh du kích người Campuchia có tên Danh Son Huol, đang được đưa tới phòng phẫu thuật nằm trong một cánh rừng đước ở Cà Mau. Đây thực sự là một ca phẫu thuật đang diễn ra, không phải một chiêu chụp ảnh để tuyên truyền. Tuy nhiên người phóng viên ảnh thấy rằng bức ảnh rất ấn tượng nên đã không in nó ra.
1972, Nguyễn Đình Ưu. Binh lính quân giải phóng băng qua một vùng đất trống gần Đường 9 nam Lào trong Chiến dịch Lam Sơn 719, nỗ lực thất bại của quân Việt Nam Cộng hòa nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh.
30/4/1975. Giày lính bị bỏ lại la liệt trên con đường nằm ở ngoại ô Sài Gòn. Binh lính Việt Nam Cộng hòa đã vứt bỏ những đôi giày cùng bộ quân phục của họ nhằm che giấu thân phận. “Tôi không bao giờ quên những đôi giày và âm thanh lụp bụp vang lên khi chúng tôi chạy xe qua chúng”, Dương Thanh Phong nhớ lại. “Nhiều thập kỷ chiến tranh đã kết thúc và cuối cùng chúng tôi đã có hòa bình”.
Tháng 5/1975, Võ Anh Khánh. Người già từ miền Nam và miền Bắc Việt Nam ôm nhau. Họ đã sống đủ lâu để chứng kiến Việt Nam thống nhất và không còn bóng dáng của các lực lượng ngoại xâm.