Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHồ sơ Panama: Đích ngắm thực sự là TQ

Hồ sơ Panama: Đích ngắm thực sự là TQ

1/3 các công ty được nhắc tới ở Panama Paper là ở Trung Quốc, Bắc Kinh đang lên tiếng tố Mỹ “giật dây” sau vụ việc này.

Liên minh Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cho biết 30% các hoạt động công ty Mossack Fonseca diễn ra tại Trung Quốc. Công ty Mossack Fonseca có văn phòng đại diện ở 8 thành phố tại Trung Quốc, nhiều nhất thế giới.

Theo tin từ Bloomberg, Mossack Fonseca đã thu phí đối với hơn 16.300 công ty “ma” được thành lập qua các văn phòng của công ty luật này ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

Cuộc điều tra của ICIJ còn cho biết người thân của ít nhất 8 lãnh đạo cấp cao trong chính quyền Trung Quốc- cả trong quá khứ lẫn hiện tại- đã sử dụng các công ty bình phong ở nước ngoài.

Việc sở hữu các công ty bình phong ở nước ngoài không phạm pháp nhưng các công ty này thông thường được dùng để bí mật chuyển  các khoản tiền không rõ nguồn gốc ra nước ngoài.

Cổ đông trong các công ty “ma” được Mossack Fonseca thành lập cho khách hàng ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông được ICIJ cho là bao gồm nhiều mối liên quan tới các nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc đặc biệt là người thân Chủ tịch Tập Cận Bình.

ICIJ nói rằng tài liệu bị rò rỉ cho thấy, con dâu của ông Lưu Vân Sơn là giám đốc kiêm cổ đông của một công ty ở British Virgin Islands, trong khi con rể của ông Trương Cao Lệ là cổ đông của 3 công ty ở thiên đường thuế này. ICIJ cũng nói ông Đặng Gia Quý, chồng của bà Tề Kiều Kiều, chị gái ông Tập Cận Bình, là một cổ đông trong hai công ty ở British Virgin Islands.

Ngoài những chính khách kể trên, diễn viên Thành Long, tỉ phú Tôn Phức Lợi và ông trùm các thương xá Thẩm Quốc Quân cũng có tên trong danh sách.

Panama Papers, vụ rò rỉ hơn 11,5 triệu tài liệu mật của Mossack Fonseca, diễn ra vào một thời điểm bất lợi cho ông Tập Cận Bình, khi mà ông Tập đang đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng bằng cách yêu cầu đảng viên cung cấp thông tin về tài sản gia đình.

Hiện những thông tin liên quan về vụ việc này đã bị “lọc” khỏi truyền thông Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin không bị chặn hoàn toàn, với một số tìm kiếm về tin tức liên quan tới Panama đã cho ra kết quả là những câu chuyện đề cập tới cầu thủ bóng đá Lionel Messi và các nhân vật khác không liên quan tới Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 5/4 tuyên bố những thông tin trong Hồ sơ Panama liên quan đến các quan chức Trung Quốc là những báo cáo “vô căn cứ”.

“Với những cáo buộc vô căn cứ đó, tôi không có lời bình luận nào”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo thường kỳ, theo Reuters.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng từ chối xác nhận việc Bắc Kinh có tiến hành điều tra đối với những nhân vật được đề cập trong tài liệu này hay không.

Trong bài xã luận ngày 5/4, tờ Hoàn Cầu Thời báo, một phụ bản của Nhân Dân Nhật báo- cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cáo buộc truyền thông phương Tây do Mỹ hậu thuẫn dùng vụ những vụ rò rỉ thông tin như thế này để tấn công những mục tiêu chính trị tại các quốc gia ngoài phương Tây.

“Truyền thông phương Tây kiểm soát thông tin mỗi lần xảy ra việc lộ tài liệu mật và Washington gây ảnh hưởng đến việc đăng tải thông tin”, theo Hoàn Cầu Thời báo.

“Những thông tin tiêu cực đối với Mỹ luôn được cắt giảm, trong khi thông tin tiêu cực nhắm vào những lãnh đạo ngoài châu Âu, chẳng hạn như Tổng thống Nga Vladimir Putin, thì được làm đậm”, Hoàn Cầu Thời báo chỉ trích.

Tuy nhiên, bài xã luận đăng trên Hoàn Cầu Thời báo (phiên bản tiếng Anh lẫn tiếng Trung) không đề cập những quan chức Trung Quốc liên quan đến hồ sơ Panama.

Trên thực tế, trong 11,5 triệu tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca rò rỉ, 140 lãnh đạo, người nổi tiếng, vận động viên trên thế giới… bị lộ tên nhưng tuyệt nhiên không có dấu vết của bất cứ quan chức nào tại Mỹ. Mặt khác, Tài liệu Panama cho thấy, Công ty Luật Mossack Fonseca đã hợp tác thành lập 1.000 công ty tại Mỹ, hầu hết ở bang Nevada và Wyoming từ năm 2001. Điều đáng nói, hai bang Nevada và Wyoming đều là những bang có luật cho phép bảo mật thông tin.

Tài liệu Panama là dự án điều tra được Hiệp hội các nhà báo Điều tra quốc tế (ICIJ) và Dự án Tố cáo Tham nhũng, Tội phạm (OCCRP) cùng hơn 100 hãng truyền thông trên toàn thế giới, phối hợp điều tra hơn 1 năm.

Trang web của OCCRP cho biết, OCCRP là “chương trình phi lợi nhuận, với sự hợp tác của nhiều trung tâm điều tra phi lợi nhuận trong khu vực và các cơ quan truyền thông lợi nhuận độc lập trải dài từ Đông Âu tới Trung Á. OCCRP được hỗ trợ bởi Quỹ Dân chủ Mỹ (UNDEF), Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Quỹ Xã hội mở của Mỹ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới