Friday, November 15, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKhó khăn "bủa vây" ngành du lịch thế giới

Khó khăn “bủa vây” ngành du lịch thế giới

Các vụ tấn công khủng bố, tình hình bất ổn chính trị-xã hội, thiên tai…. đang đẩy “ngành công nghiệp không khói” vào tình trạng khó khăn.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế, số lượng khách du lịch bắt đầu tăng dần song điều đó không có nghĩa là doanh thu của ngành luôn được đảm bảo. Ảnh minh họa: BNEWS

Du lịch vẫn luôn được đánh giá là một trong những lĩnh vực mũi nhọn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm ở nhiều quốc gia trên thế giới.

 Tuy vậy, các vụ tấn công khủng bố, tình hình bất ổn chính trị-xã hội, thiên tai, dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế tại nhiều khu vực trên thế giới đang tác động tiêu cực tới tâm lý của du khách, đẩy các công ty lữ hành nói riêng cũng như “ngành công nghiệp không khói” nói chung lâm vào tình cảnh khó khăn.

Theo số liệu mới công bố của Hiệp hội Du lịch Italy (Confturismo), từ năm 2001 đến 2015, số du khách nước ngoài đến Italy tăng 50%, với mức cao kỷ lục 53 triệu lượt năm 2015. Tuy nhiên, doanh thu của ngành du lịch Italy lại sụt giảm, do thời gian lưu trú cùng với mức chi tiêu của du khách nước ngoài đều sa sút.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khách du lịch sẽ được hưởng lợi từ xu hướng xuống giá của dầu thô, do tiết kiệm được chi phí đi lại và sinh hoạt nói chung. Ở những nước ghi nhận thu nhập tăng nhanh hơn lạm phát, người dân thường đi du lịch trong các kỳ nghỉ lễ và cũng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. 

Tuy nhiên, giá dầu thấp khiến nền kinh tế của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ “lao đao”, dẫn tới nhu cầu du lịch của các nước này sa sút.

Thách thức lớn nhất mà ngành du lịch thế giới luôn phải đối mặt, đó là bất ổn chính trị và tấn công khủng bố. Ảnh minh họa: TTXVN

Sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga ngày 24/11/2015, mối quan hệ giữa hai nước sa sút nghiêm trọng. Nga đã áp lệnh cấm vận kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trong đó có cả lệnh ngừng tất cả các chuyến bay với hình thức thuê trọn chuyến và tước giấy phép của 19 doanh nghiệp du lịch lớn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đến nay, nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng của Thổ Nhĩ Kỳ đang bị bán đi do thất thu, nợ nần và bất ổn an ninh. Ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử.

Tại Pháp, sức hút của “kinh đô ánh sáng” có phần giảm sút sau thảm họa khủng bố làm rung chuyển Paris đêm 13/11/2015. 

Nhiều tuần sau khi xảy ra vụ tấn công vào thủ đô nước Pháp, tình hình đặt phòng và tour du lịch, doanh số bán vé vào cửa các bảo tàng của nước này đều đi xuống. Ảnh minh họa: BNEWS

Các lĩnh vực liên quan khác như dịch vụ hàng không, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại cũng không tránh khỏi bị liên lụy.

Sau nhiều vụ tấn công khủng bố trên khắp thế giới mà gần đây nhất là vụ nổ bom tại sân bay và nhà ga tàu điện ngầm ở thủ đô Brussels của Bỉ, các quốc gia đồng loạt thắt chặt kiểm soát an ninh.

Thậm chí một số nước ra lệnh hạn chế các chuyến bay hoặc khuyến cáo công dân không nên đến một số địa điểm cụ thể.

Theo Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) Taleb Rifai, những quốc gia “nạn nhân” không những đã bị chấn động bởi vụ khủng bố, mà có thể bị “cô lập” bởi những động thái trên. 

Bên cạnh đó, ông Rifaibày tỏ lo ngại rằng làn sóng người di cư đang tràn vào “lục địa Già” có thể dẫn tới việc các quốc gia kiểm soát biên giới chặt hơn, và thậm chí đóng cửa biên giới, gây khó khăn cho hoạt động của ngành du lịch ở khu vực này./.

RELATED ARTICLES

Tin mới