Friday, January 24, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao TQ cảnh giác khi tàu chiến Nhật Bản thăm Philippines?

Vì sao TQ cảnh giác khi tàu chiến Nhật Bản thăm Philippines?

Ngày 3/4, hai tàu khu trục cùng một tàu ngầm Nhật Bản đã cập cảng Subic (Philippines), gần bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm từ Philippines trên Biển Đông.

Tàu ngầm Oyashio cùng hai tàu khu trục JS Ariake và JS Setogiri cập cảng Subic (từng là nơi đặt căn cứ hải quân Mỹ trước đây), cách bãi cạn Scarborough chỉ khoảng 200 km. Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines hồi năm 2012.  Tàu khu trục JS Ariake còn chở theo trực thăng chống ngầm.

“Chuyến thăm này nhằm xúc tiến hòa bình và ổn định khu vực, tăng cường hợp tác hàng hải giữa hải quân hai nước”, người phát ngôn Lued Lincuna của Hải quân Philippines cho hay.

Trước đó, giới chức Nhật Bản cho biết tàu ngầm Oyashio và 2 tàu hộ tống tới Vịnh Subic của Philippines để tham gia cuộc tập trận trên biển mở rộng thường niên. Sau đó, những tàu này cũng sẽ đến thăm Vịnh Cam Ranh của Việt Nam.

Việc tàu chiến Nhật Bản đến thăm Philippines, đặc biệt các tàu này lại đậu tại cảng Subic, chỉ cách bãi cạn do Trung Quốc kiểm soát khoảng 200km đã lý giải vì sao Trung Quốc “cảnh giác cao độ”.

Tờ Sankei Shimbun (Nhật Bản) từng bình luận, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản điều biên đội tàu chiến đến thăm hai nước ven Biển Đông, triển khai một loạt hoạt động giao lưu hữu nghị và tiến hành huấn luyện chung sẽ có lợi cho cải thiện quan hệ song phương và tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản ở Biển Đông.

Trong khi đó, hãng tin Kyodo cho rằng, hành động triển khai quân sự ở Biển Đông lần này của Lực lượng Phòng vệ Biển thực chất là để kiềm chế các hành động bành trướng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản ở Biển Đông.

Đáng lưu ý, việc xuất hiện của tàu chiến Nhật Bản tại vịnh Subic của Philippines, vốn là cửa vịnh thông ra Biển Đông hẳn có chứa ẩn ý.

Sau khi quân đội Mỹ rút đi, căn cứ hải quân vịnh Subic được cải tạo thành khu phát triển kinh tế và cảng tự do, không triển khai quân đội ở đây. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Battino từng cho biết, tháng 5/2016, quân đội Philippines sẽ cùng Cục quản lý vịnh Subic ký kết thỏa thuận thuê một khu vực dùng cho mục đích quân sự, thời gian thuê dài 15 năm và có thể tiếp tục thuê sau khi hết hạn.

Một tướng lĩnh quân đội Philippines cho hay, quyết định này của Philippines có 2 cân nhắc: Một là vịnh Subic thông với Biển Đông. Hai là vịnh này dễ sử dụng lại cho mục đích quân sự, tức là đã có sẵn hạ tầng cơ sở, chỉ cần tiến hành “quét vôi” là được.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines nhấn mạnh: “Vị trí của vịnh Subic có tính chiến lược… Người Mỹ đã chứng minh giá trị làm căn cứ quân sự của vịnh Subic”.

Hồi đầu tháng 3/2016, ngay khi có thông tin Nhật Bản sẽ đưa tàu chiến tới thăm Philippines, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, Bắc Kinh luôn “cảnh giác cao độ” trước các động thái quân sự của Nhật Bản ở Biển Đông.

Ông này nói: “Sự hợp tác của các quốc gia liên quan nên đem lại lợi ích cho sự ổn định khu vực và không nên nhắm vào các bên thứ ba hay làm tổn hại chủ quyền hay lợi ích an ninh của một quốc gia khác”.

RELATED ARTICLES

Tin mới