Chuyên gia đấu thầu cao cấp Nguyễn Hồng Chung tán thành việc UBND TP Hà Nội kiến nghị tạm dừng ký hợp đồng mua đường ống nước TQ.
Cần xem xét lại hồ sơ mời thầu?
Liên quan đến việc UBND TP Hà Nội có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổng Công ty Vinaconex tạm dừng việc ký kết hợp đồng với nhà thầu Xinxing của Trung Quốc cung cấp vật tư ống gang dẻo và phụ kiện tuyến đường ống dẫn nước sạch sông Đà số 2, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Hồng Chung, Chuyên gia đấu thầu cao cấp – Tư vấn trưởng Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ đấu thầu Davilaw cho rằng đây là một quyết định đúng đắn và hợp lòng dân khi dự án còn nhiều điểm bất hợp lý, không minh bạch.
Theo ông Chung, đấu thầu giống như một cuộc thi, phải tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh, công bằng , minh bạch . Chủ đầu tư là người tổ chức cuộc thi, ra đề thi, tổ chức chấm thi và lựa chọn ra những hồ sơ tốt nhất (xếp thứ nhất) vào thương thảo hợp đồng. Những bước này cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật đấu thầu năm 2013 và Nghị định 63 năm 2014 để lựa chọn ra những nhà thầu tốt nhất.
“Chúng ta tiến hành đấu thầu là để lựa chọn được nhà thầu đáp ứng được năng lực, kinh nghiệm, có đề xuất kỹ thuật và tài chính đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT).
Việc chào giá thấp không phải là yếu tố để quyết định trúng thầu hay không, bởi trình tự đánh giá về hồ sơ dự thầu theo quy định của pháp luật thì đầu tiên là đánh giá về tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu, rồi đánh giá về năng lực kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu, đề xuất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu. Sau khi đáp ứng được các nội dung nêu trên rồi thì tùy theo phương pháp, phương thức đánh giá hồ sơ dự thầu được quy định trong HSMT mới tiến hành đánh giá về tài chính”, ông Chung chỉ rõ.
Bằng những thông tin có được, vị chuyên gia đấu thầu cao cấp khẳng định việc ra đề bài, lập hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư trong dự án đường ống nước sông Đà giai đoạn 2 có vấn đề.
“Tôi được biết có 21 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu gói thầu cung cấp ống gang dẻo cho dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2, nhưng khi nộp hồ sơ chỉ còn lại 4. Sau đó có 1 đại diện của Pháp và 1 nhà thầu Trung Quốc bị loại do không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, 1 nhà thầu liên doanh giữa Việt Nam – Ấn Độ không đạt về năng lực kinh nghiệm về hợp đồng tương tự, chỉ còn Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing của Trung Quốc đáp ứng yêu cầu về năng lực kinh nghiệm và kỹ thuật, và đương nhiên khi đánh giá đề xuất tài chính của nhà thầu chỉ còn duy nhất một nhà thầu thì đương nhiên trúng thầu.
Từ những con số trên, tôi thấy rằng đề bài này không tạo ra được sự cạnh tranh. Bởi vì có nhiều nhà thầu quan tâm như vậy mà chỉ có 4 hồ sơ nộp tức là tất cả các nhà thầu kia khi đọc hồ sơ, đọc đề bài người ta cảm thấy có dự cũng trượt, không đáp ứng được yêu cầu mà chủ đầu tư đưa ra trong HSMT.
Có thể HSMT đã đựa ra những yếu tố không đảm bảo tính cạnh tranh, khi lập hồ sơ mời thầu họ đã cố tình đưa vào để làm hạn chế khả năng tham dự của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một nhà thầu. Pháp và Ấn Độ được biết đến là những nhà thầu lớn, có uy tín hàng đầu thế giới về đường ống nước mà bị loại là hết sức vô lý. Vì vậy, cần phải xem xét lại HSMT đã đảm bảo các nguyên tắc khi lập HSMT hay chưa ?”, ông Chung phân tích.
Vị chuyên gia cho rằng cần phải xem lại hồ sơ mời thầu của công trình đường ống nước sông Đà 2. Ảnh: Zing |
Tư vấn trưởng Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ đấu thầu Davilaw nhấn mạnh, để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành đều cấm chủ đầu tư đưa yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ, hàng hóa trong hồ sơ mời thầu để đảm bảo tính cạnh tranh, cho nên việc ra đề bài người ta chỉ đưa ra yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật…
“Pháp Luật đấu thầu của chúng ta đều đã quy định rõ ràng về trình tự, quy trình nhằm lựa chọn được nhà thầu tốt nhất và hoàn toàn phù hơp thông lệ đấu thầu quốc tế. Quan trọng là do yếu tố con người, những cá nhân được giao thực hiện quá trình lựa chọn nhà thầu cụ thể cá nhân tham gia lập, thẩm định HSMT, đánh giá và thẩm định kết quả đấu thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm phù hợp với tính chất và quy mô gói thầu hay không? Ngoài ra còn là ý chí của chủ đầu tư”, ông Chung khẳng định.
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, chuyên gia đấu thầu cao cấp cho rằng, một trong những nguyên nhân có thể khiến nhà thầu Trung Quốc trúng thầu trong khi chất lượng sản phẩm không đảm bảo như dư luận phản ánh thời gian qua nằm ở phương pháp đánh giá tài chính.
Theo ông Chung, trong hồ sơ mời thầu, để hạn chế việc nhà thầu cố tình chào giá dự thầu thấp thì các chủ đầu tư thường lựa chọn phương pháp đánh giá về tài chính theo phương pháp giá đánh giá.
Phương pháp này có nghĩa là ngoài giá dự thầu sau khi đã sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, chủ đầu tư còn cộng với các yếu tố để quy đổi trên cùng một mặt bằng cho cả vòng đời sử dụng của hàng hóa, công trình. Giá đánh giá dùng để xếp hạng hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu hỗn hợp, nhà thầu có giá đánh giá thấp nhất được xếp hạng thứ nhất, khi đó nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất chưa chắc đã xếp thứ nhất.
Đối chiếu với việc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex- Viwasupco lựa chọn nhà thầu Xinxing của Trung Quốc với giá thành được dự đoán thấp hơn từ 3-5 lần so với nhà thầu đến từ Nhật Bản và Mỹ, vị chuyên gia cho rằng đây chưa hẳn là một tín hiệu đáng mừng.
“Có thể lúc thắng thầu giá của nhà thầu Trung Quốc so với các nước khác rẻ hơn nhưng trong quá trình vận hành sử dụng sau này khi phát sinh vấn đề mới đánh giá hết được, khi đó chi phí vận hành sẽ là thước đó hiệu quả của công nghệ và chất lượng sản phẩm. Nếu tính toán cụ thể, nhiều khi còn đắt hơn so với giá của các nhà thầu khác đưa ra trước đó. Vì thế việc này phải hết sức thận trọng”, ông Chung nhấn mạnh.
Trước thông tin, UBND TP Hà Nội đề nghị tạm dừng ký hợp đồng mua đường ống nước Trung Quốc, vị chuyên gia cho rằng việc tạm dựng ký kết hợp đồng là phù hợp để xem xét lại quá trình tổ chức đấu thầu đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đấu thâu hay chưa. Đặc biệt đấy là dự án hết sức quan trọng liên đến đời sống nhân dân thủ đô mà trước đó đã gặp nhiều sự cố vỡ đường ống mà chúng ta đã thấy.
Mặt khác, đây là gói thầu có giá trị lớn, đòi hỏi yếu tố kỹ thuật và công nghệ phù hợp, vì vậy, việc tạm dừng có thể phải thuê tư vấn quốc tế để đánh giá xem việc đưa ra các yêu cầu về tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật trong HSMT đã phù hợp chưa hoặc quá trình đánh giá về kỹ thuật đã đúng so với yêu cầu trong HSMT chưa…
Nếu việc kiểm tra lại mà thấy việc tổ chức lựa chọn nhà thầu là phù hợp với các quy định thì tiếp tục ký hợp đồng và quản lý, giám sát thực hiện hợp đồng để đảm bảo chất lượng. Còn nếu không phù hợp không tuân thủ các quy định thì huỷ kết quả đấu thầu để đấu thầu lại là hoàn toàn phù hợp.