Các chính khách Mỹ trong hai ngày qua liên tiếp lên tiếng tố cáo Trung Quốc hiếu chiến ở châu Á. Đây là sự đáp trả tuyên bố trước đó của Bắc Kinh cáo buộc Mỹ đang làm phức tạp hóa tình hình Biển Đông. Thực tế, khi Mỹ càng tố cáo, Trung Quốc càng mang vũ khí ra Biển Đông và ngược lại. Phải chăng đây là trò tung hứng của hai nước nhằm chia chác quyền lợi ở hải lộ quan trọng này.
Ngày 6/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói rằng các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã biến quốc gia này trở thành nước hiếu chiến nhất châu Á, đòi hỏi Mỹ phải tăng cường sự tham gia trong khu vực.
Trước đó một ngày, khi nói chuyện với cử tri ở bang Pennsylvania, bà Hillary Clinton, một trong những ứng viên hàng đầu trong cuộc chạy đua giành chức vụ tổng thống Mỹ bỗng đe dọa Trung Quốc một cách cứng rắn. Ứng cử viên của Đảng Dân chủ cam kết, nếu thành công trong cuộc bầu cử thì sẽ buộc Bắc Kinh phải tuân phục Mỹ.
Những phát biểu mạnh mẽ của giới chức Mỹ được cho là để đáp lại lời tố các trước đó của Bắc Kinh. Cách đây không lâu, một bài bình luận của Tân Hoa Xã viết rằng khu vực Biển Đông vốn yên bình đã bị khuấy động khi một số quốc gia bận rộn mở rộng sự hiện diện và phô trương sức mạnh quân sự trong khu vực.
Hãng tin nhà nước Trung Quốc cho rằng tình trạng vốn phức tạp ở Biển Đông đòi hỏi phải tỉnh táo và kiềm chế, thay vì tham gia tùy ý với những động cơ ích kỷ, mà sẽ chỉ khuấy động rắc rối, và cuối cùng là gây nguy hiểm cho sự ổn định khu vực và làm tổn thương lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực…
Từ lâu, đại đa số các chuyên gia quân sự hàng đầu thế giới đều dự báo không thể xảy ra đụng độ quân sự quy mô lớn giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông.
Không đối đầu thì phải hợp tác chứ còn gì nữa? Nếu công khai mà làm vậy thì “dơ” lắm, cho nên hai nước này tìm cách ngoài mặt thì công kích nhau nhưng kỳ thực lại đang hợp tác, cùng chia sẻ Biển Đông. Lịch sử đã chứng minh điều này.
Trước năm 1974, Trung Quốc không có “mảnh đất cắm dùi” ở Biển Đông thì nay họ lại đòi chủ quyền đến 80% diện tích sau khi cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Chính Mỹ đã tiếp tay cho Trung Quốc làm điều này.
Hẳn chúng ta còn nhớ năm 1972, Trung Quốc đã bán đứng Việt Nam cho Mỹ bằng Thông cáo Thượng Hải ra ngày 27/2/1972, tức là 10 ngày sau khi Tổng thống R. Nixon rời Mỹ đến Bắc Kinh.
Với bản Thông cáo này, Trung Quốc buộc Mỹ chấp nhận chính sách “một Trung Quốc”, mở đường cho việc đẩy Đài Loan ra khỏi Liên Hiệp Quốc, để nhường chỗ cho Trung Quốc lục địa. Đổi lại Mỹ cần Trung Quốc giúp giải quyết chiến tranh Việt Nam. Và Trung Quốc đáp ứng.
Sau khi được Trung Quốc “bật đèn xanh”, từ ngày 18/12 đến ngày 30/12/1972, Mỹ trở mặt và cho mở chiến dịch Linebacker II, mà ta gọi là Trận Điện Biên Phủ trên không, bằng cách dùng máy bay ném bom B-52 rải thảm suốt 12 ngày đêm nhằm huỷ diệt Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác.
Kết quả, Mỹ thất bại ê chề và buộc phải nối lại đàm phán tại Paris, dẫn đến ký kết Hiệp định Paris năm 1973.
Chỉ hai năm sau vụ Trung Quốc bán đứng Việt Nam cho Mỹ, năm 1974, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục câu kết để Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam.
Từ ngày 17 đến 20/1/1974, diễn ra cuộc hải chiến giữa lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa và các lực lượng vũ trang của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Trung Quốc đưa quân đánh chiếm các đảo thuộc nhóm đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa do quân đội Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Trong giai đoạn này, Mỹ thực hiện chính sách “mơ hồ” đối với vấn đề chủ quyền Biển Đông, thực chất là làm ngơ trước việc Trung Quốc từng bước lấn chiếm Biển Đông.
Ngày 20/1/1974, vào lúc xảy ra hải chiến Hoàng Sa, Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Vương Văn Bắc đã thông báo tình hình chiến sự cho Đại sứ Mỹ Martin và yêu cầu Mỹ cho biết có dành cho Việt Nam Cộng hòa sự ủng hộ nào về vật chất, chính trị với tư cách là nước đồng minh, cũng như với tư cách là quốc gia đã ký kết và bảo đảm cho Hiệp định Paris 1973 không? Nhưng không nhận được trả lời của Hoa Kỳ.
Ngày 22/1/1974, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon về biến cố Hoàng Sa.
Một số tư liệu giải mật gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết rõ hơn về thái độ “thấy chết mà không cứu” của Mỹ trong vụ Trung Quốc đánh chiếm khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa do quân đội Việt Nam Cộng hòa kiểm soát năm 1974. Hồ sơ chính thức về hoạt động ngoại giao của Chính phủ Mỹ giới thiệu biên bản cuộc họp ngày 25/1/1974, một tuần sau trận hải chiến Hoàng Sa, tường thuật cuộc họp về Đông Dương do Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger chủ trì, có đoạn:
– Đô đốc Thomas H. Moorer, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân, báo cáo: “Chúng ta đã tránh xa vấn đề”.
– Ngoại trưởng Kissinger hỏi lại: “Chúng ta chưa bao giờ ủng hộ tuyên bố chủ quyền của họ (chính quyền Nam Việt Nam) phải không?”.
– Đô đốc Moorer trả lời: “Toàn vùng đó là cả vấn đề. Trường Sa và các đảo khác có cùng vấn đề – đó là lãnh thổ đang tranh chấp. Chúng tôi đã ra lệnh tránh khỏi vùng đó”.
– Ngoại trưởng Kissinger hỏi: “Ai khởi đầu trận chiến ở Hoàng Sa?”.
– Đô đốc Thomas H. Moorer mô tả: “Một đội tuần tra của Nam Việt Nam trong khu vực phát hiện một số tàu Trung Quốc tiến về các đảo và đưa khoảng 75 người lên đảo Duncan (Quang Hòa). Đó là một trong các đảo phía nam của nhóm Nguyệt Thiềm”.
Và kết quả của những cuộc thảo luận trong giới chóp bu Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về cuộc hải chiến Hoàng Sa đã dẫn tới chủ trương được ghi rõ trong biên bản cuộc họp, có đoạn: “Chúng ta chỉ thị cho Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn khuyên Chính phủ Việt Nam cộng hòa thực thi những hành động tối thiểu để tự vệ và cứu công dân của họ (và sĩ quan Mỹ), nhưng cần làm bất cứ điều gì có thể để tránh đụng độ trực tiếp với lực lượng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Điều cuối cùng mà Chính phủ Việt Nam Cộng hòa hoặc chúng ta cần lúc này là làm sao cho cuộc đụng độ giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về các đảo ít tác động tiêu cực tới vai trò của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong cuộc xung đột tại Việt Nam”.
Thế rồi, Nhà Trắng đã ra thông cáo báo chí có đoạn: “Chính phủ Hoa Kỳ không đứng về phe nào trong các cuộc tranh chấp xung đột về quần đảo Hoàng Sa, song mạnh mẽ mong muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình… Lực lượng quân sự Mỹ không dính líu vào vụ này”.
Điểm lại những sự kiện gần đây có thể cho thấy hễ Mỹ cứ tố cáo Trung Quốc thì nước này lại tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, từ bồi đắp đảo đánh chiếm của Việt Nam đến xây dựng cơ sở quân sự, kéo vũ khí ra đó và mới đây là vận hành ngọn hải đăng ở Trường Sa. Chưa thấy có lần nào Mỹ tố cáo mà Trung Quốc chịu lùi bước. Ngược lại, Mỹ cũng ngày càng đưa nhiều tàu chiến, máy bay xuống Biển Đông với mục đích là “khiêu khích”, “phá đám” âm mưu độc bá vùng biển này của Trung Quốc.
Còn nhớ khi tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 17/5/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Thái Bình Dương đủ rộng lớn để đón tiếp cả Trung Quốc lẫn Mỹ” và hai nước cần giải quyết các khác biệt “sao cho đường hướng chung trong quan hệ song phương không bị ảnh hưởng”.
Theo các nhà quan sát, trong số 5 khuynh hướng quan hệ Mỹ-Trung sắp tới, việc Mỹ thương thảo bắt tay với Trung Quốc chia lợi ích toàn khu vực Biển Đông đang dần chiếm ưu thế. 4 khuynh hướng còn lại là 1) Ra đời một hiệp ước ràng buộc giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực, 2) Trung Quốc vẫn tiếp tục hành vi bồi đắp ở Biển Đông và thách thức Mỹ, tình trạng này sẽ kéo dài, 3) Mỹ sẽ rút ra khỏi Biển Đông hoặc không can thiệp mạnh bằng quân sự mà chỉ võ mồm vì tránh đụng độ trực tiếp với Trung Quốc, 4) Nếu Mỹ thể hiện uy tín thì có thể xảy ra đụng độ nhỏ ở Biển Đông, rồi cứ thế kéo dài. Chuyện cuộc chiến lớn khó xảy ra.