Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu ký kết chưa được bao lâu thì Mỹ đã khiến thế giới thất vọng với việc tạm ngưng một chương trình phòng chống sự nóng ấm toàn cầu.
Mới đây, Tòa án tối cao Washington đã bất ngờ ra quyết định cho ngưng “Dự án năng lượng sạch” của ông Obama. Đây là một trong những dự án nòng cốt của Nhà Trắng được soạn ra bởi Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) với mục tiêu đề ra là giảm 32% lượng khí thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện từ nay đến năm 2030.Vụ việc trên đã khiến nhiều bên liên quan lo ngại.
“Tôi cho rằng Hiệp định Paris sẽ đưa chúng ta đến những giải pháp tối ưu hơn song thông tin tôi vừa nhận được từ phía Tòa án tối cao Mỹ lại đi theo chiêu ngược lại”- Navroz Dubas, chuyên gia về khí hậu tại Viện Nghiên cứu Chính trị tại New Delhi, cho biết.
Theo Tổ chức Union of Concerned Scientists thì rõ ràng là Tòa án tối cao Mỹ đang “thọc gậy bánh xe” ông Obama. Được biết, EPA đã đề ra từng định mức riêng về lượng khí thải nhà kính dành cho các tiểu bang của Mỹ và hạn chót để họ chấp hành yêu cầu trên là năm 2022.
Là ngõ cụt…
Nhiều tiểu bang của Mỹ (hầu hết thuộc Đảng Cộng hòa) đã lên tiếng chỉ trích ông Obama là đã không đưa dự án này ra Quốc hội (nơi Đảng Cộng hòa chiếm đã số). Song đối với họ thì đây rõ ràng là một “thắng lợi lịch sử” nhờ vào quyết định của Tòa án tối cao Mỹ.
Được biết trong số 9 vị thẩm phán thì có đến 5 người là theo đường lối bảo thủ. Song đây chưa hẳn đã là kết thúc của dự án này bởi theo nhiều chuyên gia về khí hậu và luật pháp thì Tòa án tối cao đã ra kết luận quá vội vàng nên một phiên tòa phúc thẩm vào tháng 6 tới là rất có thể.
“Dự án chỉ bị tạm ngưng một thời gian, chúng tôi chắc chắn rằng dự an sẽ chính thức được thông qua trong các phiên tòa tới”- Michael Brune, chủ tịch Sierra Club, một tổ chức bảo vệ thiên nhiên phi chính phủ, nhận định.
Bill Hare, Giám đốc viện nghiên cứu Climate analytics đóng tại Berlin nhấn mạnh: “Hiệp định Paris sẽ ổn thôi, hơn nữa vẫn còn quá nhiều thách thức khác mà chúng ta còn phải bàn tới, tôi cảm thấy lo ngại trên hết về nước Nhật với số lượng than mà họ đang sử dụng”.
…hay chỉ là sự chậm trễ tạm thời?
Phản ứng trước qyết định của tòa án tối cao, ông Obama đã động viên người dân phản bác việc từ bỏ dự án này và cho hay:” Chúng tôi có cơ sở pháp lý rất vững chắc”.
Dự án Năng lượng sạch là một trong những hoạt động chính của Washington để chuẩn bị cho Hội nghị về khí hậu Paris đồng thời cũng là để chấp hành hiệp định được kí kết tháng 12/2015 giữa 195 quốc gia. Việc dự án này bị tạm ngưng đã khiến nhiều người tự đặt ra câu hỏi là liệu vụ việc lần này có khiến cho những quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu như Trung Quốc và Ấn Độ trì hoãn tiến trình chuyển tiếp qua sử dụng năng lượng sạch hay không?
“Tôi không nghĩ là vụ việc lần này tại Mỹ có thể khiến họ dừng lại giữa chừng đâu”- Kate Larsen, chuyên viên của tổ chức Rhodiumk Group nhận xét. Tuy nhiên, bà cho biết: “Một số bên có liên quan có thể cảm thấy lo ngại vì dự án về khí hậu của Mỹ là khả quan và rõ ràng nhất trên phương diện quốc tế”. Song, cũng như những chuyên gia khác, bà đồng tình cho rằng Dự án Năng lượng sạch chỉ là một phần của chính sách khí hậu của Mỹ.
“Bước thụt lùi trong chiến lược về khí hậu của Mỹ không thể ảnh hưởng đến Hiệp định Paris”- Elliot Diringer thuộc Center for Climate and Energy Solutions nhận định. Được biết nhiều tiểu bang và công ty năng lượng của Mỹ đã lên tiếng cho hay rằng họ sẽ tiếp tục giảm lượng khí thải của họ mặc cho quyết định của tòa.