Theo đại biểu Đặng Ngọc Tùng, Chính phủ mới cần tập trung vào công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới chứ không nên đầu tư vào công nghệ lạc hậu của Trung Quốc.
Chính phủ phải đóng vai trò “bà đỡ” cho doanh nghiệp
Sau khi Quốc hội thông qua các Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng và 18 Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, chúng tôi đã ghi lại một vài chia sẻ của các ĐBQH về mong muốn của họ với Chính phủ mới.
Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) bày tỏ sự hoan nghênh các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng, thành viên Chính phủ mới được phê chuẩn.
Theo ông, việc phê chuẩn 21 thành viên Chính phủ mới cho thấy có một sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cũng như thể hiện sự kế thừa, có quy hoạch từ trước, bởi đều là những người đã giữ chức cấp phó rồi được bầu lên cấp trưởng.
Ví dụ như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều là những đồng chí rất trẻ, nhưng được quy hoạch từ trước.
Từ đó, những vị này sẽ có được sự chắc chắn để có thể thực hiện hết nhiệm vụ của mình.
Vị Tiến sỹ Kinh tế này cũng bày tỏ, Chính phủ mới phải là một Chính phủ hành động và đổi mới trên 3 phương diện, bao gồm đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đổi mới trong quản lý kinh tế và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.
“Chính phủ phải đóng vai trò là bà đỡ cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Trên tinh thần đó có thể đối đầu giải quyết vấn đề gì, trong đó quá trình tái cơ cấu kinh tế còn chậm”, ông Lịch nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng nhìn nhận, Chính phủ kiến tạo và hành động là xu thế chung trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Song, để làm được điều đó, Chính phủ cần rút kinh nghiệm và xây dựng bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thực sự phục vụ nhân dân.
“Trước hết, về mối quan hệ xin – cho còn tồn đọng trong xã hội, ta cần chuyển sang một Chính phủ dịch vụ, phục vụ theo đúng nghĩa.
Chắc sẽ còn một thời gian dài và cải cách hành chính là giải pháp tốt nhất để giải quyết trực tiếp mối quan hệ người dân với chính quyền. Vì vậy tôi nghĩ rằng, chúng ta phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình này”, ông Quốc cho hay.
Giữ vững chủ quyền, lãnh thổ
Cùng trao đổi với chúng tôi, đại biểu Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng hy vọng Chính phủ mới trên cơ sở nguyện vọng và thực tế, phấn đấu đưa đất nước phát triển trong thời gian sắp tới.
Các thành viên Chính phủ mới ra mắt. Ảnh: Hoàng Long/Vietnamnet.
Đặc biệt, Chính phủ mới phải cương quyết hơn nữa trong việc đấu tranh chống tệ nạn xã hội, phòng chống tham nhũng vốn là những ung nhọt trong xã hội.
“Chính phủ mới phải xây dựng nền kinh tế đất nước của chúng ta bền vững, tự chủ, không lệ thuộc vào nền kinh tế của bất kỳ nước lớn nào. Điều này rất quan trọng.
Đất nước ta ở kế bên Trung Quốc là một nước lớn. Những năm vừa qua, kinh tế của ta lệ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc. Nhập siêu ngày càng tăng. Các công trình Trung Quốc trúng thầu ở ta thường bị kéo dài tiến độ, chất lượng không tốt.
Tôi cho rằng về đầu tư, Chính phủ cần tập trung vào các công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới chứ không nên đầu tư vào công nghệ lạc hậu của Trung Quốc”, ông Tùng nhấn mạnh.
VỊ ĐBQH này cũng đặt kỳ vọng Chính phủ phải làm sao bảo vệ, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, đặc biệt ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
“Điều này đòi hỏi Chính phủ phải cương quyết, vững vàng, trên cơ sở ý nguyện của nhân dân. Tôi tin rằng nhiệm kỳ này Chính phủ sẽ có những bước tiến, là một Chính phủ hành động, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân cả nước”, ông Tùng nói thêm.
Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) mong muốn trong chính sách phải làm sao có sự hòa nhập giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp quốc tế, phải có sự mở cửa của chính doanh nghiệp trong nước sẵn sàng liên doanh liên kết với doanh nghiệp nước ngoài.
Trên cơ sở đó chúng ta mới tồn tại.