Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc thắng thầu giá rẻ: Không hiểu Việt Nam làm gì

Trung Quốc thắng thầu giá rẻ: Không hiểu Việt Nam làm gì

Ông Lê Văn Thịnh chỉ ra nhiều điểm yếu khiến nhà thầu Trung Quốc dễ dàng thắng thầu giá rẻ.

Toàn đi copy

Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia, ĐBQH cũng như người dân đều lên tiếng bày tỏ lo ngại trước việc nhiều dự án công trình quan trọng trong nước được giao cho các nhà thầu Trung Quốc thi công với giá thầu rẻ.

Mới đây, Công ty TNHH sản xuất ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) cũng trúng thầu cung cấp hệ thống ống gang dẻo cho dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2 do Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) làm chủ đầu tư với giá ống được dự đoán thấp hơn từ 3-5 lần so với các sản phẩm cùng loại của Nhật Bản và Mỹ.

Trao đổi với Đất Việt xung quanh vấn đề này, ông Lê Văn Thịnh – nguyên trưởng phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng 1 Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)  cho biết, dù chúng ta đã luật đấu thầu với những quy định rõ ràng về túi thầu kỹ thuật và túi thầu tài chính nhưng do những hạn chế, yếu kém từ khâu mời thầu nên dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu vì giá rẻ.

“Hiện nay chúng ta đã thành viên của WTO rồi nên không thể phân biệt đối xử để ngăn chặn nhà thầu Trung Quốc khi đấu thầu quốc tế, mà chỉ có thể dùng hàng rào kỹ thuật.

Khi lập hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư chỉ còn cách là cài cắm đưa vào các yêu cầu kỹ thuật. Nếu phía Trung Quốc không đáp ứng được thì sẽ tiến hành gạt bỏ. Tuy nhiên thực tế mà nói hồ sơ kỹ thuật của họ quá đẹp. Chúng ta đòi hỏi cái gì họ cũng đáp ứng được từ yêu cầu chứng chỉ xuất xứ, chứng chỉ hợp quy đến các loại vật liệu hiện đại.

Thậm chí nhiều công trình chúng tôi còn đưa cả những tiêu chuẩn kỹ thuật của khối G7 vào nhưng phía Trung Quốc vẫn đáp ứng được. Khi vượt qua những yêu cầu về kỹ thuật thì túi hồ sơ tài chính của họ bao giờ cũng rẻ hơn nên rất khó để loại bỏ các nhà thầu Trung Quốc”, ông Thịnh nhận định.

Từ thực tế kinh nghiệm nhiều năm, vị chuyên gia cho rằng,  tồn tại nằm ở phía các chủ đầu tư của Việt Nam.

“Chỉ dẫn kỹ thuật là một thành phần chính thức vô cùng quan trọng của hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, hiện nay chủ đầu tư khi viết chỉ dẫn kỹ thuật hầu như toàn sao chép ở chỗ nào đó, na ná giống nhau. Tôi đi kiểm tra nhiều tôi biết, toàn đi chép không.

Thứ hai là chuyên gia chưa đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, vẫn còn yếu kém. Chúng ta có rất nhiều những chuyên gia giỏi nhưng không được sử dụng đúng vị trí và hiệu quả”.

Hợp đồng Việt Nam làm dầy cộp đọc chả hiểu gì cả

Ngoài ra, khâu cực kỳ quan trọng là soạn thảo hợp đồng và đàm phán thương thảo. Khi soạn hợp đồng thì nghị định 37 của Chính phủ rất lỏng lẻo. Một bản hợp đồng của chúng ta viết dày cộp nhưng đọc chả hiểu gì cả.

Thông thường mọi đàm phán phải chia làm 2 tiểu ban, tiểu ban kinh tế và tiểu ban kỹ thuật. Những chuyên gia ở từng loại tiểu ban thì phải ngồi vào đàm phán riêng còn hiện nay ở chúng ta các chuyên gia là người biết tuốt, cái gì cũng biết, cũng ngồi vào bàn. Bởi vậy đàm phàn của chúng ta là rất kém.

Tiếp theo là khi có hợp đồng rồi chúng ta không biết sử dụng hợp đồng là thứ vũ khí, là công cụ để quản lý việc thực hiện hợp đồng.

Chính vì những yếu kém đó mà Trung Quốc họ đã tận dụng để thắng thầu tại Việt Nam”, ông Lê Văn Thịnh phân tích.

Ngoài ra vị chuyên gia còn khẳng định chúng ta nhiều khi đã bỏ qua những bước vô cùng quan trọng, đó là đánh giá chất lượng của các loại vật liệu dùng để sản xuất ra các loại trang thiết bị.

“Hầu như chúng ta bỏ qua chuyện đó. Thực tế cùng một thiết bị được sản xuất từ kim loại nhưng kim loại đó được luyện ra sao thì phải hết sức chú ý. Với các loại sắt thép của Trung Quốc bất kỳ là gì chỉ cần đưa vào Việt Nam là nó gỉ đỏ. Một loạt các nhà máy điện của Trung Quốc, thiết bị vừa để ngoài trời đã bị gỉ nhẹ rồi.

Có nghĩa là luyện kim của họ rất kém cho nên nhiều người mới nghi ngờ về khả năng cũng như tuổi thọ của các loại thiết bị của Trung Quốc. Vì thế giá của họ rẻ lắm”, vị chuyên gia đặt vấn đề.

Điều kiện hợp đồng là vũ khí quan trọng

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành xây dựng, chuyên gia Lê Văn Thịnh cho biết, ông từng trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài và họ cũng giật mình với công nghệ trúng thầu giá rẻ của Trung Quốc.

“Máy móc về mặt xây dựng, thiết bị cần cẩu ở châu Âu như thế nào Trung Quốc cũng có ngay, đặc biệt giá cả chỉ bằng 1/3.

Ngay cả Nhật Bản họ cũng phải sợ nhà đầu tư Trung Quốc. Hiện nay nhiều chung cư sử dụng thang máy của Nhật Bản với yêu cầu tốc độ 30 m/giây. Nhà thầu Trung Quốc họ cũng có ngay thang máy của Nhật Bản sản xuất trong nước với đầy đủ những tiêu chuẩn kỹ thuật đó”, ông Thịnh nêu dẫn chứng.

Từ những bất cập trên, vị chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam cần phải thay đổi và chấn chỉnh lại từ việc mời thầu đến soạn thảo hợp đồng, đàm phán để lựa chọn các nhà thầu có năng lực chuyên môn.

“Theo tôi, Chính phủ nên sử dụng hợp đồng FIDIC của Liên đoàn quốc tế các kỹ sư tư vấn. Nó có điều kiện chung và riêng đều rất rõ ràng, sòng phẳng. Tất cả những điều khoản ở trong chỉ dẫn kỹ thuật đều là một thành phần điều kiện riêng nằm trong hợp đồng và rất chặt chẽ. Hợp đồng người ta chỉ viết vài trang nhưng phụ lục hợp đồng người ta viết vài quyển.

Ngoài ra phải chú ý đến yếu tố bảng điểm. Bảng điểm này phải tôn trọng phần kỹ thuật, anh đưa phần kỹ thuật lên cao, phần chất lượng cũng như tiến độ phải đưa điểm cao lên đồng thời phần giá giảm đi.

Việt Nam chúng ta cũng rất nhiều chuyên gia giỏi, vấn đề là huy động đến đâu thôi. Cần phải để họ cùng tham gia ngay từ bước ban đầu để nâng cao hiệu quả của các dự án”, ông Thịnh chỉ rõ.

Lấy trường hợp công ty Xinxing của Trung Quốc trúng thầu trong dự án đường ống Sông Đà 2, vị chuyên gia cho rằng đây cũng là thiếu xót từ khâu viết bài thi mời thầu.

“Nếu anh viết chặt chẽ và hướng nhà thầu phải sử dụng vật liệu khác thì lập tức nó sẽ là vật liệu khác.

Trong trường hợp viết mời thầu, tôi sẽ thay đường ống gang dẻo mà chúng ta định dùng làm đường ống sông Đà 2 bằng 2 đường ống bằng đường kính 1,2m thì nhà thầu Việt Nam chắc chắn vào được ngay. Và đường ống thì toàn bộ là ống thép.

 So với ống gang dẻo, ống thép có nhiều ưu điểm từ về giá cả, vận chuyển nhẹ nhàng và lắp giáp rất nhanh. Đây cũng là xu hướng mạnh mẽ nhất được nhiều nước trên thế giới sử dụng hiện nay”, ông Thịnh nêu quan điểm.

Với việc công ty Trung Quốc đã trúng thầu dự án sông Đà 2, Nguyên trưởng phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng, Bộ xây dựng cho rằng khó có thể hủy bỏ hợp đồng vì liên quan đến nhiều điều khoản đã ký kết giữa các bên. Thay vào đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để tìm cách kiểm soát được chất lượng của ống đó.

“Bây giờ quan trọng là phải khống chế được thành phần hóa học của gang để làm sao cho không ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt, đảm bảo sự an toàn, sức khỏe cho công động. Họ đã trúng thầu thì không có cách nào phá vỡ hợp đồng chỉ có cách quản lý sao cho đạt được yêu cầu của mình.

Vì thế, khâu đàm phán thương thảo, kiểm soát từ nơi sản xuất ra sao, chế tạo thử… phải kiểm tra hết. Theo tôi, khi sản xuất ở Trung Quốc thì chúng ta cũng nên yêu cầu chủ đầu tư thuê một tư vấn nước ngoài họ có kinh nghiệm nằm ở Trung Quốc để kiểm tra chất lượng cho mình”, vị chuyên gia khẳng định.

RELATED ARTICLES

Tin mới